Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng giảm nhẹ sau 2 lần tăng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng giảm hơn 300 đồng/lít; Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí 'made in Vietnam'; Nhiều "ông lớn" ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ nay đến hết năm 2019... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá xăng giảm hơn 300 đồng/lít
Chiều 1/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng theo hướng giảm nhẹ. Theo đó, xăng E5RON92 giảm 377 đồng/lít; xăng RON95 giảm 316 đồng/lít.
Giá xăng giảm hơn 300 đồng/lít từ chiều 1/8
Đồng thời cơ quan quản lý tiến hành tăng giá dầu ở mức 26 đồng/lít đối với dầu diesel; tăng 7 đồng/lít dầu hoả còn dầu mazut được điều chỉnh giảm 53 đồng/kg.
Như vậy, sau điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 19.902 đồng/lít; Xăng RON95 20.919 đồng/lít; Dầu diesel 17.023 đồng/lít; Dầu hỏa 15.966 đồng/lít; Dầu mazut 15.927 đồng/kg.
Tại kỳ này, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu ở mức 500 đồng/lít và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Việc điều chỉnh giá, trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 15 giờ ngày 1/8.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/8/2019 sau khi giảm ở nửa đầu kỳ tính giá, đến giai đoạn cuối kỳ đã có xu hướng tăng trở lại. Bình quân là 70,028 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 72,899 USD/thùng xăng RON95; 78,114 USD/thùng dầu diesel…
Trước đó, giá xăng dầu đã trải qua hai lần tăng liên tiếp. Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu gần đây nhất (ngày 17/7), giá xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 626 đồng/lít; xăng RON95 tăng 718 đồng/lít; Dầu diesel tăng 48 đồng/lít; dầu hỏa tăng 22 đồng/lít; dầu mazut tăng 760 đồng/kg.
Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí 'made in Vietnam'
Bộ Công Thương tuần qua đã công bố dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
 Ảnh minh họa
Chương III của dự thảo quy định rõ các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam, gồm hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư và hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Thông tư.
Dự thảo quy định: Hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn công đoạn gia công, chế biến đơn giản như các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho; các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự; trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại; lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh; giết, mổ động vật.
Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nếu không đáp ứng điều kiện quy định tại Chương III Thông tư, không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.
Bộ Công Thương khẳng định về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.
Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, về xuất xứ hàng hóa, Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng đã làm phát sinh một số bất cập.
Cụ thể, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.
Thừa nhận diện đối tượng chịu tác động của Thông tư là rất rộng, nội dung tương đối phức tạp, Bộ Công Thương cho biết mong muốn nhận được ý kiến góp ý của đông đảo người dân và DN, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước hết là về sự cần thiết phải ban hành Thông tư, sau đó là về nội dung của Thông tư và về các tác động có thể có đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều "ông lớn" ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ nay đến hết năm 2019
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và hưởng ứng sự vận động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay.
 Ảnh minh họa
Theo đó, kể từ sáng 1/8, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank đồng loạt giảm lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và start-up. Mức giảm lãi suất được áp dụng rộng rãi cho cả khách hàng đang có khoản vay và khách hàng vay mới tại Vietcombank từ 1/8 đến 31/12/2019.
Ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm (thấp hơn 1%/năm trần quy định của Ngân hàng Nhà nước) đối với đối tượng ưu tiên (kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Các đối tượng còn lại thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 6,0%/năm (thấp hơn 0,5%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/8 - 31/12/2019, BIDV triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, cụ thể: SMEs: 60,000 tỷ đồng và Doanh nghiệp siêu nhỏ, Start-up: 10,000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn từ 1/8 đến hết 31/12 cho các nhu cầu vốn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định và đem lại lợi ích tổng thể cho VietinBank phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (AgriBank) giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng hiện tại (thấp hơn 0,75-1%/năm so với trần quy định của NHNN).
Cùng với đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất thấp. Điển hình có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm kể từ ngày 1/8, gồm Chương trình ưu đãi SME 2019 và Chương trình tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Chương trình ưu đãi SME 2019 ưu đãi theo gói nhằm đem lại hiệu quả cao nhất về tài chính cho khách hàng; khách hàng đáp ứng điều kiện tham gia chương trình sẽ được hưởng lãi suất vay ngắn hạn tối thiểu 7,5%/năm cùng với ưu đãi (giảm) phí dịch vụ. Chương trình tín dụng kết nối ngân hàng - doanh Nghiệp, ACB hướng đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM kinh doanh các ngành nghề trọng tâm của thành phố với mức lãi suất vay ngắn hạn từ 7,5%/năm, trung dài hạn từ 9%/năm.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng triển khai 2 gói cho vay ngắn hạn VND ưu đãi, gồm: Gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; Gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng sau ngày 1/8, Ngân hàng TMCP Techcombank áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm các chương trình kinh doanh trọng tâm của Techcombank và đưa mức lãi suất cho vay mới trung bình về khoảng 7,5%/năm, áp dụng đến 31/12/2019.
Qua thống kê sơ bộ, thị phần tín dụng của các NHTM cho đến nay đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nêu trên đã chiếm khoảng 57% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam trị giá gần 7 tỷ USD
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2019 đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với danh sách lần thứ ba.
 
Trong đó, 10 thương hiệu dẫn đầu gồm các tên tuổi quen thuộc là Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail, với tổng giá trị hơn 6,9 tỷ USD.
Đứng đầu danh sách năm nay là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỷ USD, tiếp theo sau là Viettel (2,1 tỷ USD). Vinamilk và Viettel cũng là 2 thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại, trong đó Viettel là thương hiệu có giá trị thăng tiến nhanh nhất, từ 1,397 tỷ USD năm ngoái lên 2,163 tỷ USD năm nay.
Theo thống kê, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có 10 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao xét theo giá trị. Các ngành phụ trợ nông nghiệp, chứng khoán, du lịch và dịch vụ lưu trú chỉ có một đại diện.
Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính, một số công ty kiểm định qua các nguồn độc lập, tin cậy để tính toán.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.
Do phương pháp tính toán đòi hỏi dựa trên các số liệu tài chính, nên danh sách vắng bóng thương hiệu của một số doanh nghiệp nhà nước lớn không công bố số liệu tài chính hoặc các công ty tư nhân lớn không hợp tác cung cấp số liệu.