Sự kiện kinh tế tuần: Ban chỉ đạo 389 nêu 7 vi phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedohi - Ông Lê Đăng Dũng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel; Ban chỉ đạo 389 nêu 7 vi phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng; Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh... là nội dung chú ý tuần qua.

Ông Lê Đăng Dũng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel
Ngày 31/7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giữ chức vụ phụ trách Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn này. Ông Dũng được bổ nhiệm thay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - người vừa nhận nhiệm vụ trên cương vị mới là Bí thư Ban cán sự đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo.
 

Ông Dũng sinh năm 1959, quê Quảng Trị gia nhập Viettel năm 1996. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ kỹ thuật điện tử Trường đại học South Australia, Kỹ sư chuyên ngành tự động và điều khiển từ xa Trường đại học kỹ thuật điện - Leningrad.

Ông là một trong những người gắn bó với Tập đoàn Viettel từ những ngày đầu và trải qua nhiều cương vị khác nhau. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc, ông Dũng là Phó tổng giám đốc phụ trách mảng đầu tư nước ngoài tại Viettel. Hiện ông cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global). Ông cũng đã có 5 năm là Bí thư Đảng ủy tập đoàn này.

Trước đó, ông Dũng cũng đã nắm giữ những vị trí quan trọng tại Viettel như Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVFinance)...
Ban chỉ đạo 389 nêu 7 vi phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng
7 hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng được ông Nguyễn Trọng Tín - Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - nêu tại cuộc họp báo sáng 31/7 sau khi kiểm tra DN này từ 20/7.
Đó là Con Cưng bán hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn chứng từ; hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng ngôn ngữ trình bày không phải bằng tiếng Việt; sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc; túi nilon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ sản phẩm; mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành; nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan.
 
“Với 7 hành vi này, Con Cưng sai rồi, đủ để DN bị xử lý”, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay. Theo ông Tín, đơn vị này đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xem xử lý Con Cưng ở mức độ nào. Hiện 17 cán bộ của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan vẫn đang làm việc tại TP.HCM và sẽ tiếp tục kiểm tra triệt để các cửa hàng của chuỗi Con Cưng.
Trong khi đó, Con Cưng nhiều lần khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi. Chuỗi siêu thị này khẳng định, các sản phẩm được bán trong hệ thống đều là hàng chính hãng, 100% hàng hóa có giấy tờ chứng minh xuất xứ. Những sản phẩm bị khiếu nại của khách hàng hay thu giữ của cơ quan quản lý thị trường là do sai sót từ đơn vị gia công và lý do khách quan như đối tác của Con Cưng đổi tên công ty.
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng chiều 30/7, ông Nguyễn Quốc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng thương hiệu Việt. Do đó, chỉ 30% sản phẩm kinh doanh trong chuỗi 350 siêu thị được gia công tại nước ngoài. Đây là những sản phẩm đòi hỏi chất lượng, trình độ sản xuất mà đối tác trong nước chưa thể đáp ứng.
“Với khoảng 600.000 khách hàng mỗi tháng, doanh thu của Con Cưng tăng trưởng 100% qua từng năm. Công ty cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán nên không có lý do gì để chúng tôi làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho chính mình lẫn người tiêu dùng”, ông Minh khẳng định.
Nghi vấn hệ thống siêu thị Con Cưng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng tại TP.HCM về việc bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011 mua tại chuỗi siêu thị này có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".
Sau đó, chuỗi siêu thị Con Cưng liên tiếp bị phát hiện nhiều sản phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc khi cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh
Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh (tăng 15,3% so với cùng kỳ), cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.
 
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tuy kim ngạch xuất của 2 nhóm hàng chính là công nghiệp chế biến và nông, thủy sản của tháng 7 giảm so với tháng 6 nhưng khi tính chung 7 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi chiếm tới 81,8% tổng kim ngạch XK hàng hóa với các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng... Bù lại kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản lại tăng mạnh (tăng 15,4%).
Về cán cân thương mại trong tháng 7 mặc dù nhập siêu quay trở lại với kim ngạch 300 triệu USD, song tính chung 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn xuất siêu 3,06 tỷ USD góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước. Trong đó, khu vực FDI vẫn xuất siêu và khu vực DN nội địa nhập siêu. Cụ thể, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,1 tỷ USD và nhập siêu của khu vực DN trong nước ước đạt 15,1 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý là các mặt xuất khẩu, khu vực DN 100% vốn trong nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với khối DN FDI. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của khối DN 100% vốn trong nước tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017 đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước cao hơn khối DN FDI.
Liên Bộ "muốn" dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo
Bộ Công An vừa chính thức lên tiếng đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo. Trước đó, các Bộ: Công Thương, Thông tin-Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước…cũng đã có ý kiến nhất trí cho dừng nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị dạng này.
 
Cũng chung băn khoăn với các bộ ngành kể trên, Bộ Công An đề xuất cần nghiên cứu, xác định chính xác cấu thành, chức năng giải mã Bitcoin và các loại máy đào tiền ảo tương tự khác để kịp thời gắn mã HS đối với mặt hàng này.
"Việc gắn mã riêng cho máy đào tiền ảo sẽ đảm bảo chính sách tạm ngừng nhập khẩu áp dụng đúng đối tượng cần quản lý, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khi nhập mặt hàng khác trong nhóm", Bộ Công an nêu.
Việc xem xét tạm dừng nhập khẩu đối với máy đào tiền ảo được căn cứ trên đề nghị của Bộ Tài chính hồi cuối tháng 5 trước hiện tượng biến tướng của loại hình thanh toán này, gây hệ lụy cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành, máy đào tiền ảo không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.
Thế nhưng, thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặc đã được sửa đổi bổ sung.
Vụ lừa 15 nghìn tỷ đồng xảy ra tại TP.HCM cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin.
Đặc biệt, những ngày qua, giới đầu tư tiền ảo thêm một phen rúng động khi người đứng đầu sàn giao dịch Sky Mining - hệ thống đào tiền ảo lớn nhất Việt Nam biến mất mang theo số tiền ước khoảng 800 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này.
Tại buổi họp báo chính phủ chiều 1/8 vấn đề quản lý tiền ảo, tiền điện tử cũng được giới báo chí đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong lúc các bộ ngành vẫn đang bàn giải pháp để kiểm soát đối với máy đào tiền ảo thì hôm nay nhiều nhà đầu tư của Sky Mining tiếp tục gửi đơn tố cáo hành vi ôm tiền bỏ trốn của TGĐ sàn giao dịch này đến cơ quan công an.
Mô hình đa cấp máy đào tiền ảo của Sky Mining là hình thức huy động vốn, thu hút người dân tham gia mua các gói máy đào từ Sky Mining với cam kết chia lợi nhuận lên đến 300%. Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 năm theo như lời của TGĐ Sky Mining, đã có khoảng 3.000 nhà đầu tư tham gia, với 10.000 máy đào, sau 1 tháng lại có thêm cả nghìn máy.