[Sự kiện kinh tế tuần] Giữ mục tiêu kinh tế trong "bão" corona

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua kinh tế, xã hội chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh do virus corona nhưng theo Thủ tướng, chúng ta phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.

Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 vào sáng 5/2, theo thống kê được đưa ra, trong quý I-2020, Việt Nam có thể giảm tăng trưởng, trước hết là tháng 1, tháng có kỳ nghỉ tết dài ngày, mà theo nghiên cứu, ước tính ban đầu có thể giảm tăng trưởng GDP trong quý I-2020 khoảng 1%.
Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh do virus corona (nCoV), các ngành hàng không, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu giảm đều giảm.
 
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. "Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể", Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Vì vậy, thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để "biến bại thành thắng", vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là một yêu cầu để thảo luận tại phiên họp.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, "việc hôm nay không để ngày mai". Sự chậm trễ của bộ này, ngành kia, của tỉnh nọ, thành phố kia phải được khắc phục sớm hơn để thúc đẩy phát triển.
Dịch bệnh nCoV khiến nông sản "điêu đứng"
Dịch bệnh nCoV gây ra nhiều tác động mạnh mẽ đến việc tiêu thụ nhiều loại nông sản, nhất là mặt hàng trái cây của Việt Nam.
Tác động đã hiện hữu khi nông sản "nghẽn" tại các cửa khẩu biên giới. Ngoài 60 container chở thanh long được thông quan khi cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) mở trở lại từ ngày 3/2, lượng xe tồn tại các cửa khẩu ước tính gần 400 xe. Kéo theo đó, thanh long ruột đỏ loại I, thương lái ở Trà Vinh chỉ mua với giá 10.000 đồng/kg, loại II 7.000 đồng/kg loại III có giá 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 35.000 - 45.000 đồng/kg so với 2 tuần trước và cùng kỳ năm trước.
Hàng trăm xe container thanh long ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Hoài Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Dự báo tình hình thiệt hại lớn về kinh tế, với riêng hàng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương lớn nhất, ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu; tổn thương đến đầu tư.
Tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên đang tiến triển rất tốt đều phải tạm dừng lại, chủ trương năm 2020 sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào".
Doanh nghiệp lao đao vì Corona
Rất nhiều con số thiệt hại lớn đã được đưa ra Tại hội nghị trực tuyến Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona đối với du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.
[Sự kiện kinh tế tuần] Giữ mục tiêu kinh tế trong "bão" corona - Ảnh 3
Hội nghị Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona 
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An cho hay 60% đoàn khách đến Nghệ An dịp này đã hủy tour do dịch cúm corona. Du lịch Đà Nẵng mất hơn 60% lượng khách. Trong tháng 1, Đà Nẵng giảm 33% khách so với cùng kỳ năm 2019. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Hoàng Văn Tuyên cho biết khoảng 10.000 khách Trung Quốc đăng ký vào Lào Cai đã phải hủy; các khách sạn bị hủy 30 - 50% lượng đặt phòng kể từ khi dịch corona bắt đầu nóng ngay dịp Tết Nguyên đán.
Du lịch Hà Nội cũng bị thiệt hại nặng nề. Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu thống kê từ tháng 1 đến ngày 3/2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30 - 50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30 - 50%.
Ngành công nghiệp cũng chịu tác động mạnh của virus corona. Theo đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), đối với ngành da giày, hiện các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu các loại. Trong đó, ở phân khúc cao cấp, ước ảnh hưởng khoảng 20%. Và "thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thấp cấp, hoặc chuyên xuất qua khu vực biên mậu vì phải phụ thuộc 100% nguồn cung từ Trung Quốc do chi phí rẻ". Riêng ở lĩnh vực túi xách, phân khúc balô và túi xách có mức giá trung bình sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất vì nhập khẩu nguyên phụ liệu chủ yếu từ Trung Quốc.
Sau ngày vía Thần tài, vàng lao dốc
2 ngày sau ngày vía Thần tài, giá vàng trong nước tiếp tục giảm giá. Công ty SJC hạ giá vàng miếng thêm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày 4/2, còn 43,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó có tiệm vàng bán ra còn 43,8 triệu đồng/lượng. Trước ngày Thần tài giá bán vàng nhẫn luôn trụ ở mức cao thì đến nay cũng tuột dốc nhanh, còn 44,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán cũng rất cao, lên đến 550.000 đồng/lượng. 
Ảnh minh họa
Mãi lực giảm mạnh là lý do khiến giá vàng trong nước giảm nhanh. Mặt khác, sau một thời gian miệt mài tăng, giá vàng trong nước đã cao hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng so với một năm trước khiến nhiều người chùn tay không dám mua vào lúc này vì sợ giá vàng sẽ quay đầu giảm.   
Jeunesse, Jeunesse Global nghi kinh doanh đa cấp trái phép

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết tiếp tục nhận được thông tin phản ảnh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (zoom meeting) có tên dự án "Nền tảng thương mại điện tử - Mạng xã hội". Hay, "Nhà cung cấp nền tảng kinh doanh - Chìa khóa trao tay" để giới thiệu về các sản phẩm, mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.

Tuy nhiên đến nay, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khẳng định "chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Globa", đồng thời có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 

Bộ Công Thương hồi đáp 5.186 cuộc gọi khiếu nại

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương), trong năm 2019 tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã ghi nhận có 9.295 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 5.186 cuộc gọi, chiếm 55,79%.

Thống kê chi tiết cho thấy, trong số 5.186 cuộc gọi được trả lời, có 1.422 cuộc liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các cuộc gọi còn lại có nội dung tư vấn những lĩnh vực khác.

Trong đó, các cuộc gọi về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao là 34% tổng số khiếu nại. Nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người tiêu dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Xếp sau đó là nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao liên quan đến các nội dung về Giao kết hợp đồng chiếm tỷ lệ 20%; khiếu nại liên quan đến hành vi Cung cấp thông tin chiếm 17% tổng số khiếu nại. Nhóm hành vi liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng chiếm tỷ lệ cao tiếp theo là 14%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần