Sự kiện kinh tế tuần: Vừa thiết lập mốc kỷ lục, VN-Index đã "lao dốc"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa thiết lập mốc kỷ lục, VN-Index đã "lao dốc"; Quảng Ninh dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI năm 2017; DN Việt lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ... là nội dung chú ý tuần qua.

Vừa thiết lập mốc kỷ lục VN-Index đã "lao dốc"

Sau nhiều lần nỗ lực, trong phiên giao dịch ngày 22/3 VN-Index đã chính thức thiết lập mốc đỉnh lịch sử mới hơn 1.180 điểm và phá đỉnh đóng cửa lịch sử 1.172 điểm (vượt qua mốc đỉnh lịch sử 1.170 điểm thiết lập ngày 12/3/2007.

Thị trường chứng khoán đỏ sàn HoSE

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch tối 22/3 theo giờ Việt Nam, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt bán tháo sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký biên bản đánh thuế 60 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khả năng châm ngòi cho cuộc chiến thương mại. Phiên bán tháo này khiến các chỉ số chính của phố Wall đều mất hơn 2%, chứng khoán châu Âu cũng mất hơn 1%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á sáng 23/3, ngay khi mở cửa hoạt động bán tháo cũng diễn ra đồng loạt và trên diện rộng, khiến chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm tới hơn 3,5%, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông cũng mất hơn 3% và chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 3%.

Sáng 23/3, cùng với đà lao dốc của chứng khoán thế giới, chứng khoán trong nước cũng bị bán tháo mạnh khiến gần 300 mã giảm giá trên cả 2 sàn, VN-Index mất gần 30 điểm ngay khi mở cửa. Trong Top 20 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn duy nhất VIC đứng ở tham chiếu, còn lại đều giảm.

Tương tự, HNX-Index cũng lao mạnh ngay đầu phiên và đang mất hơn 1,9% khi các mã lớn Trong Top 20 mã vốn hóa lớn nhất trên sàn HNX cũng không mã nào có sắc xanh.

Nguyên nhân chính khiến chứng khoán thế giới lao dốc là do tâm lý hoảng loạn bị đẩy cao khi Trung Quốc tuyên bố lên danh sách 128 mặt hàng Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa nếu Bắc Kinh và Washington không thể tìm ra giải pháp thông qua đàm phán. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lên kế hoạch đánh thuế nhiều mặt hàng Mỹ với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm vào Trung Quốc 3 tỷ USD.

Quảng Ninh dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI năm 2017

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh, TP của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của DN tư nhân.

Quảng Ninh dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI năm 2017

Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, TP có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm); Bến Tre (66,7 điểm); Quảng Nam (65,4 điểm), TP Hồ Chí Minh (65,2 điểm); Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh…

Trong khi đó, “top” 5 địa phương đứng cuối bảng đó là: Cao Bằng (58,89 điểm); Bắc Kạn (58,82 điểm); Lai Châu (58,82 điểm); Kon Tum (58,53 điểm); Bình Phước (56,70 điểm); Đắk Nông (55,12 điểm).

Như vậy, có thể thấy bảng xếp hạng PCI năm 2017 đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó, TP Đà Nẵng đã xuống vị trí thứ 2 “nhường chỗ” cho Quảng Ninh. Trước đó, Đà Nẵng đã có 7 năm dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Điều tra PCI năm 2017 cũng cho thấy một tâm lý khá lạc quan khi 52% DN dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ DN dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc cửa thấp, chỉ ở mức 8%.

Điều này cũng khá rõ rệt đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi có tới 60% DN cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất từ năm 2011.

Doanh nghiệp Việt lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ
Trước cách tính thuế vô lý, cộng đồng DN và Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chuẩn bị kiện Bộ Thương mại Mỹ.
DN Việt lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu trong thông cáo báo chí phát đi ngày 20/3 cho hay, việc Mỹ tính thuế vô lý thể nói là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong quá trình xem xét.

Cụ thể, 3,87 USD/kg là mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp dụng đối với sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam. Nó là kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13). Mức thuế áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016.

Thông tin chính thức vừa được DOC công bố trên công báo liên bang. Công ty Godaco (Gòn Đàng), là DN được chọn để xem xét hồ sơ lần này. Do chỉ có một công ty được chọn để xem xét hồ sơ nên DOC cũng áp dụng mức thuế này cho các DN còn lại.

Theo Thông cáo của VASEP, mức thuế này đã tăng 5,61 lần so với đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12). Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà DOC áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam.

Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá đây là lần đầu tiên DOC yêu cầu Công ty Gò Đàng thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước. Doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ đúng hạn nhưng DOC không xem xét một cách đầy đủ dẫn đến việc áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn khiến cho mức thuế tăng cao một cách vô lý.

Trước cách tính thuế vô lý trên, cộng đồng DN và VASEP đang chuẩn bị khiếu kiện DOC. Thông báo viết: "VASEP và các DN phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các DN Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà DN Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác, hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này".

2 nhà đầu tư ngoại mua cổ phần Techcombank
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo HĐQT đã chuẩn y ký kết và thực hiện văn kiện, tài liệu liên quan đến hợp đồng mua bán cổ phần giữa Techcombank và 2 nhà đầu tư gồm Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V.
 2 nhà đầu tư ngoại mua cổ phần Techcombank

Theo đó, Techcombank sẽ bán một phần/ toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đợt 1 cho 2 tổ chức này. Chưa rõ số lượng giao dịch cùng mức giá cụ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại sẽ đảm bảo không vượt mức room 8,54% mà Techcombank vừa nới hồi đầu tháng này. Cả hai nhà đầu tư tài chính này đều đến từ Amsterdam, Hà Lan. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của Warburg Pincus.

Trước đó, Warburg Pincus tuyên bố trên Reuters rằng sẽ đầu tư 370 triệu USD để mua cổ phần Techcombank thông qua hai đơn vị thành viên. Warburg Pincus là Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân (private equity), đầu tư vào Việt Nam từ năm 2013 với thương vụ rót vốn vào Vincom Retail của Vingroup.

Nhiều khả năng hai nhà đầu tư này chính là đơn vị thành viên thuộc Warburg Pincus. Thương vụ này thành công sẽ giúp nâng giá trị danh mục đầu tư của quỹ tại Việt Nam chạm mốc 1 tỷ USD.

Các hợp đồng này được ký vào ngày 1/3, chỉ 2 ngày trước ĐHĐCĐ thường niên của Techcombank. Ngày 3/3, sau khi trình cổ đông, Techcombank đã được thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư bên ngoài với giá không thấp hơn giá mua vào. Trong đợt 1, ngân hàng sẽ bán ra 93,24 triệu cổ phần. Trong trường hợp Warburg Pincus đầu tư số tiền 370 triệu USD để mua toàn bộ lượng cổ phần chào bán đợt 1, mức giá nhà đầu tư nước ngoài này bỏ ra là khoảng 90.000 đồng/cp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần