Sự kiện kinh tế tuần: Nhiều dự án thua lỗ ngành Công Thương có dấu hiệu vi phạm luật

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều dấu hiệu vi phạm trong 12 đại dự án thua lỗ; Giảm chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu; Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan, 1/10 Mỹ, Nhật... là nội dung chú ý tuần qua.

Nhiều dấu hiệu vi phạm trong 12 đại dự án thua lỗ
 
Theo báo cáo được Chính phủ gửi tới Quốc hội, sau hơn một năm tích cực xử lý, toàn bộ 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương đã được thanh tra, kiểm tra. Riêng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ chưa thể kiểm toán theo kế hoạch do Công ty cổ phần Hoá dầu & xơ sợi dầu khí (PVTex) đang làm việc với cơ quan điều tra Bộ Công an.
Sau quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 4 dự án: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên và Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sang Bộ Công an.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố Vụ án “Cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTex” trong đó có các sai phạm liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Cơ quan điều tra cũng phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với 2 dự án là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Hiện cơ quan này tiếp tục thụ lý hồ sơ, xác minh các dấu hiệu sai phạm, dự kiến cuối quý II sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố.
Giảm chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu
 
Tại kỳ điều hành xăng dầu ngày 7/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tiếp tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá bán trong nước của các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: Xăng E5 RON92 1.270 đồng/lít Xăng RON95: 698 đồng/lít Dầu diesel: 156 đồng/lít; Dầu hỏa: 31 đồng/lít); Dầu mazut: 375 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá sau: Xăng E5 RON92 không cao hơn 19.940 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 21.511 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.694 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.440 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.437 đồng/kg.
Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 15h hôm nay, 7/6.
Như vậy, thị trường đã trải qua tới 7 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay. Theo đó xăng RON95 từ 20.290 đồng/lít lên 21.511 đồng/lít; xăng E5 từ 18.240 đồng/lít lên 19.940 đồng/lít.
Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan, 1/10 Mỹ, Nhật
 
Bên cạnh đề xuất chọn năm 2019 là năm tăng năng suất lao động quốc gia, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng do ông Vũ Viết Ngoạn đứng đầu chỉ rõ thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam và đề nghị lập Hội đồng Năng suất Quốc gia năng suất lao động.
Hội đồng bao gồm các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học. Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng; các Phó Chủ tịch có thể là Bộ trưởng. Hội đồng có cơ quan thường trực để phối hợp với các động lực tăng năng suất quốc gia, trong đó có sự tham gia của Viện Năng suất Quốc gia.
Theo Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, có 3 nguyên nhân khiến Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đến NSLĐ là dù có chuyển biến tích cực những năm gần đây, nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn dưới mức tăng trưởng cần thiết để đạt các mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng.
Tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam tăng từ 4,35% giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,64% giai đoạn 2016 - 2017. Theo tính toán, để đạt được GDP bình quân 6,85% trong 3 năm 2018 - 2020, hay mục tiêu GDP từ 6,5% đến 7% cùng thời gian trên, tốc độ tăng NSLĐ phải là 6%.
Dù Việt Nam có cải thiện NSLĐ, nhưng vẫn chậm hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Năm 2015, NSLĐ của ngành chế biến, chế tạo Việt Nam bằng 1/4 Thái Lan, Trung Quốc, bằng 1/10 so với Hàn Quốc, Nhật Mỹ...
Tổ Tư vấn khẳng định, Chính phủ triển khai Chương trình Quốc gi về Năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp đến năm 2020 nhưng quy mô và phạm vi còn nhỏ, chưa đủ sức lan toả.
Hiện Việt Nam có lợi thế là gắn kết kinh tế sâu rộng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế các quốc gia trên giúp Việt Nam có được bài học thực tiễn.
Đặc biệt, Cuộc Cách mạng 4.0 đang ở ra cho Việt Nam những cơ hội chưa từng có, điều này tạo ra những bước tiến vượt bậc trong tăng năng suất lao động và hiệu quả.
Theo kiến nghị của Tổ tư vấn, Việt Nam nên chọn năm 2019 là năm tăng NSLĐ quốc gia, đồng thời cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa của việc thúc đẩy NSLĐ cũng như các trường hợp thành công điển hình về NSLĐ của các nước trên thế giới.
Cần đặc biệt khuyến khích tư nhân làm đầu tàu, dẫn dắt phong trào nâng cao NSLĐ quốc gia, từ việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, đến chia sẻ các điển hình, đưa ra phản hồi chính sách đối với Chính phủ.
Tổ Tư vấn đề nghị lựa chọn một số ngành để thực hiện thí điểm năng cao năng suất lao động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần hợp tác quốc tế, nhất là đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để xây dựng chương trình xúc tiến năng suất có hiệu quả.
Chủ động xây dựng chương trình hợp tác song phương giữa Nhật hoặc Hàn Quốc với Việt Nam nhằm thúc đẩy nâng cao NSLĐ thông qua sự liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt và các DN Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam trong sản xuất, đào tạo, nghiên cứu sản phẩm.
Bộ Tài chính đề xuất tạm dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo
 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.
Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP HCM, còn lại là Đà Nẵng.
Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.
Thế nhưng, thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặc đã được sửa đổi bổ sung.
Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 3318 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới vụ lừa đảo tiền ảo iFan hơn 15.000 tỷ đồng. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng xảy ra hồi đầu tháng 4/2018.