Sự kiện tuần: Việt Nam có nhiều lợi thế để bắt kịp nền kinh tế số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số; Gần 900 triệu USD đổ vào các startup Việt trong năm 2018; Hà Nội công khai 96 đơn vị nợ hơn 244 tỷ đồng tiền thuế, phí... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019

Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019, chiều 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo Thủ tướng, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách, mô hình phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Đây là nguyên tắc của sự phát triển.

Theo Thủ tướng, thành tựu kinh tế năm 2017 đạt 6,81% - vượt chỉ tiêu Quốc hội giao và năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm gần đây đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thủ tướng nói: "Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động, hệ số ICOR giảm dần và đặc biệt tăng trưởng kinh tế đi đôi với ổn định vĩ mô, lạm phát dưới 4%...

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Dù tăng trưởng thương mại toàn cầu có phần chậm lại do các căng thẳng thương mại và cạnh tranh địa chính trị thế giới tác động, song thương mại đa quốc gia vẫn là động lực của kinh tế Việt Nam.

"Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định. Dù kinh tế khu vực và thế giới có tiềm ẩn bất ổn song Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng dẫn chứng: "Việt Nam có hơn 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G, 4G, 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh và 68% người dân đang xem video, nghe nhạc mỗi ngày". Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng nêu rõ hạn chế, tồn tại của nền kinh tế Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định với các chuyên gia trong và ngoài nước, trong năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa.

Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…

Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, Thủ tướng cho biết trong năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào ba khía cạnh. Đó là: Cải cách và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây; những khía cạnh quản trị của Chính phủ và Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho phát triển.

Không để “sốt” hàng, “sốt” giá dịp Tết

Chiều 17/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Sự kiện tuần: Việt Nam có nhiều lợi thế để bắt kịp nền kinh tế số - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Các thành viên Ban Chỉ đạo năm 2018 đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,54%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra là khoảng 4% và là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 4%, góp phần quan trọng vào thành công chung của kinh tế, xã hội, củng cố nền tảng vĩ mô, tạo niềm tin với người dân và doanh nghiệp vào công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành.

Về công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ngành công thương đã tổ chức sản xuất, phân phối hàng hoá tới các vùng sâu, vùng xa, các đô thị lớn tập trung nhiều công nhân, bảo đảm không để “sốt” hàng, “sốt” giá.

Tại cuộc họp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng Nhà nước cũng trình bày các kịch bản điều hành giá trong năm 2019 để Ban Chỉ đạo thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng tình với nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các kịch bản điều hành giá trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 là kiểm soát chỉ số này dưới 4%.

“Đây là kịch bản đã được tính toán trên cơ sở điều chỉnh giá cả các mặt hàng xăng dầu, thịt heo, tiếp tục đưa kết cấu lương, một phần chi phí quản lý vào dịch vụ y tế, giá điện. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản là khoảng 1,6-1,8%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê bổ sung, điều chỉnh các kịch bản quản lý giá cả theo mục tiêu trên.

Đối với điều hành giá cả một số mặt hàng cụ thể, như việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ với điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng, thời điểm phù hợp.

Việc điều chỉnh giá điện vừa thu hút được các nhà đầu tư năng lượng và tiết giảm chi phí cho sản xuất, tiêu dùng. Ngành điện tăng cường cơ cấu lại sản xuất, lao động, tăng cường công nghệ để tiếp tục cắt giảm các chi phí sản xuất điện.

Năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá BOT sẽ cơ bản ổn định sau khi các trạm BOT thực hiện quyết toán, điều chỉnh giảm giá trong năm 2018. Hết năm 2019, Bộ GTVT sẽ phải hoàn thành thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc để nâng cao tính minh bạch trong thu, sử dụng khoản phí này.

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương xây dựng kịch bản điều hành cả năm trên cơ sở bám sát giá xăng dầu thế giới, có phương án sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, có chính sách khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Bộ Y tế bám sát việc thực hiện kết cấu chi phí tiền lương, chi phí quản lý vào dịch vụ khám chữa bệnh, cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế, kể cả vấn đề đàm phán giá để quyết tâm kéo giảm tiếp giá thuốc trên tinh thần cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh với giá cả hợp lý.

Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên CPTPP

Kể từ ngày 14/1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tác động của CPTPP tới nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam.
Sự kiện tuần: Việt Nam có nhiều lợi thế để bắt kịp nền kinh tế số - Ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khắc phục tình trạng kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 sáng 16/1, Bộ KH&ĐT xác định nhiệm vụ sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng triển khai các chính sách gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Sự kiện tuần: Việt Nam có nhiều lợi thế để bắt kịp nền kinh tế số - Ảnh 4
Quang cảnh hội nghị.

Theo Bộ trưởng, nhìn lại năm 2018, việc đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã cho thấy nền kinh tế đã có bước phát triển rất tích cực, từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới.

“Việc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, một điều đặc biệt nữa của năm 2018 là kết quả đạt được không chỉ toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà còn toàn diện ở tất cả các địa phương. Cụ thể, các tỉnh, TP trong cả nước đều nỗ lực thi đua đạt nhiều thành tích nổi bật, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đều tăng mạnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mức kỷ lục, nhiều địa phương đã hoàn thành trước một năm mục tiêu của Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, TP.

“Thành tựu là chung của cả nước, mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều có sự đóng góp tích cực vào kết quả chung, trong đó ngành và cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những đóng góp quan trọng, tiếp tục khẳng định quyết tâm cải cách, đổi mới, vai trò nhạc trưởng trong công tác phối hợp, tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Năm 2019, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại và tác động của căng thẳng thương mại là hiện hữu, xu hướng bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro.

Trong khi đó, ở trong nước, những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tuy bước đầu được giải quyết nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh đã có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…

Các nhiệm vụ cụ thể đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới, đó là phải làm sao gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược...

Bên cạnh đó, nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một nhiệm vụ khác là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.

“Phải cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Gần 900 triệu USD đổ vào các startup Việt trong năm 2018
Topica Founder Institute (TFI) đã công bố 'Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018'. Cụ thể, 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 889 triệu USD đã diễn ra trong năm qua. Riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, như Yeah1 (100 triệu USD), Sendo (51 triệu USD), Topica (50 triệu USD) cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác đều có giá trị trên 30 triệu USD mỗi thương vụ.

Như vậy, lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong năm qua. Theo báo cáo của TFI năm 2017, Việt Nam cũng tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào startup nhưng tổng số vốn chỉ hơn 291 triệu USD. "Năm 2018 là một năm rất thành công của các startup Việt Nam", ông Mai Duy Quang - Giám đốc Topica Founder Institute nhận xét.

Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Fintech, E-commerce, TravelTech, Logistics và Edtech. Trong đó, Fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD.

E-commerce (Thương mại điện tử) đứng vị trí thứ hai khi chỉ có 5 thương vụ diễn ra, so với 21 thương vụ vào năm 2017. Tổng giá trị đầu tư năm qua lĩnh vực này là 104 triệu USD. TravelTech (Khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ) gây bất ngờ khi vươn lên hạng ba với 8 thương vụ tổng giá trị 64 triệu USD của Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure và vài thương vụ không tiết lộ khác. Trong khi đó, lĩnh vực logistics và Edtech (Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ) thu hút 3-4 thương vụ, giá trị hơn 50 triệu USD.

Bước sang năm 2019, dòng vốn đầu tư vào startup tiếp tục có triển vọng. Gần đây nhất, Topica Founder Institute và Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư. Cụ thể, lần đầu tiên tại Đông Nam Á, tất cả startup tốt nghiệp TFI nhận sẽ đầu tư 50.000 USD, với quỹ tối thiểu 500.000 USD mỗi khóa từ Insignia Ventures Partners.

Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, một Quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cam kết đầu tư một nguồn vốn cố định hàng năm cho các dự án startup mà không cần xem xét hay đánh giá khả năng thành công của dự án. Startup chỉ cần đạt điều kiện duy nhất là tốt nghiệp chương trình huấn luyện khởi nghiệp TFI.

"Việt Nam là một thị trường startup sôi động và đầy tiềm năng, nếu được đầu tư phù hợp, startup Việt có thể tạo nên sự đột phá và thành công. Insignia Ventures Partners rất quan tâm và luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển này", ông Yinglan Tan - Nhà sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners nói.

