Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD xuất-nhập khẩu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên Việt Nam "cán" mốc 500 tỷ USD xuất-nhập khẩu; Diêm Thống Nhất dừng sản xuất diêm sau 63 năm; ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,9%... là nội dung chú ý tuần qua.

Lần đầu tiên Việt Nam "cán" mốc 500 tỷ USD xuất-nhập khẩu
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu đạt gần 242 tỷ USD, trong khi nhập khẩu gần 231 tỷ USD, tổng kim ngạch đạt khoảng 472 tỷ USD.
 Ảnh minh họa
Với tiến độ như hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, kết quả đạt được là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin việc cơ quan này sẽ sửa Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu.
Về một số nội dung được dư luận quan tâm như quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết quan điểm Ban soạn thảo là hướng đến việc giữ quỹ bình ổn, điều tiết thị trường trong thời gian tới.
Một vấn đề khá “nóng” thời gian qua cũng được lãnh đạo Vụ thị trường trong nước đề cập đó là nguồn cung thịt lợn khan hiếm.
Theo đó, đối với vấn đề đảm bảo cung cầu thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên 63 tỉnh thành, Bộ Công Thương đã làm việc với các địa phương, các tỉnh biên giới để đưa ra giải pháp, chuẩn bị nguồn cung và đảm bảo cung ứng trong năm 2019.
Dự kiến từ nay đến cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn nên để đảm bảo nguồn cung, mặt hàng thịt heo được đưa vào chương trình bình ổn, cung cầu thị trường.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, trên cơ sở theo dõi tình hình địa phương, phân tích tình hình nhu cầu nội tại, cân đối tham mưu các UBND tỉnh/TP, đảm bảo nguồn cung, kể cả vấn đề nhập khẩu.
Diêm Thống Nhất dừng sản xuất diêm sau 63 năm
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN) tuần qua đã quyết định "khai tử" sản phẩm diêm từ năm 2020. Công ty sẽ dừng toàn bộ hoạt động sản xuất diêm và hủy giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.
 Diêm thống nhất dừng sản xuất sau 63 năm. 
Việc "khai tử" sản phẩm diêm Thống Nhất kết thúc "vòng đời" 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời tại Việt Nam.
Lần đầu sản phẩm diêm Thống Nhất được tung ra thị trường từ năm 1956 do Nhà máy Diêm Thống - một trong những nhà máy sản xuất đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc. Đến năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất với quy mô hơn 500 lao động.
Là một trong số ít thương hiệu vang bóng một thời còn sản xuất kinh doanh và chưa năm nào phải báo lỗ, nhưng hoạt động chung của Diêm Thống Nhất gặp rất nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm tạo lửa khác từ Trung Quốc.
Trung bình mỗi năm, doanh thu của công ty này ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng, với số lãi sau thuế mang về trên dưới 2 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty từng thừa nhận, so với sản lượng tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm/năm cách đây 10 năm, sản lượng diêm hiện nay đã giảm xấp xỉ 50% xuống còn khoảng 100 triệu bao/năm. Đà sụt giảm này được dự báo sẽ tiếp tục khi các sản phẩm tạo lửa trên thị trường ngày càng đa dạng, số lượng người dân chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện cũng tăng nhanh.
Nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất các sản phẩm của công ty chủ yếu là gỗ. Nguyên liệu này chiếm gần 50% đối với diêm, trong khi các hóa chất, phụ liệu khác chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Những biến động về giá cả nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty này.
Từ năm 2014, bật lửa Thống Nhất đã đạt số lượng tiêu thụ 1,65 triệu chiếc. Liên tục 2 năm 2015 và 2016 doanh số tăng lần lượt 5,2 triệu chiếc và 8,5 triệu chiếc.
ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,9%
Trong một ấn bản bổ sung của báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2019 vừa được công bố, ADB nhận định nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sụt giảm, đầu tư suy yếu. Tổ chức này hạ mức tăng trưởng với Singapore và Thái Lan.
 Ảnh minh họa
Ngược lại với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, ADB tăng dự báo GDP Việt Nam lên mức 6,9% so với 6,8% đưa ra hồi tháng 9. Đồng thời, mức dự báo GDP năm 2020 cũng tăng lên 6,8%, so với mức 6,7% đưa ra trước đây.
Theo ADB, GDP trong ba quý đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Cùng đó, tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, quý IV và sang năm sau nhiều khả năng tiếp tục được duy trì", ADB nhận định.
Dự báo của ADB cao hơn so với Ngân hàng Thế giới (WB). Hồi tháng 7, báo cáo Điểm lại của WB cho rằng GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,6% năm nay và 6,5% năm sau. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, Chính phủ cho biết "nhiều khả năng GDP Việt Nam đạt trên 6,8%", trong khi mục tiêu đưa ra là 6,6-6,8%.
Bản báo cáo của ADB cũng đưa ra kỳ vọng GDP khu vực châu Á sẽ tăng 5,2% năm 2019 và 2020, giảm lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo hồi tháng 9.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định, căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện là nguy cơ lớn nhất với triển vọng kinh tế trong dài hạn. "Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể", ông Sawada đánh giá.
ADB dự báo lạm phát châu Á ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.

Ông Phạm Nhật Vượng rời top 200 người giàu nhất hành tinh

Theo thống kê cập nhật của Forbes đến ngày 10/12, giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại là 7,6 tỷ USD.

 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Thứ hạng của ông Vượng trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes là 231, xếp ngay trên một số thành viên của gia tộc người Mỹ sở hữu hãng bánh kẹo Mars.

Trước đó, đầu tháng 8, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đứng thứ 195 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes với khối tài sản 8,25 tỷ USD. So với thời điểm đó, giá cổ phiếu Vingroup hiện tại giảm 7%.

So với thời điểm Vingroup công bố thương vụ chuyển giao VinCommerce và VinEco về cho Masan cách nay hơn 1 tuần khối tài sản của ông Vượng sụt giảm 100 triệu USD.

Khác với Forbes, một bảng xếp hạng tỷ phú uy tín khác của thế giới do Bloomberg thực hiện đánh giá khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại lên tới 9,1 tỷ USD, xếp thứ 174 trên thế giới.

Ngoài số cổ phần tại Vingroup do ông Vượng sở hữu trực tiếp và thông qua pháp nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam, nơi vị tỷ phú nắm phần lớn cổ phần, Bloomberg còn gộp giá trị cổ phần đứng tên bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, vào khối tài sản của chủ tịch Vingroup.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, giá trị tài sản của ông Vượng bị sụt giảm là do Vingroup mới bán VinMart cho Masan, điều này khiến giá trị tài sản tính theo cổ phần cũng giảm theo. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào ngành xe hơi công nghệ cũng làm giá trị tài sản của tỷ phú Vượng giảm mạnh.

Ông Nguyễn Đăng Quang rời danh sách tỷ phú
Thông tin cập nhập ngày 11/12 của Forbes cho biết, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, không còn là tỷ phú khi tổng tài sản ghi nhận chỉ còn 980,8 triệu USD. Số liệu này được cập nhật trực tiếp dựa trên sự thay đổi của giá cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán, chiếm phần lớn tài sản của ông Quang.
 Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
So với lần đầu được công nhận tỷ phú vào đầu tháng 3/2019, tài sản hiện nay của ông Quang đã giảm hơn 25%. Nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích đánh giá là đà lao dốc của cổ phiếu MSN gần đây. Đến cuối phiên giao dịch ngày 11/12, thị giá cổ phiếu MSN giữ ở mức 55.700 đồng, mất hơn 26% giá trị so với cách đây một tháng.
Đà giảm của cổ phiếu MSN tăng tốc sau khi Masan thông báo vụ sáp nhập giữa Masan Consumer và Vincommerce của Vingroup. Xét về dài hạn, việc này sẽ hỗ trợ cho hệ sinh thái hàng tiêu dùng - bán lẻ của Masan và được nhận định là một mảnh ghép quan trọng cho tham vọng của tập đoàn.
Tuy nhiên, áp lực trong ngắn hạn cũng không nhỏ, đặc biệt là vấn đề tài chính. Giới đầu tư tỏ ra thận trọng với cổ phiếu Masan khi xem xét vấn đề lợi nhuận. Mảng bán lẻ của Vingroup đã lỗ hơn 5.100 tỷ đồng trong năm gần nhất, trong khi lợi nhuận hợp nhất của Masan năm 2018 chỉ hơn 6.200 tỷ đồng.
Ông Quang được Forbes công nhận là tỷ phú trong danh sách công bố đầu năm 2019, với tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Masan và đồng thời là Phó Chủ tịch của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank).