Sự kiện kinh tế tuần: Gần 320.000 tỷ đồng rót vào nền kinh tế trong tháng 1

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 320.000 tỷ đồng rót vào nền kinh tế trong tháng 1; Bitcoin rớt giá, hơn 44 tỷ USD "bốc hơi"; Sẽ xử phạt ngân hàng để ATM thiếu tiền... là điểm nhấn kinh tế tuần qua.

Gần 320.000 tỷ đồng rót vào nền kinh tế trong tháng 1
 Gần 320.000 tỷ đồng rót vào nền kinh tế trong tháng 1. Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2018 cả nước ghi nhận 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2018, với số vốn đăng ký 98.300 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp lập mới khoảng 9,1 tỷ đồng, giảm 9,1% so với tháng 1/2017.
Nếu tính cả 218.100 tỷ đồng đăng ký tăng thêm thì tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng đầu tiên của năm 2018 là 316.400 tỷ.
Cùng với lượng doanh nghiệp đăng ký lập mới, tháng này cũng ghi nhận gần 4.600 đơn vị quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động mới trong tháng lên hơn 15.400 doanh nghiệp.
Bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực được doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh nhiều nhất, chiếm trên 35% tổng số đơn vị lập mới, với 3.800 doanh nghiệp. Kế đến là xây dựng với 1.400 đơn vị được lập mới, chiếm gần 13%; chế biến, chế tạo có 1.300 đơn vị mới...
Bên cạnh số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là 13.300 đơn vị, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Trong đó, trên 8.620 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và gần 4.700 đang chờ giải thể. Phân theo loại hình doanh nghiệp, trong số doanh nghiệp giải thể có 718 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 46,2%); 422 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên; 218 doanh nghiệp tư nhân và 196 công ty cổ phần.
Bitcoin rớt giá, hơn 44 tỷ USD "bốc hơi" trong tháng 1/2018
 Bitcoin rớt giá, hơn 44 tỷ USD "bốc hơi" trong tháng 1/2018
Từ khi chạm đỉnh gần 20.000 USD tháng 12 năm ngoái, nhờ các sàn giao dịch Mỹ đưa vào hợp đồng tương lai, giá Bitcoin và tiền ảo nói chung đã lao dốc vì hàng loạt tin bất lợi. Đà giảm càng tăng tốc khi sang năm 2018.
Theo tính toán của Bloomberg, đến cuối tháng 1/2018 vốn hóa Bitcoin đã mất 44,2 tỷ USD trên tổng 200 tỷ USD có thêm năm ngoái. Hiện tại, mỗi đồng chỉ có giá quanh 10.000 USD, có lúc xuống 9.700 USD.
Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty giao dịch tiền tệ Oanda, cho biết, trong lĩnh vực tài sản rủi ro, khi một đồng tiền mất đi 50% giá trị của nó, có nghĩa là đồng tiền đó sẽ tiếp tục mất giá. Điều đáng buồn là rất nhiều người sẽ phá sản nếu họ thấy rẻ và cứ mua vào.
Mới đây, Coincheck, một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất của Nhật Bản, vừa bị tin tặc tấn công và cướp đi hơn 500 triệu USD. Sau sự việc này, Coincheck đã dừng mọi hoạt động rút tiền nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời truy tìm nguyên nhân mất cắp.
Điều này càng gây áp lực lên các cơ quan chức năng áp dụng những pháp cứng rắn đối với ngành công nghiệp vốn chưa được quản lý chặt chẽ.
Tại Hàn Quốc, hàng loạt quy định nhằm tăng tính minh bạch và an ninh trong giao dịch đã được thực hiện. Họ còn đang thảo luận nhiều đề xuất hơn, trong đó có cấm các sàn giao dịch.
Dự báo giá Bitcoin có thể giảm xuống quanh 5.000 - 6.000 USD một đồng, trước khi hồi phục lên 10.000 - 15.000 USD. Dù vậy, quá trình này sẽ khó khẳng định chắc chắn.
Sẽ xử phạt ngân hàng để ATM thiếu tiền
 Sẽ xử phạt ngân hàng để ATM thiếu tiền. Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng các tỉnh, thành không được để ATM thiếu tiền, phải đảm bảo ATM hoạt động 24/24.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám đốc Ngân hàng Nhà nước các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thống đốc về cung ứng đầy đủ tiền mặt cho các ngân hàng, kho bạc trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước cũng phải chỉ đạo các ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Ngoài ra phải theo dõi tồn quỹ và kịp thời tiếp quỹ cho ATM đảm bảo hoạt động 24/24.
Chủ động kịp thời xử lý các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp tết.
Ngoài ra phải kịp thời xử phạt hành chính các trường hợp để xảy ra tình trạng ATM thiếu tiền không hoạt động hoặc do lỗi chủ quan của ngân hàng và báo cáo Thống đốc.
Hệ thống ATM phải đảm bảo thông suốt, ổn định và an toàn, tránh tình trạng gián đoạn trong hoạt động, khiến người dân xếp hàng dài chờ rút tiền gây bức xúc trong dư luận.
Nhất là tại địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông cán bộ, công nhân viên, ngoài ra cần tăng cường chi trả linh hoạt bằng tiền mặt ngay tại doanh nghiệp nhằm giảm tải cho ATM ngày tết.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) bố trí cán bộ trực vận hành kỹ thuật, đảm bảo hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn thông suốt và ổn định trong dịp Tết.
Phối hợp với các đơn vị chức năng Ngân hàng Nhà nước và và tổ chức tín dụng thành viên kịp thời xử lý sai sót, sự cố phát sinh cũng như các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng giao dịch.
Cấm công ty chứng khoán tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo
 Cấm công ty chứng khoán tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo. Ảnh minh họa.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền ảo - cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Ủy ban Chứng khoán, hiện nay, một số công ty trên thị trường có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác như quỹ cộng đồng (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain)... Đây là sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo đó, về vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sản phẩm mới trên để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về phát hành, huy động vốn, công bố thông tin… đối với các sản phẩm mới trên.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm mới này, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Ngày 30/1, Facebook cũng đã có thông báo cấm các loại quảng cáo có liên quan tới Bitcoin, tiền kỹ thuật số và hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Chính sách này đặc biệt cấm các loại quảng cáo có mục tiêu quảng bá các loại sản phẩm và dịch vụ thường có liên quan tới các hành vi sai trái hoặc lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng từng đưa ra thông báo cấm các tổ chức tín dụng sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.