Sự kiện kinh tế tuần: Doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên toàn cầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019; Xăng tăng thêm gần 1.000 đồng lần thứ ba liên tiếp; Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tác động tăng giá điện... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019
Phát biểu trước 2.000 doanh nhân tư nhân tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể ra nhiều lĩnh vực quan trọng có sự đóng góp của khối tư nhân như ngành ôtô, chế biến, chế tạo, xuất khẩu lúa gạo, nông nghiệp… Tuy nhiên, sự lớn mạnh của khối tư nhân vẫn còn thấp so với tiềm năng. Thủ tướng tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên toàn cầu.
 Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019.
Theo người đứng đầu Chính phủ, diễn đàn lần này có sự góp mặt của 2.000 đại biểu là các doanh nhân tư nhân, là cơ hội để Chính phủ, các Ban Đảng, Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các phản biện, góp ý để xây dựng văn kiện cho đại hội Đảng lần thứ XIII.
“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô vươn lên doanh nghiệp, đóng góp cho mình và xã hội?” - người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.
Theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó nhưng nếu có sự đồng lòng, quyết tâm sẽ thành công. Thủ tướng nhấn mạnh khát vọng vươn ra biển lớn là chìa khóa vươn lên, tạo ra nhiều của cải cho xã hội.
Trong bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp. Thủ tướng mong doanh nhân tư nhân cần phải có chí tiến thủ, không bằng lòng mà phải xông xáo tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới. Cần đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.
Thủ tướng cũng mong doanh nhân tư nhân kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, phát huy vai trò trong phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn doanh nhân phát huy phong trào yêu nước, đạo đức xã hội và kinh doanh.
“Chúng ta là nước phát triển trung bình, cần thêm lòng yêu nước, giúp dân giàu, nước mạnh, tạo ra sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng”, ông nói. Nhân đây, Thủ tướng cũng dành tặng cho doanh nghiệp tư nhân cả nước 10 chữ: “Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội”.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực. Được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, giảm chồng chéo tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Khối tư nhân cũng phải được khích lệ, được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Đồng thời đấu tranh các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân cũng được trao cơ hội tiếp cận nguồn lực, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, làm ăn trong môi trường thông thoáng, minh bạch.
“Vì đất nước, vì tương lai dân tộc, lãnh đạo doanh nghiệp cần có khát vọng mãnh liệt, quyết tâm khơi dậy tiềm năng của kinh tế tư nhân, trên con đường hiện thực hóa khát vọng dân tộc độc lập, tự cường, thịnh vượng vào năm 2045. Sự lớn mạnh của kinh tế trong nước góp phần lan tỏa sức ảnh hưởng của chúng ta trên toàn cầu”, Thủ tướng khẳng định
Xăng tăng thêm gần 1.000 đồng lần thứ ba liên tiếp
Thông tin từ Liên bộ Công thương - Tài chính tuần qua công bố, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/lít với xăng và khoảng 350 đồng/lít với dầu vào lúc 16h chiều 2/5.
Ảnh minh họa
Cụ thể, mỗi lít xăng E5RON92 tăng 985 đồng, lên mức tối đa là 20.688 đồng, còn xăng RON 95 tăng 956 đồng, lên mức 22.191 đồng.
Giá mỗi lít dầu diesel 0.05S cũng tăng 311 đồng, lên mức 17.695 đồng, còn dầu hỏa tăng 363 đồng, giá bán mỗi lít là 16.625 đồng trong khi dầu mazut 180CST 3.5S tăng 385 đồng/kg, lên mức 16.002 đồng/kg.
Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành tiếp tục chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng, trong đó E5RON92 là 925 đồng/lít (kỳ trước chi 1.456 đồng/lít), còn xăng RON95 là 283 đồng/lít (kỳ trước chi 743 đồng/lít). Mức trích lập Quỹ bình ổn vẫn được giữ nguyên như hiện hành là 300 đồng/lít với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Như vậy đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tục, với mỗi kỳ điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.000 đồng/lít.

Theo cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 2-5 đều có mức tăng, trong đó xăng tăng khoảng hơn 3%, còn các mặt hàng dầu tăng từ 2-3% so với kỳ điều hành trước.
Cơ quan này cho rằng hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở.
Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tác động tăng giá điện
Bên lề diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 chiều 2/5, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này đã họp và sẽ có những chỉ đạo cụ thể liên quan tới phản ánh hoá đơn điện tháng 4 tăng cao do điều chỉnh giá bán lẻ từ 20/3.
 Ảnh minh họa
Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá tác động của tăng giá điện với hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện quyết định tăng giá mặt hàng này tại các công ty điện lực địa phương, ông Tuấn Anh nói, và cho biết thêm đã chỉ đạo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Cục, Vụ liên quan về vấn đề này.
Nói cụ thể hơn, một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực năng lượng của Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm tra này nhằm đảm bảo không có sự mập mờ, áp giá và điều chỉnh giá theo đúng quyết định Bộ Công Thương ban hành về tăng giá bán lẻ điện bình quân.
Trước đó, liên quan tới việc nhiều hộ tiêu dùng phản ánh hoá đơn tiền điện tháng 4 cao hơn nhiều so với tháng 3, trước khi tăng giá ngày 20/3, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn này đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra 100% các trường hợp hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường. Các công ty điện lực cũng phải giải quyết, phản hồi trong 24 giờ khi nhận được phản ánh từ người dân.
Về nguyên nhân tiền điện tăng, ông Lâm nêu 3 lý do. Một là sản lượng dùng của các hộ tiêu thụ điện trong tháng 4 tăng so với tháng 3 khi thời tiết tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên, miền Bắc... vào giai đoạn chuyển mùa nóng.
Hai là do điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 20/3 theo quyết định 648 của Bộ Công Thương. Tính toán cụ thể của doanh nghiệp này, với mức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 8,36%, người dùng điện sẽ phải trả thêm gần 77.800 đồng nếu dùng trên 400 kWh. Mỗi 100 kWh điện dùng tiếp theo số tiền tăng thêm là 22.600 đồng.
Lý do khác được lãnh đạo EVN nêu, là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Sabeco thu hơn 9.300 tỷ đồng từ đầu năm
Tổng công ty CP Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, “ông lớn” ngành bia tại Việt Nam đã thu về tổng cộng 9.336,8 tỷ đồng doanh thu thuần ngay trong quý đầu tiên của năm 2019, tăng 20% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu tốt nhất từ trước đến nay của Sabeco trong quý I.
Sabeco cho biết, nguyên nhân giúp doanh thu thuần tăng cao là do sự tăng trưởng của sản lượng tiêu thụ và việc tăng giá bán trong năm 2019. Tuy nhiên, với giá vốn cũng tăng mạnh tới 22% và chiếm tới 76,5% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của Sabeco trong quý I chỉ còn 2.191,2 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ.
Trong kỳ, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính 172 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 25% so với quý 1/2018. Bên cạnh đó, Sabeco còn được hoàn nhập chi phí tài chính gần 4 tỷ đồng (do được hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư), cùng kỳ năm trước chi phí tài chính chiếm 5,4 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ tăng 16% lên 692 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản cáo, tiếp thị, hỗ trợ tăng 122 tỷ đồng lên 345 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 6% còn 166 tỷ đồng.
Kết quả, Sabeco ghi nhận 1.290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2019, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.221 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý 1 đạt 1.789 đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1/2019, tổng tài sản Sabeco đạt 23.040 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương (bao gồm các khoản gửi ngân hàng có kỳ hạn) lên tới 12.442 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tài sản công ty.