Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng tiếp tục tăng sốc

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng tiếp tục tăng hơn 1.000 đồng/lít; Bàn giải pháp phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá xăng tiếp tục tăng hơn 1.000 đồng/lít
Liên bộ Công Thương - Tài chính tuần qua đã công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ chiều nay 17/4, theo đó giá xăng và dầu cùng tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.115 đồng/lít lên mức 19.703 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.202 đồng/lít với giá bán lẻ không quá 21.235 đồng/lít.
 Ảnh minh họa.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá: dầu diesel 0.05S tăng 297 đồng/lít lên mức 17.384 đồng/lít; dầu hỏa tăng 291 đồng/lít 16.262 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán lẻ không cao hơn 15.617 đồng/kg khi tăng 407 đồng/kg.
Theo Liên bộ, kỳ điều hành giá lần này đã chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu 1.456 đồng/lít đối với xăng E5RON92; xăng RON95 chi 743 đồng/lít (kỳ trước chi 1.304 đồng/lít).
Cơ quan điều hành giá cho biết thêm, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 vừa qua là 77,895 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,986 USD/thùng, tương đương +3,99% so với kỳ trước); 79,808 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,374 USD/thùng, tương đương +4,41% so với kỳ trước).
Như vậy, đây là kỳ điều hành thứ 2 liên tiếp giá xăng tăng mạnh. Tại kỳ gần nhất vào ngày 2/4 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92 tăng 1.377 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trưởng ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng lên từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 97 doanh nghiệp năm 2018.
 Ảnh minh họa
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỉ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Thương hiệu "Vietnam" được tăng hạng (lên thứ 43) nhờ đóng góp của Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Tới đây để nâng cao thế mạnh của thương hiệu Việt Nam, Bộ Công thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình thương hiệu quốc gia Việt và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình.
Theo đó, nội dung chính của chương trình sẽ tập trung vào sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.
Đồng thời, đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết cũng đang cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.
Theo Trưởng ban kinh tế và thương mại Đại sứ quán Ý tại Hà Nội - cho rằng chiến lược xúc tiến thương mại là rất quan trọng vì nền kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi có đến 47% đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, nên làm thế nào tận dụng được những lợi thế của thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu. Đơn cử như kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia, tận dụng được nhãn hiệu của sản phẩm sản xuất trong nước.
Khó khăn nhất là gìn giữ và bảo vệ thành quả từ xúc tiến, quảng bá thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh việc sản phẩm bị làm giả làm nhái trên thị trường. Cần gìn giữ và tiếp tục phát huy chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường. Với Việt Nam, có thể thấy là hơi sớm trong giai đoạn để bảo vệ thương hiệu nhưng không bao giờ là quá sớm để nghĩ đến việc xây dựng và xúc tiến.
Bóng đèn Điện Quang vi phạm thuế, nộp phạt gần 38 tỷ đồng
Theo văn bản của Tổng cục Thuế vừa được công ty CP Bóng đèn Điện Quang công bố, doanh nghiệp này bị xử lý vi phạm về thuế trong các năm 2015, 2016, 2017 với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tiền chậm nộp tiền thuế và các khoản tiền khác với giá trị tổng cộng 37,9 tỷ đồng.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, Điện Quang phải nộp vào Ngân sách Nhà nước (NSNN) 1,2 tỷ đồng; nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 6,7 tỷ đồng và nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục quản lý công sản Bộ Tài chính 30 tỷ đồng.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định, Điện Quang phải nộp đủ số tiền nói trên, nếu nộp chậm sẽ tiếp tục bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Khoản tiền 38 tỉ đồng mà Bóng đèn Điện Quang phải nộp bằng đến hơn 63% lợi nhuận trước thuế dự kiến của doanh nghiệp này trong năm 2019. Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh của Bóng đèn Điện Quang HĐQT Cty dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 1,200 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế là 60 tỉ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang liên tục suy giảm trong những phiên gần đây. Kết thúc phiên giao dịch chiều 16.4.2019, cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang giảm xuống mức 21.800 đồng/cp, tương ứng giảm gần 17% chỉ sau 5 phiên giao dịch.
Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là là 1.200 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Như vậy, số tiền gần 38 tỷ đồng bị Tổng cục Thuế xử phạt lần này chiếm tới 63% lợi nhuận trước thuế dự kiến của công ty trong năm nay.
Tính chung giai đoạn từ 2015 đến nay, doanh thu của Điện Quang tăng trưởng không ổn định trong khi lãi trước thuế liên tục giảm. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 113 tỷ đồng, chỉ bằng 42% so với con số 268 tỷ năm 2015.

Sông Đà - Thăng Long, Lilama Hà Nội nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai đợt tháng 4 năm 2019 danh sách 191 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất với số nợ 3.382 tỷ đồng. Theo thống kê, trong số 191 đơn vị trên, có 183 doanh nghiệp nợ 2.586 tỷ đồng thuế, phí; 5 doanh nghiệp nợ hơn 251 tỷ đồng tiền thuê đất. Còn lại, 3 chủ dự án nợ tiền sử dụng đất với tổng nợ gần 545 tỷ đồng.

Sông Đà Thăng Long với tình hình tài chính bết bát dính hàng loạt tai tiếng thời gian qua

Cụ thể, trong 183 doanh nghiệp nợ thuế, phí, có 71 doanh nghiệp là công khai lần đầu với hơn 24 tỷ đồng nợ. Đứng đầu danh sách là Công ty CP Đầu Tư - Xây Dựng TDC Hà Nội với số nợ tính đến ngày 28/2 là 2,8 tỷ đồng.

112 doanh nghiệp còn lại có tổng nợ lên đến hơn 2.562 tỷ đồng theo đại diện ngành thuế đã được công khai trong giai đoạn năm 2015 - 2018 nhưng số nợ vẫn còn lớn. Đứng đầu danh sách này là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long với số nợ tính đến ngày 28/2 là trên 360 tỷ đồng. Ngoài ra, một loạt các đơn vị nợ lớn cũng bị điểm danh gồm Công ty cổ phần Lilama Hà Nội (nợ 118,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (nợ 91,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Điện tử công nghiệp Việt Nam (còn nợ hơn 83 tỷ đồng),...

Trong số 5 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, đứng đầu là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 - Vạn Xuân với hơn 219 tỷ đồng.

Với 3 chủ dự án nợ tiền sử dụng đất, theo thống kê, có số nợ lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô (hơn 325,7 tỷ đồng). Còn lại, 2 chủ dự án khác là Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam (nợ gần 130 tỷ đồng) cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (nợ hơn 89 tỷ đồng).

Theo Cục Thuế Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục thuế TP Hà Nội đã đăng công khai 182 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất với tổng số tiền nợ 284,8 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai chỉ có 56 doanh nghiệp và dự án nộp 8,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Bàn giải pháp phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Ngày 17/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Chiến lược thương hiệu Quốc gia Việt Nam”. Diễn đàn là 1 trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019.

 Toàn cảnh diễn đàn.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và DN liên quan đến phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu. Diễn đàn là cơ hội để các bên nhìn nhận lại thực trạng Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay để từ đó cùng đưa ra giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng, hiện chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia.

Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.

Để nâng cao thế mạnh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, thực hiện nghị định số 28/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, nội dung của chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thông qua việc chia sẻ, trao đổi thảo luận từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu và xuất nhập khẩu, diễn đàn sẽ góp phần xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia Việt Nam phù hợp với giai đoạn mới, giúp phát triển và bảo vệ thương hiệu của DN, địa phương, sản phẩm và quốc gia. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu quốc gí Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.