Sự kiện kinh tế tuần: Grab chính thức thâu tóm Uber Đông Nam Á

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Grab chính thức thâu tóm Uber Đông Nam Á; Bộ Công Thương bác đề xuất cho 'hồi sinh' xăng A92; Tăng trưởng GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua... là nội dung chú ý tuần qua.

Grab chính thức thâu tóm Uber Đông Nam Á
Grab chính thức thâu tóm Uber Đông Nam Á
Sáng 26/3, Grab chính thức thông báo vừa thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Phía Grab khẳng định, đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Grab cho biết sau khi sáp nhập, hãng này sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của Grab.
Là một phần của thỏa thuận thu mua, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Bà Tan Hooi Ling, Đồng sáng lập của Grab, cho biết, Grab sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood đến toàn bộ quốc gia Đông Nam Á vào quý tới. Trong khi đó, phía Grab khẳng định thỏa thuận này là minh chứng cho sự tăng trưởng của Uber tại khu vực Đông Nam Á trong 5 năm vừa qua.
Trước đó, năm 2017, Grab tuyên bố có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng ghi nhận 1 tỷ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á.
Còn Uber không công bố thị phần của mình ở Đông Nam Á, nhưng trong một tuyên bố vào hồi tháng 6 năm ngoái, công ty này cho biết tổng số lượt sử dụng dịch vụ của khách hàng đã vượt qua mốc 5 tỷ.
Grab hiện cung cấp dịch vụ tại hơn 160 TP trên khắp các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Đối lập, Uber chỉ hoạt động trong khoảng 60 thành phố trong khu vực.
Bộ Công Thương bác đề xuất cho 'hồi sinh' xăng A92
Bộ Công Thương bác đề xuất cho 'hồi sinh' xăng A92
Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) về kiến nghị một số nội dung liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng dầu.
Trong văn bản trả lời, Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 593 mét khối, chiếm khoảng 41,5% tổng lượng xăng các loại, tăng khoảng 32,5 - 33,5% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON 92 chỉ tiêu thụ được khoảng 8 - 9% tổng lượng xăng).
"Mức tăng trưởng trên là tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5", Bộ Công thương đánh giá. Về cơ chế, chính sách đối với xăng E5, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 nhiều hơn nữa.

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, liên bộ Công thương - Tài chính đã và đang điều hành, sử dụng quỹ theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Saigon Petro tiếp tục "giữ vững vai trò tiên phong trong phát triển nhiên liệu sinh học", thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh gây dư luận không tốt về mục tiêu cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 RON 92 nói riêng.
Trước đó, SaigonPetro có công văn đề nghị cho bán lại xăng A92 do lượng xăng E5 tiêu thụ khá thấp trên thị trường.
Saigon Petro đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính tổng hợp số liệu về sản lượng tiêu thụ xăng E5, đồng thời có biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng này nhiều hơn.
Tăng trưởng GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua
Tăng trưởng GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua
Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê đã dẫn ra nhiều số liệu tươi sáng về kinh tế quý I/2018. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2018 ước tính tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong đó, ngành thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo đều có mức tăng trưởng rất ấn tượng nhất trong vòng 7-8 năm trở lại đây.
Cụ thể, trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, góp 2,75 điểm phần trăm.
Cùng với sự phục hồi của nông nghiệp, dịch vụ, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý I.
Cụ thể, ở khu vực công nghiệp và xây dựng, bên cạnh ngành khai khoáng tăng trưởng dương (trong khi liên tiếp 2 năm 2016 - 2017 tăng trưởng âm), thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng ngoạn mục với 13,56% - mức cao nhất trong 7 năm gần đây, đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.
Riêng xuất nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, quý I tăng trên 58%. Đặc biệt, Samsung đóng góp rất lớn trong việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quan ngại của nhiều chuyên gia đánh giá, rủi ro tăng trưởng là chỉ dựa vào tài nguyên và xuất khẩu lớn của một số DN FDI.
Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.
Thép Việt Nam thắng kiện chống bán phá giá ở Úc
Thép Việt Nam thắng kiện chống bán phá giá ở Úc
Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) chính thức kết luận dây thép cuộn Việt Nam không bán phá giá tại thị trường Úc, và quyết định chấm dứt cuộc điều tra.
Ngày 28/3, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết sau nhiều lần gia hạn điều tra, ADC đã ban hành kết luận cuối cùng về vụ kiện chống bán phá giá dây thép dạng cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, do biên độ bán phá giá đối với thép cuộn nhập khẩu của Việt Nam (từ Tập đoàn Hòa Phát) vào Úc chỉ ở mức -1,3% so với mức tối thiểu là dưới 2%, nên không bị coi là bán phá giá và ADC đã "quyết định chấm dứt cuộc điều tra".
Kết luận điều tra cũng nêu rõ không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn của Việt Nam, và cũng không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam.
Theo VSA, trong vụ việc này, bị đơn của phía Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC sang Việt Nam thẩm tra trực tiếp vào tháng 8/2017.
Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn, cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC trong suốt quá trình điều tra vụ việc chống bán phá giá này.
Trước đó, tháng 6/2017, ADC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm dây thép dạng cuộn từ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam, do OneSteel - một nhà sản xuất thép của Úc đứng vai trò nguyên đơn - kiện về hành vi bán phá giá đối với thép dây cuộn nhập khẩu của các doanh nghiệp nói trên.
Năm 2017, Hòa Phát được ghi nhận đã xuất khẩu 36.000 tấn các loại thép cuộn rút dây, thép thanh sang thị trường Úc.