Sự kiện kinh tế tuần: VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau 10 năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày 3/1 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến chỉ số VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau thời gian 10 năm và đây cũng là sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất tuần qua.

VN-Index đạt 1.006,72 điểm
Ngay khi chốt phiên giao dịch mở cửa 3/1, hàng loạt cổ phiếu (CP) đã tăng ào ạt giúp VN-Index ngay lập tức tăng hơn 6 điểm. Càng về gần cuối phiên sáng, mức tăng càng cao hơn. Cuối phiên buổi sáng, VN-Index tăng thêm 10,95 điểm và đạt 1.006,72 điểm. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như VPB, VIC, VCB, SSI, GAS, VCG… đều đồng loạt tăng giá mạnh.
Sự kiện kinh tế tuần: VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau 10 năm - Ảnh 1
 
Tại nhóm chứng khoán, sự bùng nổ diễn ra tại SSI khi cổ phiếu này bứt phá mạnh với mức tăng 1.000 đồng lên 30.100 đồng/CP. HCM tiếp tục tăng 3,7% lên gần 62.000 đồng. VND tăng 1,5% cùng hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng trên dưới 2% như CTS, SHS, MBS…
Bên cạnh đó, những CP blue-chips như GAS tăng 1.900 đồng lên 97.200 đồng/CP; SAB tăng thêm 6.700 đồng lên 259.000 đồng/CP; VJC đạt đỉnh giá mới ở 147.700 đồng/CP… làm sắc xanh càng lan tỏa rộng hơn. Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HBC sau phiên giảm sâu trước đó cũng đã hồi phục và đang tăng 2.500 đồng/CP lên 45.500 đồng…
Trên sàn TP.HCM, phiên sáng có gần 139 triệu chứng khoán được giao dịch với tổng trị giá 3.583,3 tỉ đồng. Trong khi đó, dù cũng tăng nhưng chỉ số HNX-Index chỉ cộng thêm 0,32 điểm và đạt 119,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt hơn 40,6 triệu chứng khoán có trị giá 711,8 tỉ đồng, trong đó có hơn 556 tỉ đồng là của giao dịch thỏa thuận. Cổ phiếu TAG có giao dịch thỏa thuận 15,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 34.900 đồng/CP.
Cục Thuế Hà Nội truy thu hàng loạt dự án bất động sản nợ thuế
Tuần qua, Cục thuế Hà Nội cho biết, theo kết luận Thanh tra Chính phủ có 24 dự án nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền nợ là hơn 2.574 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất điều giảm là gần 4,4 tỷ đồng. Ngoài số số tiền sử dụng đất nợ còn phải thu là 1.256 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó thu là 114 tỷ đồng.
Sự kiện kinh tế tuần: VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau 10 năm - Ảnh 2
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ có 75 dự án nợ tiền chậm nộp với tổng số tiền là hơn 1.880 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất đã điều chỉnh giảm là 826,5 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp đã nộp NSNN luỹ kế đến thời điểm 30/11/2017 là 198 tỷ đồng. Trong đó các dự án dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm số tiền chậm nộp sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ với số tiền sự kiến giảm gần 466 tỷ đồng.
Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính tại cuộc họp hôm 28/11/2017, Cục thuế đã trực tiếp làm việc với các dự án chỉ đạo các Chi cục thuế liên quan đến tiếp tục rà soát, phân tích đánh giá nguyên nhân nợ và đề xuất các giải pháp thu hồi tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp còn nợ đọng vào NSNN.
Qua đó, Cục thuế đã tổng hợp báo cáo, cụ thể đối với nhóm nợ chờ xử lý (1142,9 tỷ đồng/4 dự án), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan rà soát, xác định lại nghĩa vụ tài chính của dự án theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh và đôn đốc chủ đầu tư nộp NSNN theo quy định.
Đối với số tiền chậm nộp còn phải thu (hơn 400 tỷ đồng/35 dự án), Cục thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, yêu cầu các chủ dự án thực hiện nghiêm kết luận của đoàn Thanh tra Chính phủ.
Tập đoàn Dầu khí chính thức có tân Chủ tịch
Vào ngày 3/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Phạm Sỹ Thanh.
Sự kiện kinh tế tuần: VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau 10 năm - Ảnh 3
 
Trước đó, tại Quyết định số 642-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã phân công ông Trần Sỹ Thanh thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Chiều ngày 28/12/2017 vừa qua, ông Trần Sỹ Thanh được điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tân chủ tịch Hội đồng thành viên PVN sinh ngày 16/3/1971, quê quán tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông đã từng giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam; Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam; Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.
TPBank sắp lên sàn dự kiến thu về 100 triệu USD
Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), đơn vị này đã nhận đủ hồ sơ niêm yết cổ phiếu của TPBank vào ngày 29/12/2017. Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau khi phát hành cổ phiếu thành công TPBank sẽ thu về hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Sự kiện kinh tế tuần: VN-Index vượt mốc 1.000 điểm sau 10 năm - Ảnh 4
 
Với thông tin này, TPBank là ngân hàng đầu tiên đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2018. Trước đó, năm 2017, thị trường cũng đã đón nhận nhiều cổ phiếu ngân hàng chào sàn như: VPBank, VIB, LienVietPostBank, Kienlongbank.
Tính đến nay đã có trên 10 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank niêm yết trên HOSE; ACB, SHB, NCB trên HNX và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM.
Kết thúc năm 2017, các chỉ số tài chính của TPBank đều có sự tăng trưởng ấn tượng, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, lợi nhuận của TPBank đã vượt mức 1,205 nghìn tỷ đồng, tăng trên 70% so với năm 2016. Tổng tài sản của nhà băng cũng đạt trên 124 nghìn tỷ đồng so với khoảng 105,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng trên 17,2%.