Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ trình Bộ Chính trị nghị quyết thu hút FDI

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị nghị quyết thu hút đầu tư nước ngoài; Kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP từ năm 2020; "Loạn" giá vàng ngày Thần tài... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu xuân Kỷ Hợi

Ngày 12/2, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu xuân Kỷ Hợi tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản… tham dự buổi lễ.

Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ trình Bộ Chính trị nghị quyết thu hút FDI - Ảnh 1
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương hoạt động giao dịch 

chứng khoán đầu Xuân 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2018. Theo Thủ tướng, trong năm vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch chỉ tiêu Đảng và nhân dân giao phó. Trong đó, thị trường chứng khoán đã có những phát triển vượt bậc. Huy động vốn của khối DN đạt 8.600 tỷ đồng, đưa Việt Nam trở thành nước huy động vốn từ thị trường chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á. Nguồn vốn từ thị trường đã giúp Chính phủ đã cơ cấu lại thị trường vốn, cân đối nguồn lực tài chính.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số điểm cần cải thiện của thị trường chứng khoán, như: Quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu DN. Tính minh bạch của thị trường cần tiếp tục được củng cố, nhiều DN cổ phần hóa nhưng chậm lên sàn. Số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đa số, dễ tạo “tâm lý đám đông”, sức chống đỡ giữa các biến động lớn của thị trường cũng chưa cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong năm 2019, cần tập trung thực hiện 8 trọng tâm để phát triển thị trường chứng khoán. Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, trọng tâm là luật chứng khoán sửa đổi, đồng bộ với Luật DN và Luật Đầu tư để trình Quốc hội năm 2019. Đồng thời, luật sẽ tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, nâng cao chất lượng thị trường.

Thứ hai, tổ chức thực hiện đề án Phát triển thị trường Chứng khoán Việt Nam, xác định rõ mục tiêu lộ trình tiến hành. Nâng cao khả năng phối hợp thị trường tín dụng và thị trường vốn, phát triển các sản phẩm đa dạng hóa cho nhà đầu tư, tăng độ sâu tài chính của thị trường Trái phiếu Chính phủ.

Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu lại thị trường, các thành viên thị trường, trong đó có việc thành lập sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Thứ tư, Bộ tài chính phối hợp với Chính phủ tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách thúc đẩy cổ phần hóa DN Nhà nước gắn với niêm yết cổ phiếu.

Thứ năm, các Bộ ngành, thành viên thị trường tiếp tục phối hợp hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách, chia sẻ thông tin giám sát và mối liên hệ với các tổ chức quốc tế.

Thứ bảy, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước triển khai xây dựng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu vào ngành tài chính, chứng khoán đồng thời kết hợp nâng cao năng lực nhân sự toàn hệ thống.

Cuối cùng, Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục minh bạch hóa thị trường, tăng mức xử phạt với các hành vi thao túng, báo cáo giao dịch sai lệch, qua đó bảo đảm phát triển thị trường thành kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư và người dân.

Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị nghị quyết thu hút đầu tư nước ngoài
Ngày 14/2, tại hội nghị tham vấn hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Bình Dương, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 30 năm thu hút FDI, qua đó đã thu được nhiều thành tựu, cũng như đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Bình Dương. Ảnh: Báo Đầu tư

Vì vậy, Chính phủ sẽ tổng kết thực tiễn, lắng nghe ý kiến của các địa phương, các DN để tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết tổng kết thực tiễn, định hướng về công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Phó Thủ tướng, tính hết năm 2018, Việt Nam có gần 27.400 dự án FDI đang hoạt động, đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết tới 340 tỷ USD, trong đó đã thực hiện hơn 191 tỷ USD.
Tuy nhiên, quá trình thu hút các dự án FDI cũng bộc lộ nhiều bài toán cần giải quyết: Đó là sự gắn kết giữa DN FDI và DN trong nước, tỉ lệ DN FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao còn thấp…
Đóng góp tại hội nghị, đại diện các địa phương tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ… đã nêu lên nhiều câu chuyện thực tế trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhiều đại biểu nêu kiến nghị cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hạ tầng, qua đó làm yếu tố nền tảng để thu hút đầu tư.
Riêng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… tại Việt Nam cho rằng khi DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì có nhu cầu rất lớn về cung cấp các lĩnh vực phụ trợ, hợp tác đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu DN ở quy mô quốc gia, với các thông tin hữu ích để các DN nước ngoài khi vào đầu tư có thể tham khảo và hợp tác đầu tư; tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước…
Kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP từ năm 2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần qua đã ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế.
Từ năm 2020, kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP. Ảnh minh họa.
Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm đo lường thử nghiệm từ năm nay (2019), và chính thức từ 2020. Hàng năm các số liệu trên sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm theo Luật thống kê.
Cơ quan thống kê sẽ sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp, gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô... để đo lường các hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát.
Ngoài trách nhiệm chính thuộc về Tổng cục Thống kê, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành khác có trách nhiệm xác định phạm vi, quy mô các hoạt động kinh tế chưa quan sát và cập nhật danh mục các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý trực tiếp, gửi Tổng cục Thống kê tổng hợp. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách với các hoạt động triển khai thực hiện đề án này.
Liên quan tới thống kê kinh tế chưa được quan sát vào GDP, tại cuộc gặp Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jonathan Dunn ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF giúp Việt Nam tính toán khu vực kinh tế này "một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực và khoa học".
Ông Jonathan Dunn tin rằng, IMF sẽ giúp Việt Nam đo lường tốt hơn sản lượng quốc gia, bởi ngay cả số liệu thống kê khu vực kinh tế chính thức trong GDP của Việt Nam cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ khi GDP của Việt Nam có các trọng số, quyền số mà 10 năm mới cập nhật một lần, lần gần đây nhất là vào năm 2012. Trong khi đó, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi lớn thời gian qua. Vì vậy, ông tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.
Giá vàng 'nhảy múa' ngày Thần tài
Theo ghi nhận, vào ngày 14/2 - ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết ở mức 36,75 - 37,08 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Như vậy so với chốt phiên chiều qua, giá giảm 50.000 đồng ở chiều bán nhưng đến 150.000 đồng chiều mua vào.
Giá vàng thay đổi chóng mặt ngày Vía Thần Tài. Ảnh minh họa.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ là 36,85 - 37,05 triệu đồng, giảm 150.000 đồng cả chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, cùng là vàng miếng SJC nhưng giá tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cao hơn Công ty SJC 120.000 đồng. Thậm chí, giá tại Tập đoàn DOJI cao hơn Công ty SJC tới gần nửa triệu đồng khi bán ra 37,5 triệu đồng, tăng 150.000 đồng so với hôm qua. Ngược lại, chiều mua vào DOJI giảm 150.000 đồng.
Không chỉ loạn giá bán vàng SJC, nhiều doanh nghiệp đang để chênh lệch chiều mua - bán rất cao. Như tại DOJI chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào lên đến 700.000 đồng, nới rất rộng so với các ngày trước. Còn SJC cũng cao hơn ngày thường nhưng thấp hơn hai doanh nghiệp trên khi để mức chênh 330.000 đồng.
Chênh lệch mua - bán thấp nhất hiện nay là tại Công ty PNJ khi chỉ chênh 200.000 đồng một lượng, bằng với những ngày thường. Đại diện PNJ cho rằng, họ giảm giá vàng trong ngày vía Thần Tài để nhiều khách có thể mua được vàng cầu may.
Trong khi đó, một doanh nghiệp vàng phía Bắc cho rằng, khi nhu cầu của thị trường tăng cao, sức mua lớn, nhà vàng phải nới rộng biên độ mua bán để hạn chế rủi ro.
Xăng giữ nguyên giá sau 3 lần điều chỉnh kể từ đầu năm 2019

Tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 15/2, giá xăng vẫn được giữ nguyên. Đây là lần thứ 3 mức giá không thay đổi sau 5 kỳ giảm liên tiếp.

Ảnh minh họa.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong nửa tháng 2/2019 đều tăng, cụ thể: Giá 61,361 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 1,687 USD/thùng); 63,271 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,816 USD/thùng); 74,552 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 2,184 USD/thùng); 75,438 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,676 USD/thùng); 404,812 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 19,066 USD/tấn).

