Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam sẽ thu hút FDI chọn lọc hơn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam sẽ thu hút FDI chọn lọc hơn; Nhà đầu tư nước ngoài rót gần 32.000 tỷ vào chứng khoán Việt; World Bank dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8%... là nội dung chú ý tuần qua.

FDI là chủ trương đúng đắn của đất nước
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam ngày 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 30 năm, doanh nghiệp FDI là một bộ phận không thể thiếu của kinh tế Việt Nam. Việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài song hành cùng công cuộc Đổi mới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao tầm vóc, vị thế của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các doanh nghiệp FDI mang vốn, công nghệ vào Việt Nam, đồng thời đặt câu hỏi liệu Việt Nam có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực. Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp tổng thể, quyết tâm cao trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ quan điểm thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới: Việt Nam thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội.
Hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. "Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý: Việt Nam tôn trọng nhà đầu tư cùng lợi ích, quyền lợi chính đáng của họ tại Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh.
Việt Nam khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển lao động, đầu tư mang tính chất bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, thu hút các dự án công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng công nghệ ở mức trung bình, hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực và trên thế giới. Khu vực FDI không có nhiều công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ đầu tư cho phát triển còn thấp.

Việc liên kết khu vực FDI và trong nước, việc chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng, chủ yếu ở mức gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Nhiều dự án FDI tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho người lao động, trình độ quản lý còn yếu kém.
Thủ tướng cũng cho rằng quản lý Nhà nước về FDI còn thiếu chặt chẽ, thiếu tư duy quản lý để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư công nghệ cao, thiếu sự nhất quán ở các cấp, các địa phương.
Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam yêu cầu giữ vững môi trường chính trị, nền tảng tinh kết vĩ mô, sự ổn định an ninh, quốc phòng, đối ngoại, thúc đẩy mạnh mẽ hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào sự phát triển.
"Cảm ơn các nhà đầu tư tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam, cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Sự thành công của các bạn là niềm tự hào của chúng tôi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Nhà đầu tư nước ngoài rót gần 32.000 tỷ đồng vào chứng khoán Việt
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 3,3% chốt ở mức 1.117 điểm (30/9) so với đầu năm 2017 trong khi HNX giảm 0,5% về mức 115,5 điểm. Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt vẫn vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
 
Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 343 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 31.700 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Cổ phiếu hút khối ngoại nhất đó là VHM của Công ty cổ phần Vinhomes. Ngày 17/5, VHM chính thức lên sàn với giá tham chiếu chỉ 92.100 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên giao dịch thứ hai của mình, VHM đã phá mọi kỷ lục khi thanh khoản lên tới 268 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 1,35 tỷ USD. Trong đó riêng khối ngoại mua vào 249 triệu cổ phần, tương ứng hơn 28.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu VRE cũng giao dịch sôi động khi khối ngoại mua ròng mạnh gần 3.900 tỷ đồng. Ngoài ra các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh là HDB, YEG,…
Các công ty con được mua ròng mạnh nhưng công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup (VIC) lại bị khối ngoại xả mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại bán VIC với giá trị đạt 7.600 tỷ đồng. Trước đó, VIC cũng bị bán mạnh trong năm 2017.
Mua ròng mạnh trên HOSE song nhà đầu tư nước ngoài lại ở vị thế bán ròng trên HNX. Trong 9 tháng, khối ngoại đã bán ròng 42 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 800 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HNX là SHB với giá trị 373 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu PVS, VCG, VPI cũng được mua ròng khá lớn. Cổ phiếu VGC bị bán ròng nhất trên HNX với giá trị 247 tỷ đồng...
Sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 1.684 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 26,7 triệu cổ phiếu.
Tổng cộng, trong 9 tháng 2018, khối ngoại mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217.600 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186.700 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng rất mạnh ở sàn HOSE.
Mới đây, một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu, FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường Cận biên thành thị trường mới nổi hạng 2.
FTSE Russell cho biết có ba thị trường mới được nhà cung cấp chỉ số này đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, bao gồm Argentina, Tanzania và Việt nam.
FTSE Russell được sử dụng chuẩn cho các loại tài sản tại hơn 80 quốc gia và 98% thị trường có thể đầu tư toàn cầu. Tính đến 31/12/2017 có 1.700 tỷ USD tài sản quản lý theo tiêu chuẩn bộ chỉ số FTSE toàn cầu, trong đó có 1.400 tỷ USD tài sản đầu tư theo chỉ số này.
Về việc thu hút vốn khi được nâng hạng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định khi Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD.
Theo giả định này thì khi Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETFs sẽ mua vào 677 triệu USD. Điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng.
Không cấp thêm vốn nhà nước cho 12 dự án thua lỗ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ sáu Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
 
Thông báo kết luận nêu rõ, sau gần 2 năm thực hiện chủ trương xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Không cấp thêm vốn Nhà nước cho các dự án, doanh nghiệp; đảm bảo lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính ở các dự án, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra; tái cơ cấu tài chính, thu xếp, huy động vốn sản xuất kinh doanh ở một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, khó khăn… cần được các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề ra giải pháp, lộ trình xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của các dự án, báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 12/2018.
Cùng với đó là rà soát, xử lý theo thẩm quyền vấn đề giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản của một số dự án, doanh nghiệp; xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Đồng thời xem xét, xử lý thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với thạch cao nhân tạo… và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro. Điều chỉnh lại cơ chế vay, trả nợ cho phù hợp để hỗ trợ dự án, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo đánh giá các tác động của thị trường đến các sản phẩm hàng hóa của các dự án, doanh nghiệp trên và có giải pháp xử lý kịp thời theo chức năng, thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đề xuất tiêu chí, quy trình, thủ tục xem xét việc đưa ra khỏi Danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đối với dự án, doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.
World Bank dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8%
Theo ấn bản tháng 10/2018 của Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Dương được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố mới đây, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 so với con số 6,5% được tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
 
Trong hai năm tới, World Bank (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại với tốc độ lần lượt là 6,6% và 6,5% do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chậm lại theo chu kỳ.
Tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt ở nhiều ngành. Đứng đầu là ngành chế biến với tăng trưởng vững chắc 13% nhờ sức cầu mạnh bên ngoài. Sản lượng ngành nông nghiệp cũng vươn lên đạt mức tăng trưởng 3,9% chủ yếu do kết quả tốt ở lĩnh vực thủy sản định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 6,9% nhờ lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng mạnh trên cơ sở tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ và ngành dịch vụ du lịch đạt kỷ lục.
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải, và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng bình quân 3.5%/năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% cho năm nay của Chính phủ), trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong 7 tháng đầu năm 2018. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.
Các chính sách kinh tế của Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo định hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, nền kinh tế năng động của Việt Nam tiếp tục tạo thêm thành quả về phúc lợi chung và giảm nghèo.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng việc làm hưởng lương kết hợp với tăng lương thực tế được cho là động lực giảm nghèo, đóng góp đến một nửa kết quả giảm nghèo kể từ năm 2014. Các bằng chứng cho thấy những cải thiện về tạo việc làm và tăng thu nhập tiếp tục diễn ra.
Trên 900.000 việc làm hưởng lương được tạo ra trong năm 2017, còn mức lương thực tế tăng 4,3% do nhu cầu lao động vẫn đang phát sinh mạnh ở các ngành chế tạo, chế biến, xây dựng và dịch vụ. Trên cơ sở đó, tỷ lệ nghèo được dự báo tiếp tục giảm mạnh.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 16% từ tháng 1 đến tháng 7/2018. Đồng thời, tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu chững lại còn 11.1% dẫn đến thặng dư cán cân thương mại và tài khoản vãng lai. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục - ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6/2018.
Trong điều kiện áp lực lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao, khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2017 do nhu cầu gia tăng về vốn cho các hoạt động kinh tế và tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cao có thể dẫn đến những bất cân đối về phân bổ tín dụng và đầu tư rủi ro dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản.
Quá trình tái cơ cấu ngân sách vẫn được tiến hành nhưng chất lượng và tính bền vững vẫn cần được cải thiện. Sau khi nợ công được ổn định vào năm 2017, ưu tiên vẫn là duy trì kỷ cương ngân sách. Điều chỉnh về chi ngân sách dẫn đến tổng bội chi ngân sách giảm còn khoảng 4.6% GDP năm 2017. Kết quả đó kết hợp với giảm bảo lãnh chính phủ và thu về cổ phần hóa ở mức cao dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn khoảng 58.9% trong năm 2017 so với 60% theo cách tính trong GFS của IMF.