Việt Nam thuộc top nhận kiều hối lớn nhất thế giới
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2017 đã có 266 triệu lao động nước ngoài đã gửi về các nước đang phát triển số tiền kỷ lục 466 tỷ USD, sau hai năm liên tiếp đi xuống. Còn lượng kiều hối toàn cầu, tính cả các nước thu nhập cao, là 613 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016. Năm nay, con số này được dự báo lên 485 tỷ USD. Các nước nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái là Ấn Độ (69 tỷ USD), Trung Quốc (64 tỷ USD) và Philippines (31 tỷ USD). Việt Nam đứng chốt top 10, với 13,8 tỷ USD.
Lao động tại Mỹ và Saudi Arabia đóng góp lượng kiều hối lớn nhất, với lần lượt 67 tỷ USD và 38 tỷ USD. Tính riêng tại Mỹ - nước dẫn đầu về kiều hối suốt 35 năm qua, lao động tại đây gửi tiền nhiều nhất về Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.
WB cho biết các rào cản lớn với chi phí chuyển tiền về hiện tại là các ngân hàng ngại hoạt động rủi ro, mối quan hệ độc quyền giữa các công ty chuyển tiền và hệ thống bưu điện của các quốc gia. Việc này đang kìm hãm sự áp dụng công nghệ mới để tăng hiệu suất, như: Internet, smartphone, tiền kỹ thuật số và công nghệ khối chuỗi.
Dù kiều hối đang tăng, các quốc gia, tổ chức vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề chi phí chuyển tiền cao, để các gia đình nhận được nhiều hơn. Ưu tiên hiện tại là loại bỏ các hợp đồng độc quyền để cải thiện sự cạnh tranh trên thị trường.
Thủ tướng khích lệ sinh viên Việt Nam ở Singapore khởi nghiệp
Phát biểu tại giảng đường Đại học Quản lý Singapore (SMU), một trong những đại học công hàng đầu Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng, “trong một ngày không xa, rất nhiều gương mặt trẻ ngồi kia sẽ là chủ tịch, tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp Việt Nam tầm cỡ khu vực, quốc tế, kể cả ở Singapore”.
Chuyến thăm Đại học SMU diễn ra chiều 27/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bày tỏ vui mừng thăm SMU, gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu của Singapore và gặp sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, Thủ tướng cho biết, ông rất rất ấn tượng khi thăm Vườn ươm khởi nghiệp của SMU - một trong những cơ sở hàng đầu về hỗ trợ khởi nghiệp tại Singapore, nơi đã ươm mầm cho hơn 170 doanh nghiệp trưởng thành, trở thành những doanh nghiệp mạnh, có danh tiếng tại Singapore và khu vực. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để ươm mầm lên những doanh nghiệp thành công, Singapore là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này và Việt Nam cũng là quốc gia đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.
Cho biết có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần gần 60 tỷ USD trong năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh việc chú trọng đến doanh nghiệp hình thành và phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị trường SMU thiết lập chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam tham gia thực tập tại các nhóm khởi nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Singapore và ngược lại. Xây dựng chương trình để cán bộ quản lý của các vườn ươm tại đại học Việt Nam có thể được tập huấn, nâng cao năng lực, thực hành tại vườn ươm thuộc SMU. Tổ chức các sự kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn sản phẩm, dịch vụ giữa các nhóm khởi nghiệp từ các trường đại học Việt Nam và SMU.
"Tôi đã hỏi một số ý tưởng khởi nghiệp của các bạn ở đây, thực sự là phong phú và hấp dẫn. Như tôi nói với ngài Hiệu trưởng rằng Đại học Quản lý Singapore không chỉ là đào tạo giải quyết việc làm mà là trường đào tạo khởi nghiệp để giải quyết nhiều việc làm. Nhiều hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam có mặt hôm nay cũng nên học tập mô hình này", Thủ tướng chia sẻ và cho biết, các cơ quan của Việt Nam sẵn sàng mời các nhóm khởi nghiệp tại Đại học Quản lý Singapore quan tâm tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, TECHFEST 2018.