Mặc dù vậy, để giữ ổn định giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất điều chỉnh mức trích lập và mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước từ 15h ngày 15/2 như sau:

Giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Đồng thời tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5 RON92 là 1.932 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.673 đồng/lít); xăng RON95 là 1.171 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 825 đồng/lít); dầu diesel là 1.354 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.003 đồng/lít); dầu hỏa là 1.078 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 652 đồng/lít); dầu mazut là 1.699 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.196 đồng/kg).

Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường tiếp tục được giữ ổn định. Cụ thể, giá bán lẻ của xăng E5RON92 không cao hơn 16.272 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 17.603 đồng/lít và dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.909 đồng/lít. Với dầu hỏa, giá bán lẻ không cao hơn 14.185 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S giá bán không cao hơn 13.275 đồng/kg.

Đây là lần thứ 3 mức giá được giữ nguyên, sau 5 kỳ giảm liên tiếp. Sau khi tăng lên mức 20.906 đồng/lít vào ngày 6/10/2018, giá xăng E5 RON 92 liên tục giảm đến hết năm 2018 và giữ nguyên trong các kỳ điều hành giá của năm 2019.

Lãi suất tiền gửi tăng mạnh

Để hút dòng tiền nhàn rỗi sau Tết, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất đầu vào, nhất là đối với kỳ hạn tiền gửi dài ngày. Techcombank đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất đầu vào kể từ ngày 11/2/2019. Theo đó, nhà băng này áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,3%, thay vì mức 6% trước đó. Kỳ hạn 7 - 11 tháng áp dụng lãi suất 6 - 6,1%/năm, trong khi biểu lãi suất triển khai trước Tết là 5,8 - 5,9%. Kỳ hạn 12 tháng được Techcombank tăng lên mức 6,6%/năm và 7% nếu có khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, so với mức trước Tết lần lượt là 6,5% và 6,9%/năm.

Lãi suất tiền gửi tăng mạnh sau Tết. Ảnh minh họa.

Không chỉ với kỳ hạn dài, mà lãi suất các kỳ hạn ngắn cũng tăng nhẹ, với mức tăng 0,1 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,8 - 5%/năm, so với mức 4,7 - 4,9%/năm áp dụng trước đó. Với khách hàng ưu tiên, lãi suất trên còn được cộng thêm 0,1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, hiện lãi suất tiền gửi cao nhất vẫn thuộc về các nhà băng quy mô nhỏ và vừa. Chẳng hạn, tại Viet Capital Bank, mức lãi suất cao nhất là 8,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên; kỳ hạn 18 tháng lãi suất huy động là 8,5%/năm. Với các kỳ hạn 7 - 11 tháng, lãi suất là 7,8%/năm. Tại VietA Bank, kỳ hạn 12 - 15 tháng, lãi suất được neo ở mức 8 - 8,1%/năm. Còn tại Nam A Bank, theo chương trình “Cùng Nam A Bank đón Xuân Tài Lộc”, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lên đến 8,3%/năm.

Từ ngày 12/2, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới ở một số chương trình khuyến mãi theo hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài. Cụ thể, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 8,3%/năm. Lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng là 7,65%/năm, kèm ưu đãi, quà tặng…

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, dòng tiền nhàn rỗi thường quay trở lại ngân hàng nhiều hơn sau Tết, nên các ngân hàng tranh thủ tăng lãi suất, triển khai chương trình khuyến mãi để kéo khách. Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vốn ở kỳ hạn dài của các ngân hàng còn nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% kể từ đầu năm 2019.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng. Cuộc đua lãi suất huy động có chiều hướng nóng hơn trong những ngày cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hầu hết ngân hàng thấp hơn so với tốc độ tăng tín dụng, nên nhiều ngân hàng đang tích cực huy động tiền gửi để chuẩn bị nguồn tiền đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Đó cũng là lý do đẩy lãi suất huy động vốn.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 13 - 14%. Mức tăng trưởng này được giới phân tích tài chính nhận định là hợp lý. Theo đó, các nhà băng sẽ không còn động lực để chạy đua huy động vốn cho tăng trưởng tín dụng, thậm chí không ít nhà băng còn phải lo giảm bớt tổng tài sản để đáp ứng chuẩn Basel II, nếu không tăng được vốn. Tất cả những điều đó cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất.