Sự kiện kinh tế tuần: CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn chào đón DN Nhật; CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm; DNNN đầu tư ra nước ngoài 25,5% dự án báo lỗ... là nội dung chú ý tuần qua.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn chào đón DN Nhật
Chiều 31/5, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn chào đón DN Nhật.
Đánh giá về hội nghị, Chủ tịch Trần Đại Quang cho rằng đây là cơ hội quý báu để cộng đồng DN hai nước cùng nhìn lại kết quả đầu tư đã đạt được và chia sẻ tầm nhìn, triển vọng, cơ hội hợp tác phát triển trong trong giai đoạn mới.

 Đại diện Hãng hàng không Vietjet nhận giấy phép vận chuyển hàng không từ Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản. Ảnh:TTO

Chủ tịch nước cho biết, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói giảm nghèo...

"Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương", Chủ tịch nước dẫn chứng.

Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 50 tỷ USD. Riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục, gần 10 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở lại vị thế là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá: "Cộng đồng DN Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu, không chỉ tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn".

Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD. Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh, là nền kinh tế mở, đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng DN, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chủ tịch nước cũng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.
CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2018 so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,86% và nếu so với tháng 12 năm 2017 thì tăng 1,61%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá.
CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm

Trong số đó, nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,72%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%... Riêng chỉ có nhóm Giáo dục giá không đổi và nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5/2018 phải kể tới như giá thịt heo tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như bắp, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt heo tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.

Đặc biệt, 2 lần giá xăng dầu tăng vào ngày 8/5 và 23/5, (tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 960 đồng/lít) bình quân tháng 5/2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước đẩy CPI chung 0,16%.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,95% và giá nước sinh hoạt tăng 0,52%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5/2018 tăng 0,11% so với tháng trước.

Con số này tăng 1,37% so với cùng kỳ năm ngoái, và tổng cộng năm tháng đầu năm 2018 lạm phát cơ bản tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê cho thấy trong tháng 5/2018, lạm phát chung tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu.

DNNN đầu tư ra nước ngoài: 25,5% dự án báo lỗ

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên thảo luận sáng 28/5 cho biết, việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.

Đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng Công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Trong đó, đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%).

Theo báo cáo, Viettel đã đầu tư 10 thị trường nước ngoài trải rộng khắp 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Mỹ) với tổng dân số hơn 230 triệu dân, trong đó 9 nước đã đưa vào kinh doanh, còn riêng Myanmar đang trong giai đoạn đầu tư. Tổng doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2016 đạt ~ 1,4 tỷ USD, lũy kế thuê bao đạt 36 triệu, trong đó: 3 dự án đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) đứng số 1 tại thị trường.

Dù vậy, báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng, hoạt động đầu tư ra ngoài DN còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.

Một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả được chỉ ra như: Đầu tư của TCT Hàng hải Việt Nam tại các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; đầu tư của TCT Công nghiệp Tàu thủy tại các công ty con, công ty liên kết; đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), TCT Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru...

Hàng loạt sai phạm tại dự án nhiệt điện sông Hậu 1

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, nhà máy nhiệt điện sông Hậu dính hàng loạt sai phạm, tính sai hàng trăm tỉ đồng.
Hàng loạt sai phạm tại dự án nhiệt điện sông Hậu 1. Ảnh minh họa.

Kết luận thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong nhiều khâu của dự án này.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn để thẩm định dự án trước khi phê duyệt dự án đầu tư, vi phạm nghị định số 12/2009 của Chính phủ.

Tính chi phí quản lý dự án tăng hơn 19,5 tỷ đồng do áp sai hệ số khu vực khó khăn.

Tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu, giá ca máy, áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn đến giá trị dự toàn được duyệt sai tăng số tiền hơn 210 tỷ đồng. Nghiệm thu thanh toán sai tăng số tiền hơn 15,7 tỷ đồng.

Do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt về vận hành thương mại tổ máy 1, tổ máy 2, cơ quan thanh tra xác định đó là một trong những nguyên nhân khiến Tập đoàn Dấu khí Việt Nam phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.400 tỷ đồng.

Sai phạm về hàng loạt vấn đề trong công tác lựa chọn nhà thầu, gồm: Hồ sơ mời thầu không yêu cầu về cán bộ phụ trách an toàn lao động, không có yêu cầu chi tiết về số lượng máy móc tham gia xây dựng; hồ sơ dự thầu không có bản vẽ biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận trong quá trình thi công, không có bản vẽ biện pháp thi công các hạng mục…

Từ những sai phạm trên, thanh tra bộ xây dựng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có những vi phạm, sai sót được nêu trong kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra, có biện pháp khắc phục.

Tập đoàn Dấu khí Việt Nam nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trên. Ngoài ra, chỉ đạo ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1, các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm điểm xử lý trách nhiệm do đã có những sai sót, vi phạm nêu trong kết luận.

Về kinh tế, cơ quan thanh tra yêu cầu PVN điều chỉnh giảm dự toán số tiền hơn 230 tỷ đồng, trong đó cụ thể là các gói thầu thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điện lực sông Hậu (hơn 9 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 (hơn 220 tỷ đồng).

Tính lại chi phí thiết kế bản vẽ thi công, giảm trừ giá trị hợp đồng đối với phí mở bảo lãnh thực hiện hợp đồng của gói thầu EPC, chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật… Thu hồi số tiền 15,7 tỷ đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của thanh tra Bộ xây dựng.