Hà Nội công khai 96 đơn vị nợ hơn 244 tỷ đồng tiền thuế, phí
Cục Thuế TP Hà Nội đã công khai đợt tháng 1/2019 danh sách 96 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ 244 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số danh sách được công khai thì chỉ 8 DN đã có số nợ tiền thuê đất lên tới gần 210 tỷ đồng.
Hà Nội công khai danh sách 96 đơn vị nợ tiền thuế, phí. Ảnh minh  họa.

Cụ thể, số nợ tiền thuê đất trên được tính đến thời điểm ngày 30/11/2018 và gồm Công ty Cổ phần Viptour-Togi nợ 157,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến nợ 34,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu và Chế biến lương thực Việt Tiến nợ 10,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 842 nợ gần 2,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xâu dựng Công trình và Đầu tư 120 nợ 1,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đường Bộ 230 nợ 1,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Song Ngân nợ 0,5 tỷ đồng.

Còn tại danh sách 88 doanh nghiệp nợ thuế, phí đăng công khai lần 1, đứng đầu với số nợ 5 tỷ đồng là Công ty TNHH MTV Xây lắp Sông Đà 207. Xếp ở các vị trí tiếp theo gồm Công ty Cổ phần CNC Capital Việt Nam nợ 3,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bym Group nợ 3,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Mai Linh Thủ Đô nợ 2 tỷ đồng...

Trong năm 2018, Cục thuế TP Hà Nội đã thực hiện công khai thông tin 1.864 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 6.599 tỷ đồng. Kết quả sau công khai đã có 846 DN và dự án nộp 847,4 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Với nỗ lực trên, trong năm 2018, công tác quản lý nợ thuế tiếp tục là điểm sáng, nổi bật trong hoạt động của Cục Thuế với những kết quả đạt được hết sức tích cực, tổng số nợ trên dưới 90 ngày đến thời điểm 31/12/2018 ước tính giảm khoảng 15,8% so với thời điểm 31/12/2017.

Sang năm 2019, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Bộ Công Thương cảnh báo kinh doanh thực phẩm chức năng biến tướng thành bán hàng đa cấp
Ngày 16/1, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế trong việc quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phân phối thực phẩm chức năng theo phương thức kinh doanh đa cấp.
Kinh doanh thực phẩm chức năng biến tướng thành bán hàng đa cấp

Lý do là trong thời gian vừa qua, tình trạng các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng tiến hành nhiều hoạt động quảng cáo, tuyên truyền quá mức về chức năng, công dụng của các loại thực phẩm chức năng, mập mờ coi thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh, gây nhiều ngộ nhận lẫn thiệt hại về sức khỏe, vật chất cho người tiêu dùng.

Do vậy, liên bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp tổ chức các đoàn thanh - kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có bán các loại thực phẩm chức năng.

Từ đó, sẽ kiểm soát và giám sát chặt chẽ các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giá xăng được giữ nguyên sau 5 kỳ giảm liên tiếp

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h chiều 16/1. Theo đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giá các mặt hàng xăng dầu được giữ ổn định so với kỳ điều hành trước.

 

Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92 không cao hơn 16.272 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 17.603 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 14.909 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 14.185 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 13.275 đồng/kg.

Mức giá này được đưa ra sau khi điều chỉnh mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn với xăng E5RON92 0 đồng/lít. Đồng thời, giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng RON95 xuống 300 đồng/lít; dầu diesel xuống 300 đồng/lít; dầu hỏa xuống 300 đồng/lít; dầu mazut xuống còn 300 đồng/kg.

Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 tăng từ mức 550 đồng/lít lên 1.462 đồng/lít; xăng RON95 lên 645 đồng/lít; dầu diesel lên 430 đồng/lít; dầu hỏa lên 295 đồng/lít; Ddầu mazut lên 583 đồng/kg.

Như vậy, sau 5 kỳ giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu có phiên giữ nguyên giá đầu tiên trong năm 2019.

Ở kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm mới 2019 mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 515 đồng xuống còn 16.272 đồng/lít, xăng RON 95 là 538 đồng xuống còn 17.603 đồng/lít. Trong khi, đó các mặt hàng dầu giảm sâu hơn ở mức trên dưới 1.000 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Đồng thời, ở kỳ điều chỉnh này cơ quan điều hành cũng quyết định giảm xả quỹ bình ổn với xăng RON95 về còn 500 đồng/lít, dầu diesel là 800 đồng/lít, dầu hoả 700 đồng/lít và madut 500 đồng/kg.