Sự kiện kinh tế tuần: MobiFone hủy hợp đồng mua AVG

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - MobiFone hủy hợp đồng mua AVG; Kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại Sabeco; Đấu giá VTVCab có thể thu gần 6.000 tỷ đồng... là nội dung chú ý tuần qua.

MobiFone hủy hợp đồng mua AVG
 MobiFone hủy hợp đồng mua AVG
Chiều 12/3, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đưa ra quyết định hủy thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại cuộc họp nội bộ này, MobiFone và AVG thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng.
Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này”.
Ngoài cam kết trả lại khoản tiền bán cổ phần, các cổ đông chuyển nhượng sẽ thanh toán chi phí liên quan mà MobiFone đã trả cho các đơn vị liên quan tới giao dịch. Các cổ đông chuyển nhượng cũng đồng ý thanh toán cho MobiFone khoản lãi cho số tiền MobiFone đã thanh toán cho cổ đông chuyển nhượng theo đúng hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, đến nay MobiFone vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. AVG là phía đưa ra thông báo chấm dứt thoả thuận chuyển nhượng cổ phần để hoàn trả lại tiền cho MobiFone và nhận lại tài sản là cổ phần AVG.
Trong cuộc thương thảo này, đại diện phía AVG đã đồng ý không yêu cầu phạt và đòi bồi thường khi huỷ giao dịch. Đại diện AVG đảm bảo sẽ sử dụng số tiền (gần 450 tỷ đồng) mà hiện tại MobiFone còn nợ ông Phạm Nhật Vũ để làm tiền đặt cọc cho cam kết tại Biên bản này.
Theo đại diện AVG, ngoài số tiền đã thanh toán cho AVG, MobiFone cho biết đã phải trả một số chi phí liên quan như thuê tư vấn và đại diện AVG cũng đồng ý sẽ thanh toán cả những khoản này.
Về lý do khiến đề xuất huỷ hợp đồng, đại diện AVG cho biết, từ khi mua lại, MobiFone đã không vận hành, phát triển đúng như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG. Bên cạnh đó, kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, MobiFone mới thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Quá thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng nhưng đến nay, MobiFone vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ chi trả 5% còn lại dù AVG đã liên tục có văn bản đòi.
Ngoài ra, kể từ khi có yêu cầu thanh tra hợp đồng này, quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan. Theo cả MobiFone và AVG, việc huỷ hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín cho cả hai đơn vị.
Kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại Sabeco
Kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại Sabeco. Ảnh minh họa
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, thông báo kết luận báo cáo kiểm toán tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với nhiều đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm.
Văn bản của KTNN nêu rõ 4 vấn đề được phát hiện trong quá trình kiểm toán tại Sabeco với nhiều khoản đầu tư, quản lý, sử dụng tài chính khá lớn.

Theo đó, việc thoái vốn tại Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl có một số dấu hiệu sai sót về định giá.
KTNN cho biết việc thoái vốn được thực hiện từ tháng 6.2016 theo hình thức tổ chức đấu giá bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ (26% vốn điều lệ). Sabeco xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, theo KTNN, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Sabeco Pearl còn sai sót, hạn chế. Điển hình như trong phương pháp so sánh, việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường, là không đúng hướng dẫn Tiêu chuẩn thẩm định giá VN.
Hay đối với phương pháp thặng dư, đã sử dụng tỷ suất chiết khấu để quy dòng tiền trong tương lai về giá trị hiện tại là 13,69%, trong khi tại thời điểm năm 2016, trên địa bàn TP.HCM, tỷ suất chiết khấu do Hội đồng thẩm định giá đất TP và các đơn vị tư vấn thẩm định xác định cho các dự án bất động sản là 11%. Do đó đã làm giảm đáng kể giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm.
Đối với việc chia cổ tức để nộp ngân sách nhà nước trước khi thoái vốn, theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31.12.2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỉ đồng. Công ty mẹ đã phân phối tiếp gần 76 tỉ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý 1/2017.
Lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỉ đồng. KTNN đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước gần 2.500 tỉ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước, tương ứng tỷ lệ vốn nhà nước của Sabeco tại thời điểm ngày 31.12.2016 là 89,59%.
Đáng chú ý, KTNN cho biết Sabeco phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỉ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.
Bao gồm: khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông được Sabeco trích lập dự phòng hơn 154 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Á hơn 126 tỉ đồng; Công ty PVI Sài Gòn 39,3 tỉ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 33,7 tỉ đồng; Công ty CP chứng khoán Đại Việt gần 16 tỉ đồng...
Trong số này, khoản đầu tư rót vốn là mua trái phiếu Vinashin khiến tổng công ty phải trích lập dự phòng hơn 20,8 tỉ đồng, bằng 100% giá trị đầu tư; khoản đầu tư hơn 136 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Đông Á, cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu do ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt.
Đấu giá VTVCab có thể thu gần 6.000 tỷ đồng
 Đấu giá VTVCab có thể thu gần 6.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào giữa tháng 4/2018.
Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ đấu giá 42,29 triệu cổ phần, tương đương 47,84% vốn điều lệ sau cổ phần hoá. Tại mức giá khởi điểm 140.900 mỗi cổ phần, phiên đấu giá này ước tính mang về cho VTVCab 5.960 tỷ đồng.
Theo kết quả định giá được Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 5/2017, tổng giá trị của VTVCab khi cổ phần hoá là hơn 4.278 tỷ đồng, tăng 279 tỷ so với con số do đơn vị kiểm toán độc lập thông tin trước đó. Tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại đây sau kiểm toán đạt 2.684 tỷ đồng.
VTVCab cũng đã công bố tiêu chí và trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án cổ phần hoá được phê duyệt bởi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Cụ thể, công ty chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, năng lực tài chính tốt thể hiện qua việc 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi, không lỗ luỹ kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%. Nhà đầu tư cũng không được là cổ đông lớn hoặc cổ đông chiến lược của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với công ty tại Việt Nam.
Nhà đầu tư chiến lược phải đăng ký mua tối thiểu 10% vốn điều lệ của VTVCab và không được chuyển nhượng trong thời hạn tối thiểu 10 năm, kể từ thời điểm công ty chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần. Đồng thời, có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu…
VTV Cab thành lập vào năm 2012, tiền thân là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật cáp trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, quảng cáo truyền hình, môi giới bản quyền, viễn thông có dây…
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng được kinh doanh đa cấp
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng được kinh doanh đa cấp. Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó quy định điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, một trong các yêu cầu là phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện, trong đó phải là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Một trong các yêu cầu của Nghị định là doanh nghiệp đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật công ty đa cấp không được phép kinh doanh các loại mặt hàng như: thuốc, trang thiết bị y tế, các loại thuốc thú y, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phế phẩm diệt côn trùng.
Các sản phẩm diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế cùng các loại hóa chất nguy hiểm. Các sản phẩm nội dung thông tin số.
Trong Nghị định mới ban hành của Chính phủ, các hành vi kinh doanh đa cấp bị cấm được mở rộng từ tổ chức đến cá nhân như: Cấm doanh nghiệp, người kinh doanh đa cấp yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Cấm yêu cầu người khác phải mua số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Đặc biệt, doanh nghiệp đa cấp bị cấm cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, lợi ích của người tham gia mạng đa cấp. Cấm cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo trong hội nghị, hội thảo hoặc qua tài liệu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần