Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp, Việt Nam có nguy cơ nghèo ổn định, VN-Index vượt mốc 800 điểm... là điểm nhấn tuần qua.

Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp
 
Liên bộ Công Thương – Tài chính ngày 5/9 đã công bố việc điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h. Theo đó, cơ quan điều hành cho phép giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành;
Đồng thời, giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng khoáng ở 110 đồng/lít, xăng E5 90 đồng/lít, tăng mức chi sử dụng với dầu diesel lên 90 đồng/lít và dầu hoả giữ nguyên ở 185 đồng/lít.
Sau khi trích lập và xả quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 được tăng 306 đồng/lít lên mức tối đa 17.792 đồng/lít, xăng E5 tăng 285 đồng/lít lên 17.539 đồng/lít. Các mặt hàng dầu dầu diesel tăng 155 đồng/lít lên 13.950 đồng/lít; dầu hỏa tăng 149 đồng/lít lên 12.547 đồng/lít và dầu mazut tăng nhẹ 43 ồng/kg lên 11.148 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng trong nước đã trải qua 17 kỳ điều hành, trong đó có 7 lần giảm giá, còn lại là tăng giá hoặc giữ nguyên.
Với quyết định tăng giá trong kỳ điều hành này, đây là kỳ thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng sau 4 kỳ giảm giá liên tiếp trước đó.
Việt Nam có nguy cơ nghèo ổn định
 
Hai báo cáo nghiên cứu mới về kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho biết, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ phải chọn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới.
Một là vẫn đi theo cách làm cũ bấy lâu nay, tiếp tục chức năng gia công, lắp ráp để làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi toàn cầu. Hoặc con đường thứ hai, tận dụng làn sóng tăng trưởng nhằm đa dạng hóa và dịch chuyển theo chuỗi để tham gia vào các phân khúc giá trị gia tăng cao hơn, nuôi dưỡng các doanh nghiệp nội địa năng động, sáng tạo, có khả năng sáng chế ra sản phẩm riêng.
Ở mức gần 180%, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc hàng cao nhất và đang trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất về thương mại thế giới. Giai đoạn 2006-2014, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam luôn cao hơn tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, sự thật là ba phần tư kim ngạch xuất khẩu được đóng góp bởi doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các ngành sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng bị thu hẹp.
Các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao vẫn được thực hiện bên ngoài Việt Nam. Do không phát triển được năng lực đổi mới sáng tạo hoặc tham gia vào chức năng mang lại giá trị gia tăng cao nên dễ bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”.
WB khuyến nghị, vì không ai muốn Việt Nam sẽ "nghèo ổn định" vì kẹt bẫy giá trị gia tăng thấp và dính bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, thực tế để doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì vẫn là bài toán khó.
WB nhận định, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ôtô, xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam cũng chỉ mới tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp khâu cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp FDI.
VN-Index vượt mốc 800 điểm
 
Ngày 8/9, VN-Index đã chính thức vượt mốc 800 điểm. Mức kỷ lục này được giữ đến gần cuối phiên sáng, trước khi áp lực bán gia tăng đưa thị trường về ngưỡng 799,5 điểm.
Đà tăng đi cùng với thị trường ngay từ đầu phiên với sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Dù nhịp độ giao dịch không thực sự bùng nổ, nhưng sự bứt phá của nhóm blue-chip như SAB của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, MSN của Tập đoàn Masan, BVH của Tập đoàn Bảo Việt hay VCB của Vietcombank trở thành trụ cột nâng đỡ VN-Index.
Đây cũng là lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam tái lập mốc 800 điểm kể từ lần gần nhất vào giữa tháng 2/2008 - thời điểm thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn thoái trào của đợt khủng hoảng. Mặc dù đà phục hồi diễn ra ngay từ đầu năm 2009, nhưng phải mất gần 10 năm để thị trường một lần nữa trở lại ngưỡng đặc biệt này.
Theo nhiều nhà đầu tư trên thị trường, ngưỡng 800 điểm không chỉ mang ý nghĩa số học về mặt phân tích mà còn phản ảnh niềm tin của những người chơi trên thị trường chứng khoán.
Cách đây gần 10 năm, mốc 800 điểm của VN-Index từng được đánh giá là "chốt chặn" cuối, khi thị trường đã phục hồi tại ngưỡng này trong quá trình lao dốc từ khi xác lập mức đỉnh hơn 1.100 điểm.
Theo các chuyên gia, việc trở lại mốc 800 điểm sau gần 10 năm đã phần nào "cởi trói" tâm lý cho nhà đầu tư. Thị trường được dự báo sẽ có những động thái tích cực hơn và hướng tới mức kỳ vọng 820 điểm đến cuối năm.
Cổ phần hóa 33 doanh nghiệp Nhà nước trong 8 tháng
 
Báo cáo về hoạt động cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa thành công hơn 508 DN, năm 2016, có 58 DN được phê duyệt cổ phần hoá.
Tính đến hết 8 tháng năm 2017, đã có hơn 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần hoá, giá trị thực tế vào khoảng 80.600 tỷ đồng (gấp 3 lần vốn điều lệ).
Như vậy, tính trung bình giá trị của mỗi DN hiện là khoảng 2.400 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá trị của bình quân của các giai đoạn trước là 1.500 tỷ đồng và hơn 600 tỷ đồng/mỗi DN giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2016).
Trong giai đoạn 2911 - 2015, số vốn DNNN được thoái khoảng 761.800 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước gần 200.000 tỷ đồng. Giá trị thực tế gấp gần 4 lần so với vốn điều lệ.
Đến năm 2016, số giá trị thực tế được lên kế hoạch thoái vốn của 58 DN là gần 35.000 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn điều lệ.
Uỷ ban Kinh tế cho biết, trong tổng số 44 DNNN dự kiến cổ phần hóa năm 2017, 33 DN được phê duyệt phương án cổ phần, trong đó 10 DN sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2017.
Theo nhiệm vụ cổ phần hoá, từ năm 2016 - 2020, 137 DNNN sẽ phải cổ phần hoá, trong đó có các DN lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thoái còn rất nhiều tồn tại như tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa của một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra.