Sự kiện kinh tế tuần: Quốc hội thông qua giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội thông qua chỉ tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6 - 6,8%; Mỗi lít xăng giảm hơn 1.000 đồng; Bộ Công Thương cảnh báo dự án Hoàng Gia huy động vốn kiểu đa cấp... là nội dung chú ý tuần qua.

Quốc hội thông qua chỉ tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6 - 6,8%
Sáng 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh. Quochoi.vn.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với mục tiêu tổng quát cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 của dự thảo Nghị quyết.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6 - 6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.

Về chỉ tiêu CPI, theo nhiều dự báo sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng...

Sau khi nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 447/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,16% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát năm 2019 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết xác định các chỉ tiêu chủ yếu là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019.

Mỗi lít xăng giảm hơn 1.000 đồng
Liên bộ Công Thương - Tài chính tuần qua phát đi thông tin về điều hành giá xăng dầu từ ngày 6/11. Theo đó, liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá xăng dầu. Thời điểm thực hiện từ 15h ngày 6/11.
 

Cụ thể, giá các mặt hàng xăng sinh học E5 giảm 1.082 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 1.138 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 67 đồng/lít. Riêng giá mặt hàng dầu hỏa và madut được giữ nguyên.

Với điều chỉnh trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 19.600 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.065 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.544 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.086 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.694 đồng/kg.

Bên cạnh điều chỉnh giá, các DN sẽ được chi quỹ bình ổn giá với xăng E5RON92 là 700 đồng/lít; dầu hỏa: 91 đồng/lít; dầu mazut: 267 đồng/kg.

Nguyên nhân của đợt giảm giá, theo liên Bộ, do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua giảm. Trước đó tại kỳ điều chỉnh 22/10, giá xăng giảm 144 - 224 đồng mỗi lít tuỳ loại trong khi giá các loại dầu giữ nguyên

Bộ Công Thương cảnh báo dự án Hoàng Gia huy động vốn kiểu đa cấp
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương hiện nay trên phương tiện Internet có đăng tải các nội dung giới thiệu một tổ chức/công ty có tên Dự án Hoàng Gia cung cấp giải pháp hỗ trợ tiêu dùng cho cộng đồng, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đồng thời gia tăng thu nhập với rất nhiều tiện ích.
 

Cụ thể, khởi nghiệp từ tay trắng từ Hoàng Gia; giới thiệu các gói tiêu dùng của Hoàng Gia; tổng quan cách quản trị tài khoản của dự án Hoàng Gia…

Cùng với các thông tin trên, một số trang báo điện tử cũng đã có cảnh báo về hoạt động có dấu hiệu huy động vốn theo phương thức đa cấp biến tướng của Dự án Hoàng Gia (Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dự án Hoàng Gia hoặc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dự án Hoàng Gia).

Theo đó, Dự án Hoàng Gia có dấu hiệu thực hiện huy động vốn theo hình thức đa cấp thông qua cung cấp dịch vụ gọi là “Giải pháp tiêu dùng hoàn vốn” với các gói đầu tư như “Gói gia đình - 84 triệu”, “Gói cá nhân - 48 triệu”, “Gói tiêu dùng Pro - 12 triệu”, “Các Gói tiêu dùng trải nghiệm cùng hoàng gia - với các mệnh giá 1,2 triệu; 3,6 triệu; 6,0 triệu và 8,4 triệu”… việc đăng ký tài khoản gia nhập và quản lý hoạt động đầu tư của các thành viên được thực hiện qua website: duanhoanggia.com.

Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác nhận đến nay chưa có tên đơn vị/tổ chức nào có tên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dự án Hoàng Gia hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Dự án Hoàng Gia được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý cho người dân, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc việc tham gia hoạt động đầu tư, huy động vốn theo hình thức đa cấp trái phép của các công ty này.

Viễn Thông A được Vingroup chính thức xác nhận mua lại
Theo thông tin từ VinGroup, Tập đoàn đã chính thức sở hữu Viễn Thông A khi nắm 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích tại công ty này.
 

Trong khi đó, thông tin từ Viễn Thông A cũng cho biết, từ ngày 14/9 vừa qua, Viễn Thông A đã thay đổi Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật, từ ông Huỳnh Việt Thương sang bà Mai Thu Thủy.

Bà Mai Thu Thủy sinh năm 1975, hiện đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong tập đoàn VinGroup như Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Vincom Mega Mall Royal City, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Thành viên HĐQT CTCP Vincom Retail, Phó TGĐ CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN)…

Bà Thủy từng là cổ đông lớn của Vingroup và là em gái của bà Mai Hương Nội, Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ VinGroup.

CTCP Đầu tư Việt Nam do bà Mai Thu Thủy làm Chủ tịch hiện đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu của VinGroup, tương ứng 33,37% lượng cổ phiếu lưu hành.

Trước đó, tháng 1/2017, lần đầu tiên bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A khẳng định hệ thống này đang tìm kiếm nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh. Ngay sau đó, nhiều thông tin khác nhau cho thấy có các đối tác tiếp xúc với Viễn Thông A để tìm hiểu, trong đó VinPro của Vingroup nổi lên như ứng viên sáng giá.

Việc Vingroup muốn có một chuỗi bán lẻ riêng càng được khẳng định khi mới đây tập đoàn này công bố sẽ ra mắt thương hiệu Vinsmart. Có một chuỗi bán lẻ uy tín sẽ dễ cho Vinsmart đưa sản phẩm đến nhiều người dùng hơn. Và có khi, Vinsmart sẽ không chỉ sản xuất smartphone mà còn làm nhiều sản phẩm công nghệ khác.

Điều này khá phù hợp với định hướng của Vingroup khi mới đây họ thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ.

Mảng bán lẻ di động nói riêng và hàng công nghệ nói chung hiện dẫn đầu bởi Thế Giới Di Động, kế đến là FPT Shop. Trong đó, Thế Giới Di Động từng công bố chiếm 50% thị phần bán lẻ smartphone ở quy mô chuỗi.

Viễn Thông A là nhà bán lẻ hàng công nghệ lâu đời tại TP Hồ Chí Minh, thành lập năm 1997. So với Thế Giới Di Động và FPT Shop, Viễn Thông A có bề dày truyền thống hơn, và là chuỗi hiếm hoi trụ lại kể từ thời kỳ đầu của điện thoại di động tại Việt Nam. Chuỗi này hiện có gần 200 cửa hàng chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và miền Nam.

Khai mạc Tháng Khuyến mại Hà Nội 2018

Với thông điệp mới "Tăng kết nối - kích tiêu dùng" nhằm đẩy mạnh kết nối các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị các lợi ích cho người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, Tháng Khuyến mại Hà Nội tiếp tục được tổ chức năm thứ 10 liên tiếp với chuỗi các sự kiện nổi bật: "Lễ khai mạc Tháng Khuyến mại", "Ngày hội khuyến mại du lịch", "Tuần Vàng kết nối", "Hội chợ Vàng khuyến mại", "Ngày Thứ sáu Vàng - Golden Friday"...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại lễ khai mạc Tháng Khuyến mại Hà Nội 2018.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Tháng Khuyến mại Hà Nội năm nay có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ 10 TP triển khai thực hiện sự kiện Tháng Khuyến mại, đánh dấu sự thành công lớn trong nhịp cầu kết nối giữa DN sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần giúp TP đạt được mục tiêu tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm và đem đến cho người tiêu dùng các trải nghiệm mua sắm bất ngờ, thú vị. Cùng với Tháng Khuyến mại, UBND TP phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội triển khai Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2018 và tổ chức Lễ khai mạc Tháng Khuyến mại kết hợp tôn vinh các DN có sản phẩm được chương trình bình chọn.

Chương trình đã thu hút 197 sản phẩm thuộc 12 ngành hàng của 74 DN tham gia, các sản phẩm đã được 50.618 lượt bình chọn (tăng gấp 9 lần so với năm 2017); được Ban Giám khảo chấm điểm công tâm, khách quan, minh bạch và được Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP thống nhất thông qua. Mục đích của chương trình là lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của các DN Việt Nam để người tiêu dùng bình chọn, tôn vinh sản phẩm của DN; giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm tốt, uy tín, có chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy các DN quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn TP và cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần