Sự kiện kinh tế tuần: Mời doanh nhân hiến kế sách phát triển kinh tế

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mời doanh nhân hiến kế chính sách; Bất ngờ thông tin 14 công ty nhập khẩu cho Asanzo đã bỏ trốn; Bộ Công Thương vẫn muốn siết ôtô nhập khẩu... là nội dung chú ý tuần qua.

Mời doanh nhân hiến kế chính sách
Ngày 3/9, Ban Kinh tế trung ương phát động cuộc vận động 'Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế'.

 Sản xuất linh kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty Năng lực Việt, khu Công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết, cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Thông qua cuộc vận động này, doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình, đóng góp ý kiến để Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển, xây dựng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế ngày càng phát triển bền vững.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, Hiến pháp Việt Nam đã nhấn mạnh khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh. Tuy nhiên, trong số 700.000 doanh nghiệp, hơn 90% là có quy mô nhỏ và vừa.
Từ trước đến nay Đảng đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có thể là các cuộc đối thoại, tiếp xúc với chính quyền, bộ ngành. Ban Kinh tế trung ương chủ trì tổ chức cuộc vận động là sáng kiến rất quan trọng. Đây cũng chính là dạng "hội nghị Diên Hồng" để doanh nghiệp, người dân có thể hiến kế với Đảng để phát triển kinh tế.
Sức mạnh kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cuộc vận động này là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, ông Lê Chung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tây Bắc cho rằng, không ai hiểu thuận lợi cũng như khó khăn trong sản xuất kinh doanh bằng doanh nghiệp. Thực tế, nhiều chính sách đưa ra bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp liên tục góp ý, phản ứng. Có cơ quan tiếp thu, thừa nhận bất cập nhưng để sửa văn bản có khi phải chờ cả quý, thậm chí cả năm.
Đơn cử, sau gần một năm doanh nghiệp góp ý, Tổng cục Hải quan mới đây có văn bản không truy thu thuế đối với nguyên liệu để gia công, sản xuất hàng hóa tại chỗ.
Chính sách, quy trình do con người làm ra. Nó không thể đúng và phù hợp với mọi thời điểm. Do đó việc góp ý, hiến kế của doanh nghiệp cần có sự đón nhận. Khi đã nghe, đã hiểu, điều quan trọng là cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho kịp thời...
Bất ngờ thông tin 14 công ty nhập khẩu cho Asanzo đã bỏ trốn
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa có thông báo về việc kiểm tra của các đơn vị nghiệp vụ về vụ việc Công ty Cổ phần Asanzo bị nghi là bóc tem Trung Quốc để gắn mác hàng Việt Nam.
 Vụ việc của Asanzo bắt đầu có những thông tin sáng tỏ
Cụ thể, theo đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan, qua kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Công ty Asanzo đã làm 26 tờ khai hải quan nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 171 triệu đồng.
Cơ quan hải quan cho biết: "Mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc".
Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 1 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc, số lượng 5 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng.
Qua kiểm tra các đơn vị liên quan hoặc nghi vấn có liên quan đến hoạt động kinh doanh, đứng tên của của Asanzo trên thị trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Tuy nhiên, qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND Phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của các công ty có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Tổng cục Hải quan khẳng định có 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại địa chỉ trên thực tế; 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động đúng địa điểm đăng ký và 32 doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp vi phậm đa phần treo biển nhưng không có hoạt động; có địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh nhưng không có thật.
"Một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên Cổng thông tin chưa cập nhật thông tin và có tình trạng chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ", Văn bản của Tổng cục Hải quan nêu.
Một diễn biến liên quan, một số báo trích dẫn nguồn tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết Asanzo đã chi hàng nghìn tỷ đồng để mua linh kiện sản xuất, lắp ráp tivi, ấm đun nước, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy lạnh...
Việc mua linh kiện của Asanzo chủ yếu là từ các đối tác trong và ngoài nước, trong đó năm năm 2017 số tiền mua trị giá 552,8 tỷ đồng, năm 2018 là 1.075 tỷ đồng và năm 2018 là 235 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải làm rõ thời gian tới là mối liên hệ của các công ty này với Asanzo là gì, hóa đơn nhập khẩu, thuế, tờ khai nhập khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho Asanzo như thế nào? Vấn đề này chắc chắn sẽ mất thời gian thêm và có nhiều phức tạp.
Bộ Công Thương vẫn muốn siết ôtô nhập khẩu
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam, Bộ Công Thương vẫn khẳng định, Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô không tạo phân biệt đối xử giữa xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Bên trong nhà máy sản xuất Vinfast

