Sự kiện kinh tế tuần: GDP 9 tháng cao nhất trong 8 năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GDP 9 tháng cao nhất trong 8 năm; Bộ Công Thương đề nghị lùi ngày tăng thuế môi trường với xăng dầu; ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam... là nội dung chú ý tuần qua.

GDP 9 tháng cao nhất trong tám năm
Sáng 28/9, Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố số liệu kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2018. Theo đó, GDP quý III ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Thấp hơn mức 7,45% quý I năm nay nhưng cao hơn mức 6,73% của quý II.
 
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng, dữ liệu này cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng 8,61% và dịch vụ tăng 6,87%.
Tính chung 9 tháng, GDP cả nước ước tăng 6,98% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. "Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 2018", ông Lâm đánh giá.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong khi công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm. Góp vào tăng trưởng chung nền kinh tế nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, kế đến là dịch vụ, tiếp đến là nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Về lạm phát, số liệu của GSO cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2017. Còn so với tháng 12 năm ngoái, CPI tháng 9 tăng 3,2%.
Nguyên nhân làm CPI tháng 9 tăng, theo ông Lâm, là dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm CPI tăng 0,3%. Hai đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 9 cũng làm tăng CPI tháng 9 khoảng 0,08%.
CPI quý III tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước và bình quân quý 9 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,75%.
Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, nhiều nhất là giáo dục, giao thông, dịch vụ ăn uống... Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm.
Bộ Công Thương đề nghị lùi ngày tăng thuế môi trường với xăng dầu
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên cân nhắc về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Theo dự kiến, từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
 
Theo ông Hải, thời điểm tăng thuế rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Ông Hải kiến nghị "tăng vào thời điểm khác thích hợp".
Là cơ quan cùng phối hợp quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường với xăng. Cũng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, chính ông Đỗ Thắng Hải đã nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Theo tính toán của Chính phủ trong tờ trình xây dựng dự thảo, tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến CPI năm 2019 tăng 0,07 – 0,09%.
Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng một lít, thấp hơn ngưỡng thuế 4.000 đồng của xăng khoáng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang hướng dẫn hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Nêu quan điểm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (mặt hàng chiếm 41% thị phần tiêu thụ trong nước) thấp hơn so với RON 95. Do vậy, Bộ Công Thương phải truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ, góp phần giảm mặt bằng giá xăng cũng như giảm tác động tới CPI.
Cũng tại cuộc họp, báo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng đã giúp giá xăng E5 RON 92 chỉ tăng 10,9% so với đầu năm và xăng RON 95 chỉ tăng 6,2%, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.
“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp giảm CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”. Số liệu đến 31/8 cho thấy, các doanh nghiệp đã trích Quỹ 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư đang là 3.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diễn biến giá xăng dầu thế giới đang tăng nhanh và theo quy luật loại nhiên liệu này được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 còn 5 tháng nữa, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, xả phù hợp với thực tế, để "bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết".
Liên quan tới ý kiến "thả nổi" giá bán lẻ xăng dầu và sửa công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng tại Petrolimex, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, đề xuất này không phải của Bộ Công Thương.
Ông cho biết, Bộ này vừa huỷ quyết định công nhận thương nhân nhập khẩu xăng dầu của 3 đơn vị nên hiện nay cả nước có 27 đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu, trong đó có 3 đầu mối nhập khẩu xăng dầu hàng không.
“Với số lượng như vậy cũng chưa thể nói là đúng nghĩa thị trường được", ông nói. Thứ trưởng Công Thương so sánh và dẫn chứng về cạnh tranh trong thị trường vận tải với hàng chục hãng taxi, trước đây giá xăng tăng thì các hãng cũng tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm thì họ lâu giảm hoặc giảm ít.
"Nếu bỏ giá cơ sở thì xăng dầu cũng như vậy, bởi nó là công cụ để bảo đảm việc điều chỉnh giá kịp thời với thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp xăng dầu”, ông Hải nói thêm.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Trong buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018 sáng nay, Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tốt có thể được duy trì trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa, điều kiện kinh doanh được cải thiện và vĩ mô ổn định.
 
Năm nay, ADB dự báo GDP Việt Nam tăng 6,9%, thấp hơn so với 7,1% trong báo cáo tháng 4. Nguyên nhân là xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. Dù vậy, dự báo cho năm tới vẫn được giữ nguyên tại 6,8%.
Trong báo cáo Điểm lại hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) lại dự báo GDP Việt Nam tăng 6,8% năm nay, nâng lên so với dự báo 6,5% trước đó. Hai năm tới, tốc độ này sẽ chậm lại, còn 6,6% và 6,5%, do sức cầu toàn cầu chững lại.
Tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 8, Chính phủ dự báo GDP năm nay có thể đạt trên 6,7%, cao hơn mục tiêu đặt ra. Lạm phát cũng sẽ dưới 4%.
Trong báo cáo ADO, ADB nhận định Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều thách thức trong và ngoài nước. Đó là tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn giảm nhẹ, căng thẳng thương mại toàn cầu và áp lực lạm phát.
Lạm phát của Việt Nam năm nay và năm tới đều được điều chỉnh tăng, lên lần lượt 4% và 4,5%. Nguyên nhân là áp lực lạm phát có thể tiếp tục duy trì trong ngắn hạn, do giá dầu thế giới và giá lương thực tăng.
Đề cập đến cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Sigwik cho rằng, việc này sẽ có một số tác động chung đến Việt Nam. Đầu tiên là thương mại toàn cầu đi xuống, khiến quốc gia hội nhập sâu như Việt Nam dễ tổn thương. Thứ hai là trước mắt, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu Mỹ tìm hàng nhập khẩu thay thế cho hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này cũng mang đến nguy cơ nếu hàng hóa Trung Quốc mượn đường Việt Nam để sang Mỹ.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế của ADB bổ sung rằng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có thể khiến các công ty Trung Quốc hoặc doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam. Tuy vậy, thách thức cũng không hề nhỏ nếu các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc lại chiến lược kinh doanh, Trung Quốc phá giá tiền tệ hoặc cạnh tranh toàn cầu tăng lên khi cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu.
ADB cho rằng các bên cần tiếp tục theo sát tình hình để đánh giá tác động của chiến tranh thương mại đến Việt Nam và đưa ra đối sách phù hợp. “Về lâu dài, điều dễ nhận thấy nhất là thương mại đi xuống, cạnh tranh trên thị trường cũng sẽ tăng lên”, ông Sidgwick nhận định.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực, cơ quan này cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa thị trường. “Việc này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam, dù có chiến tranh thương mại hay không”, ông Cường cho biết. Bên cạnh đó, trong một thập kỷ tới, nhu cầu nội địa được dự báo tăng do thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ là một hướng đi cho Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc lao động giá rẻ liệu có tiếp tục là lợi thế của Việt Nam trong tương lai, ADB cho rằng đây chỉ là một trong các yếu tố nhà đầu tư ngoại đánh giá khi quyết định đổ tiền vào một quốc gia. “Lao động Việt Nam có giá rẻ tương đối so với nhiều nước, nhưng năng suất lao động lại thấp. Trong tương lai, nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn vào năng suất lao động nhiều hơn”, ông cho biết.
92 dự án tại Hà Nội đang thế chấp ngân hàng
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, đến ngày 23/8 có 92 dự án tại Hà Nội được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội.
 
Một loạt dự án của những "đại gia" bất động sản cũng nằm trong danh sách này. Riêng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh có nhiều dự án đang thế chấp nhất. Trong đó, dự án căn hộ dát vàng D'.Palai de Louis (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) bị thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Dự án Le Pont D'or (Hoàng Cầu, Đống Đa) của chủ đầu tư này cũng bị thế chấp 139 căn hộ, dự án chung cư cao cấp D. Le Roi Soleil (số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ) thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Công ty cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất 59 căn nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Chủ đầu tư này cũng đang thế chấp tài sản với quyền sử dụng đất dự án tại Phú Lãm, quận Hà Đông; dự án tại đoạn Cầu Chui - Cầu Đông Trù, Long Biên.
Tập đoàn FLC đang thế chấp dự án công trình hỗn hợp 265 Cầu Giấy, Tập đoàn Nam Cường thế chấp quyền sử dụng đất một loạt thửa đất tại Khu đô thị mới Dương Nội...
Một loạt dự án khác đã đi vào bàn giao cũng nằm trong danh sách này như Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An thế chấp một phần dự án Tràng An Complex tại Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy), Công ty Địa ốc MB thế chấp dự án Golden Field Mỹ Đình...
Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp giá rẻ cũng nằm trong danh sách này như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thế chấp dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cán bộ chiến sĩ Bộ Công An tại số 282 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân....
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền gồm 700 căn hộ để ở, 9 căn dịch vụ của dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco (huyện Thanh Trì) cũng nằm trong danh sách vừa được công bố.