Thủ tướng mong muốn, gần 100 sinh viên Việt Nam ưu tú đang theo học ở trường SMU, một trong những đại học công hàng đầu Singapore, trong quá trình học tập, rèn luyện, sẽ tiếp thu được kỹ năng quản lý tiên tiến nhất, được làm quen và phát triển khả năng trong môi trường sáng tạo nhất. "Các em chính là nguồn nhân lực quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của cả Việt Nam và Singapore sau này".
Ông Trương Gia Bình ứng cử vào Hội đồng quản trị Vietcombank
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018 tại Hà Nội. HĐQT Vietcombank trình ĐHCĐ thông qua số thành viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
Trong danh sách các ứng viên, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty FPT xuất hiện ở chức danh dự kiến bầu là thành viên độc lập.
Danh sách ứng cử viên để bầu vào chức danh thành viên HĐQT gồm có 8 người, trong đó có 6 thành viên cũ hiện nằm trong HĐQT Vietcombank là ông Nghiêm Xuân Thành, ông Phạm Quang Dũng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hảo, ông Phạm Anh Tuấn và ông Eiji Sasaki.
Có thêm 2 thành viên mới là ông Hồng Quang và ông Trương Gia Bình. Ông Hồng Quang hiện là Trưởng ban tổ chức cán bộ Vietcombank, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam.
Còn ông Trương Gia Bình là Chủ tịch HĐQT FPT, Chủ tịch Câu lạc bộ DN nông nghiệp công nghệ cao, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng nằm trong danh sách dự kiến bầu vào HĐQT Vietcombank.
Năm 2017, Vietcombank là một trong ít ngân hàng có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thu từ phí dịch vụ) cao - chiếm 25,6%. Gần đây, ngân hàng có thị phần thẻ lớn nhất nhì hệ thống cũng vừa điều chỉnh một loạt phí dịch vụ. Mục tiêu tới năm 2020, Vietcombank sẽ tăng tỷ trọng thu từ phí dịch vụ lên 30%.
Năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017; đây cũng là mức lợi nhuận kế hoạch cao nhất của các ngân hàng trong năm nay. Dự kiến, tổng tài sản đến cuối năm tăng 14% so với đầu năm, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng đều đạt 15%. Đồng thời, mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Quyền điều hành Sabeco về tay ông chủ ngoại
Sáng 23/4, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2018. Trong đại hội, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Sabeco đối với ông Võ Thanh Hà. Ba ứng viên mới ứng cử vào HĐQT đều là người nước ngoài gồm ông: Koh Poh Tiong (SN 1946, quốc tịch Singapore), giám đốc Fraser and Neave, Limited kiêm Chủ tịch ThaiBev. Ông Tan Tiang Hing, Malcolm (SN 1964, quốc tịch Malaysia), Tổng giám đốc điều hành DXCEL International. Cuối cùng là ông Sunyaluck Chaikajornawat (SN 1977, quốc tịch Thái Lan), làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan).
Các ứng viên mới ứng cử vào HĐQT được cổ đông tán thành với tỉ lệ cao. Cụ thể, ông Koh Poh Tiong với gần 95% cổ đông tán thành, ông Tan Tiang Hing với 94,52% tán thành và ông Sunyaluck Chaiajornwat với hơn 84% cổ đông tán thành.
Tại đại hội, ông Koh Poh Tiong cho biết, Sabeco là niềm tự hào của người Việt Nam. Các thành viên HĐQT mới sẽ cố gắng đưa Sabeco trở thành một trong những đơn vị sản xuất bia, nước giải khát hàng đầu của cả nước. Thương hiệu Sabeco sẽ vươn ra thế giới nhờ hệ thống phân phối chất lượng cao của ThaiBev. Singapore và Thái Lan sẽ là hai điểm đến đầu tiên của Sabeco.
Cũng trong đại hội, ông Võ Thanh Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco cũng thể hiện sự tin tưởng vào các thành viên mới trong HĐQT. Ông Hà cho rằng, Sabeco sẽ có tương lai sáng sủa khi có sự dẫn dắt của những nhân sự có kinh nghiệm, chất lượng. Hệ thống phân phối phát triển hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á của ThaiBev sẽ giúp Sabeco ngày càng vươn xa.