Nghị định 116 có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định ATIGA với cam kết thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% - ngày 1/1/2018. Với Nghị định 116, một số nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nước thành viên WTO (Mỹ, EU, Nhật Bản) lo ngại có thể tạo thêm thủ tục, gây cản trở doanh nghiệp xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, điều các quốc gia trên quan ngại là vấn đề kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA khi ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước không bị yêu cầu như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia. Tuy nhiên, ông Hải cho hay, quá trình lắp ráp, sản xuất xe trong nước cũng phải tuân thủ và từng chiếc xe đều theo quy trình kiểm tra trước khi được lưu thông.
Cũng nhờ nghị định này, Bộ Công Thương đánh giá, cục diện giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước đã có thay đổi đáng kể. Năm 2017, tỷ lệ nhập khẩu gấp 2,5 lần lắp ráp. Năm 2018, tỷ lệ này tăng lên 3,72 lần và 6 tháng năm 2019 giảm xuống còn 1,74 lần. Song, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu có xu hướng giảm nên cần giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu. Nhất là từ năm 2018, xe nhập khẩu từ ASEAN đạt hàm lượng sẽ được giảm thuế về 0% theo hiệp định FTA của ASEAN. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn do có lợi thuế về ưu đãi thuế quan.
Do đó, theo Bộ Công Thương, cần duy trì Nghị định 116 để "quản lý nhập khẩu ôtô hợp lý trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và phát triển ngành ôtô trong nước".
Trước đó, tại bản dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 116 đã đề xuất sửa điều kiện doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu ô tô phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm vệ sinh, phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, những quy định cốt lõi về kiểm tra xe nhập khẩu theo lô, hay chứng nhận kiểu loại... lại không được bộ này đề xuất sửa.
Tại cuộc họp về điều kiện kinh doanh của Tổ công tác Chính phủ gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, sửa đổi Nghị định 116 là phù hợp trong bối cảnh thị trường, hoạt động nhập khẩu đã đi vào ổn định và Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi theo hướng ôtô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.
Trong khi đó, theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, những quy định giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, giấy chứng nhận kiểu loại... chỉ là "giải pháp ngắn hạn". Về dài hạn, theo vị này, khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. 
Về những đề xuất này, một chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, vấn đề của ngành công nghiệp ôtô không phải là có bảo hộ hay không. Nếu có bảo hộ đi nữa thì trong nước cũng không thể làm được vì giá thành quá cao, và như vậy ngành này vẫn khó phát triển được.
Cũng trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương còn đề xuất loạt chính sách thuế để 'tiếp sức' cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong 3 tháng (không theo phương thức khấu trừ như hiện nay) với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định...; không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô (để giảm giá thành xe); nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe.
Thuế nhập khẩu sẽ theo nguyên tắc, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số chi tiết quan trọng xe dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến 2025; áp dụng thuế 0% với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá... nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ôtô...
Vicem "quên" hơn 1.000 tỷ đồng trước cổ phần hóa
Trong báo cáo kiểm toán gửi đến Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.
 Ảnh minh họa
Kết quả xác định giá trị Vicem theo phương pháp tài sản của KTNN cho thấy giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 khoảng 28.227 tỷ đồng, và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng.
Trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.
Nguyên nhân chênh lệch cả ngàn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập - Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC - đã... bỏ quên giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.
Vicem hiện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. KTNN cho biết tại thời điểm 1/10/2018, các công ty TNHH MTV thuộc Vicem được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất ximăng.
Trong đó, Vicem Hoàng Thạch được cấp 4 giấy phép, Vicem Hải Phòng được cấp 3 giấy phép, Vicem Tam Điệp được cấp 2 giấy phép. Thời gian được cấp phép từ 2 - 30 năm, tùy theo từng giấy phép.
Tổng trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác hằng năm khoảng 9,56 triệu tấn đá vôi, 1,91 triệu tấn đá sét.
KTNN căn cứ vào giá mua bán đá, mức thuế tài nguyên, nhân với sản lượng khai thác hằng năm theo giấy phép, giá thành khai thác khoáng sản của các đơn vị để xác định giá trị quyền khai thác các mỏ đá vôi, đá sét của các công ty con thuộc Vicem khoảng 1.193 tỷ đồng.
Cụ thể, giá trị quyền khai thác các mỏ khoáng sản của Vicem Hoàng Thạch khoảng 325,8 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng khoảng 523,6 tỷ đồng, Vicem Tam Điệp khoảng 344,4 tỷ đồng.
Hơn nữa, khi xác định phần vốn nhà nước tại Vicem, Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC chỉ căn cứ theo báo cáo tài chính - giá trị sổ sách của Vicem khi góp vốn đầu tư dài hạn vào các Công ty Ximăng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty Ximăng Nghi Sơn nên chưa bảo đảm đúng giá thị trường của các khoản đầu tư.
Theo KTNN, giá trị các khoản đầu tư của Vicem vào các công ty con khoảng 3.660 tỷ đồng, tăng khoảng 1.239 tỷ đồng so với kết quả kiểm toán của Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC.
Bên cạnh đó, một loạt thiếu sót khác cũng được KTNN chỉ ra trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa do Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Đó là việc tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.
Hiện Vicem và các công ty con đang sở hữu nhiều lô đất, tài sản trên đất có giá trị tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. KTNN đã đề nghị Vicem và đơn vị kiểm toán xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.