Sự kiện kinh tế tuần: TPP-11 đạt thỏa thuận, đổi tên hiệp định CPTPP

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TPP-11 đạt thỏa thuận, đổi tên hiệp định CPTPP; thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 203 tỷ USD; Jack Ma đến Việt Nam... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

TPP-11 đạt thỏa thuận, đổi tên hiệp định CPTPP
 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông báo các bộ trưởng TPP đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định.

Hiệp định mới sẽ có tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).

"Với tư cách đồng chủ trì, chúng tôi vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi sáng 11/11 ở Đà Nẵng.

Về việc đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Toshimitsu Motegi thông tin, do TPP từ 12 thành viên còn 11 nên phải khác đi. "Chúng tôi thảo luận nhiều cái tên, nội dung không chỉ là thương mại mà còn là đầu tư. Đây là hiệp định toàn diện, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn. Về bản chất CPTPP là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định từng được ký kết".

Để đạt được thỏa thuận này, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP. Theo Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản, việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai. Ngoài ra CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ sau khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, TS Nicolas Chapman - Đại học Quốc tế Nhật Bản nhận định, việc đạt được TPP “phiên bản mới” là bước đột phá đối với các quốc gia thành viên hiệp định nói riêng và cộng đồng ủng hộ tự do hóa thương mại nói chung. Thành tựu này sẽ trở thành cánh tay đắc lực để họ có cơ sở chống lại chủ trương bảo hộ. Có thể nói, đây thành tựu mang tính đột phá trong kỳ APEC năm nay.

Theo TS Nicolas Chapman, Nhật Bản vẫn kỳ vọng Mỹ sẽ quay lại với TPP vào một thời điểm nào đó trong tương lai. TPP-11 hay CPTPP nếu thành công, có thể chứng minh với Mỹ những lợi ích của việc gia nhập hiệp định này cũng như theo đuổi tự do thương mại.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 203 tỷ USD
 

Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance hôm 9/11 đã công bố danh sách 100 quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017. Cụ thể, Việt Nam được hãng định giá này xếp ở vị trí số 45 trong số 100 nền kinh tế tăng 5 bậc so với năm ngoái.

Trị giá thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 203 tỷ USD, tăng 43% so với mức định giá 141 tỷ USD năm 2016. Tăng nhanh cả về thứ hạng lẫn giá trị, Việt Nam lọt danh sách Top 10 quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất.

Tuy nhiên, mức tăng của Việt Nam vẫn kém một số nước như Iceland tăng tới 83%, Tây Ban Nha là 46%… Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu của Việt Nam vẫn "thua" nhiều nước như Singapore (464 tỷ USD), Malaysia (489 tỷ USD), Thái Lan (483 tỷ USD), Philippines (466 tỷ USD), Indonesia (845 tỷ USD).

Mỹ vẫn là thương hiệu quốc gia giá trị nhất nhưng sự tăng trưởng chậm chạp và hình ảnh ngày càng suy yếu do các quyết sách từ chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến ngôi vương bị đe dọa nghiêm trọng.

Ở vị trí thứ 2, giá trị thương hiệu của Trung Quốc đã vượt mức 10.000 tỷ USD. Hiện, các DN nước này đang dẫn đầu bốn lĩnh vực gồm ngân hàng, rượu, bảo hiểm và bất động sản. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đức (4.021 tỷ USD), Nhật Bản (3.439 tỷ USD), Anh (3.129 tỷ USD).

Brand Finance là nhà tư vấn chiến lược và đánh giá hiện có văn phòng ở 20 quốc gia. Hãng này tính toán giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng theo phương pháp giảm thuế. Phương pháp này bao gồm xây dựng chỉ số sức mạnh thương hiệu, dự toán doanh thu có khả năng xảy ra trong tương lai được quy cho một thương hiệu và xem xét mức thuế suất sẽ bị tính cho việc sử dụng thương hiệu đó.
Tỷ phú Jack Ma đến Việt Nam
 

Sáng 6/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc. Với việc Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Alibaba hỗ trợ xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên Alibaba.

Thủ tướng hoan nghênh ông Jack Ma tới dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) và gặp gỡ giới trẻ, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán điện tử với Việt Nam.

Nhắc lại đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp tại Davos - Thụy Sĩ hồi đầu năm nay, ông Jack Ma cho biết rất mong muốn đối thoại với thế hệ trẻ của Việt Nam vào chiều nay. Ông nhận thấy Việt Nam có dân số trẻ, năng động, là động lực quan trọng để phát triển, trong đó có thương mại điện tử.

Tập đoàn Alibaba sang Việt Nam lần này cũng mong muốn tìm hiểu về thương mại điện tử và cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về khoa học công nghệ và thương mại điện tử, đồng thời cho rằng phát triển thương mại điện tử, khoa học công nghệ và internet là động lực quan trọng để tăng cường phát triển kinh tế.

Jack cho biết rất quan tâm đến Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm ngoái, trong đó đặt mục tiêu 30% người dân tham gia giao dịch thương mại điện tử vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam phải tăng gấp đôi hiện nay mới đạt được. Cũng trong chiều 6/11 Jack Ma đã có buổi trò chuyện với hơn 3.000 sinh viên truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người Việt giàu nhất thế giới
 

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 7/11, cổ phiếu VRE của Vincom Retail (công ty vận hành, quản lý và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và TP lớn của cả nước với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2.) được nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng tới 415 triệu cổ phiếu, giá trị gần 17.000 tỷ đồng. Lượng giao dịch khổng lổ tại VRE đã khiến thị trường chứng khoán có kỷ lục mới về giá trị giao dịch, đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi Vincom Retail lên sàn, Forbes đã cập nhật giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo đó, khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã tăng lên tới 3,4 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 665 trên thế giới.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, người hiện đang xếp thứ 739 thế giới với khối tài sản trị giá 3,1 tỷ USD. Xếp ngay sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng là tỷ phú ngành xe tải Lindsay Fox.

Theo thống kê của Forbes, Việt Nam hiện chỉ có 2 tỷ phú USD, là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air. Tài sản của bà Thảo cũng đang tăng mạnh kể từ đầu năm, từ 1,2 tỷ USD đã lên 1,94 tỷ USD, lọt vào top 1.300 người giàu nhất hành tinh.