Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng giảm lần 2 kể từ đầu năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng, dầu đồng loạt giảm nhẹ; Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM; Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm nhẹ
Ngày 17/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu 457 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và 0 đồng/lít đối với xăng RON 95-III. Theo đó, xăng E5 RON92 giảm 200 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 592 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 81 đồng/lít; dầu hỏa giảm 203 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 466 đồng/kg.
 Ảnh minh họa
Như vậy, từ 15h ngày 17/5, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.488 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.599 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.614 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.422 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.536 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 2 giá xăng dầu giảm sau 9 kỳ điều chỉnh giá bán. Theo Bộ Công Thương quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi liên tục và ở mức cao nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Cũng theo Liên Bộ, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 17/5 năm 2019 là: 75,585 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 5,86 USD/thùng, tương đương -4,71% so với kỳ trước); 77,392 USD/thùng xăng RON95 (giảm 4,89 USD/thùng, tương đương -5,94% so với kỳ trước); 82,967 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 0,83 USD/thùng, tương đương -0,98% so với kỳ trước); 82,262 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,59 USD/thùng, tương đương -1,89% so với kỳ trước); 422,802 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 19,3 USD/tấn, tương đương -4,36% so với kỳ trước).

Bộ Công Thương khẳng định không có bất thường về giá điện

Bộ Công Thương đã có báo cáo số 3489/BCT-ĐTĐL gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện.

 Ảnh minh họa

Kết quả kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các đơn vị đã thực hiện theo đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện.

Trong quá trình kiểm tra, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện chốt chỉ số công tơ, phát hành hoá đơn tiền điện đúng quy định. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động nghiên cứu thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện, thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện…

Thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20/3 đến 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.

Số liệu thống kê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, TP còn lại (Trong số hơn 14.500 kiến nghị, Hà Nội là hơn 66, TP Hồ Chí Minh là 714).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh từ ngày 20/3/2019. Cùng với nhiều yếu tố khách quan khác đã khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao, tạo ra nhiều ý kiến trong dư luận.

Báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 4 vừa qua, nền nhiệt độ ở cả 3 miền đều tăng cao, đặc biệt là miền Bắc và Nam. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tăng 16% so với tháng 3/2019, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng mạnh. Tổng điện thương phẩm trong tháng 4 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 14,23% so với tháng 3/2019.

Còn tính toán của Cục Thống kê, giá điện tăng thời qua khiến CPI trong 2019 tăng khoảng 3,3 - 3,9%. Với mức tăng này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%. So với tháng 3, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, mặt hàng điện nằm trong nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng, nhóm này chỉ tăng 0,6%.

Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM
Ngày 16/5/2019, tại trụ sở Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP (VEAM), Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP.

 Ảnh minh họa
Theo đó, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ... gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup
Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC) và SK Group của Hàn Quốc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, SK sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua cổ phiếu của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn.
  Ảnh minh họa
Theo thỏa thuận hợp tác, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tổng sở hữu của SK Group sau thương vụ này là 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương hơn 6% vốn điều lệ tập đoàn. Với giá trung bình 113.000 đồng một cổ phần, tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng.
Sau khi ký kết hợp tác chiến lược, Vingroup và SK sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, bao gồm việc phát hành cổ phiếu, niêm yết cổ phiếu phát hành mới trên Sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). Credit Suisse là đơn vị tư vấn cho Vingroup trong giao dịch này.
Cuối tháng 3, Bloomberg dẫn thông tin từ tờ Maeil Business của Hàn Quốc về thương vụ này khi cho biết SK Group, thông qua công ty đầu tư SK South East Asia Investment, dự kiến đầu tư tỷ đô mua cổ phần Vingroup.
Trước đó, Vingroup cũng đã công bố phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu, với mục tiêu huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD). Tập đoàn muốn chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần (tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho tối đa 5 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, với mức giá không thấp hơn 100.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được sử dụng 10.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ vay, 6.000 tỷ đầu tư vào công ty con (VinFast, VinTech, Vinsmart), 9.000 tỷ đồng dùng cho hoạt động kinh doanh, cấp vốn ngắn hạn cho tập đoàn và các công ty con.
SK hiện là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ. Năm 2018, SK Group đạt doanh thu 132 tỷ USD, với tổng tài sản đến cuối năm đạt 184 tỷ USD.
Hệ thống siêu thị Auchan rút khỏi Việt Nam
Sau khoản lỗ khổng lồ lên tới 1 tỷ Euro trên toàn cầu, Auchan quyết định bán lại hệ thống siêu thị và rời bỏ thị trường Việt Nam vì gặp nhiều khó khăn.
  Ảnh minh họa
Đại diện Auchan cho biết, tập đoàn đã quyết định bán 18 siêu thị tại Việt Nam. Các cửa hàng này cho doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu đô la).
Auchan Retail Vietnam là một trong những nhà bán lẻ đến từ Pháp, thuộc Tập đoàn Auchan Retail - một trong 5 nhà bán lẻ thực phẩm có quy mô lớn nhất thế giới, hiện có mặt tại 17 quốc gia, với doanh thu năm 2017 là 52 tỷ euro và 370.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Tập đoàn bán lẻ Auchan được đánh giá và xếp hạng thứ 11 về nhà phân phối thực phẩm toàn cầu (theo Deloitte) và nhà sử dụng lao động có trách nhiệm đứng thứ 35 trên thế giới (theo tạp chí Fortune).
Auchan chính thức có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên năm 2015. Tập đoàn này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Auchan có cửa hàng tại 3 thành phố lớn của Việt Nam: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tây Ninh với hơn 1.000 nhân viên, hoạt động dưới các mô hình khác nhau: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử.
Mặc dù được đánh giá tiềm năng, song thị trường bán lẻ Việt Nam không hề dễ dàng với nhà đầu tư ngoại.