Hàng loạt khách hàng mất tiền tại ATM của ngân hàng Agribank
Ngày 27/4, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã thông báo về vụ việc nhiều khách hàng tài khoản mở tại ngân hàng này bị đánh cắp tiền thông qua giao dịch ATM. Theo đó, các khách hàng bị mất tiền khi giao dịch ở ATM của nhà băng này đã được bồi hoàn số tiền bị mất ngay trong chiều 27/4. Cụ thể, đến 15h30 ngày 27/4, Agribank đã hoàn trả đầy đủ số tiền bị trừ từ tài khoản đối với 3 khách hàng có thẻ giao dịch tại ATM thuộc phạm vi quản lý của Agribank. Đối với các chủ thẻ bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của tổ chức tín dụng khác, Agribank đang tích cực phối hợp thu thập chứng từ và sẽ phản hồi đến khách hàng ngay sau khi nhận được kết quả.
Qua kiểm tra và xác minh, Agribank cho biết chỉ có 12 khách hàng bị ảnh hưởng mất tiền trong sự việc trên, không phải con số 400 chủ tài khoản ATM bị hack như thông tin nhận được trước đó, song tổng số tiền mà các khách hàng bị mất vì vụ hack ATM này là bao nhiêu Agribank vẫn chưa thông tin.
Trước đó, vào tối ngày 25/4, nhiều nhân viên của một đơn vị truyền thông tại Hà Nội nhận được tin nhắn trừ tiền trong tài khoản dù không giao dịch, thậm chí đã khóa thẻ. Cuối ngày 26/4, Agribank thừa nhận nguyên nhân bị rút trộm tiền là thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp thông tin dữ liệu tại ATM trong quá trình sử dụng.
Một chuyên gia cho rằng, việc cùng lúc có nhiều chủ tài khoản tại một cơ quan bị tấn công, không loại trừ khả năng kẻ gian dùng chiêu skimming để ăn cắp thông tin thẻ tại máy ATM đặt ở gần đơn vị này.
Skimming là thiết bị như một bảng nhựa chứa camera lấy cắp thông tin thẻ, được kẻ gian ốp phía ngoài khe quẹt thẻ. Bằng hình thức này, kẻ gian có thể ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền. Khi thẻ được đưa vào sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào khe cắm thẻ. Nhờ vậy, tội phạm sẽ lấy được toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải từ của thẻ.
Công bố giá cơ sở mặt hàng RON 95
Chiều 23/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông báo về điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, nhà điều hành tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ giá xăng trên thị trường, trong khi các mặt hàng dầu tăng 380 - 500 đồng một lít, kg tuỳ loại. Như vậy, sau điều hành, xăng E5 RON 92 ở mức 18.930 đồng một lít; RON 95 - III mức 20.500 đồng một lít. Dầu diesel tăng lên mức tối đa 16.734 đồng một lít, dầu hoả lên 15.581 đồng một lít và madut là13.360 đồng một kg.
Tại kỳ điều hành lần này, lần đầu tiên liên Bộ công bố giá cơ sở mặt hàng RON 95 sau nhiều lần trì hoãn. Theo đó, giá cơ sở mặt hàng này ở mức 20.951 đồng một lít. Sau điều hành, mỗi lít RON 95 - III được yêu cầu không cao hơn 20.500 đồng.
Động thái tăng giá của cơ quan quản lý xuất phát từ thực tế bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5 RON 92) là 77,980 một thùng, tăng 1,32%; RON 95 tăng 1,228 USD lên 81,178 USD một thùng; hay dầu diesel mức 83,661 một thùng (tăng 3,06%)... Vì thế, để ổn định giá trong nước liên Bộ quyết định giảm chi Quỹ bình ổn giá với xăng 151 - 168 đồng một lít.
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo công văn Bộ Tài chính là 14.488,33 đồng một lít (chưa có thuế VAT).