Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo
Phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sáng 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sản phẩm từ hội nghị sẽ là một nghị quyết, nghị định của Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, tạo nền tảng pháp luật cho việc tổ chức thực hiện.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật, trong đó, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước bao gồm tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước, đất đai, hầm mỏ và DNNN. Với vai trò quan trọng như vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 4 hội nghị lớn bàn về DNNN.
Thủ tướng nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Sự lớn mạnh của các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng và nhà nước, không chỉ để giải quyết các thách thức phát triển kinh tế xã hội mà còn là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế trong quá trình chiến lược phát triển của đất nước.
Trước thách thức của thời đại mới, cạnh tranh khốc liệt, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, sự biến động nhanh của thị trường trong nước, quốc tế…, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đổi mới, cải cách kịp thời hơn để bảo đảm vai trò tiên phong và chủ lực của mình.
Các DNNN cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Bộ máy điều hành, hệ thống quản trị phải được kiện toàn, nâng cấp thông qua áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Phải bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện các quy trình, nâng cao tính tự chủ và kỷ luật để tăng năng lực cạnh tranh của tập đoàn, tổng công ty, kể cả hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh doanh.
Phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng lưu ý, sự chậm chạp, lạc hậu còn có trong một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cần đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng cao, đi tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ, từ đó xây dựng một thế hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh mình, các nhà cung ứng phân tầng, hình thành chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Nghị định nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các nội dung cần thiết.
Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Đây là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 14/10/2019, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng 500 đại biểu đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, một số hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp liên kết và hơn 200 lãnh đạo hợp tác xã.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.
9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã (HTX) thành lập mới đạt 1.598 HTX giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 02 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX). Đến 9/2019, cả nước có 23.905 HTX tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 ngừng hoạt động.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng với nền kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn phát triển, KTTT, HTX luôn luôn có đóng góp quan trọng.
Bước sang thời kỳ đổi mới, KTTT, HTX mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực, tự đổi mới vươn lên và ngày càng thể hiện đúng vai trò, bản chất HTX, đặc biệt là từ khi có Luật HTX năm 2012 đã thể hiện được tư duy mô hình HTX kiểu mới, hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong thời gian qua, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động, nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định, một số nơi số lượng HTX tăng đều qua hằng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Tính đến ngày 31/12/2018, có 22.861 HTX (trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đóng góp của khu vực HTX thông qua hai kênh đó là trực tiếp của HTX vào trong nền kinh tế và đóng góp gián tiếp qua HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác. Đây là xu hướng mới trong thời gian qua. HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí đầu vào, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo...
Trong thời gian qua đã xuất hiện các HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, vai trò của LHHTX chưa được phát huy…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để đưa KTTT, HTX thoát khỏi những tồn tại, hạn chế, phát triển tốc độ cao hơn, tiến tới ngày càng có tỷ trọng cao hơn trong GDP của nền kinh tế thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ cũng như sự ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này là rất quan trọng.
Luật HTX năm 2012 đã quy định sáu chính sách hỗ trợ đối với HTX như đào tạo, thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, vốn, tạo điều kiện để thực hiện các chỉ tiêu, chương trình phát triển. Bên cạnh đó, còn có hai chính sách ưu đãi liên quan đến thuế và lệ phí đăng ký HTX. Ngoài ra, các HTX còn được hưởng ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng, đất đai, vốn, giống, chế biến sản phẩm,…
Các chính sách này được cụ thể hóa trong chương trình hỗ trợ HTX phát triển giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Cùng với đó, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển phù hợp với khả năng của mình.
Tuy nhiên công tác triển khai còn nhiều hạn chế, nhiều chính sách chưa được thực hiện như chính sách giao đất, xây dựng kết cấu hạ tầng…; Một số chính sách đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách hỗ trợ sản phẩm. Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là sự kiện rất có ý nghĩa, dịp để các HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung.
Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ... góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các HTX, LHHTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng với nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và các tổ chức, cá nhân muốn hợp tác để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Diễn đàn KTTT, HTX năm 2019 nhằm tạo điều kiện cho các HTX, LHHTX, tổ hợp tác, thành viên của HTX phản ánh tiếng nói, nguyện vọng, thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn vướng mắc, những kinh nghiệm phát triển mô hình, cũng như đề xuất về chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Xăng dầu quay đầu giảm giá
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu kể từ 15h00 chiều 16/10.
Theo đó, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 271 đồng/lít; Dầu diesel giảm 415 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 528 đồng/lít; Dầu mazut giảm 2.103 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có mức giá tối đa là 19.470 đồng/lít; Xăng RON95 là 20.795 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S 16.223 đồng/lít; Dầu hỏa 15.258 đồng/lít; Dầu mazut 12.816 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành yêu cầu thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, tăng mức trích lập Quỹ bình ổn đới với dầu mazut lên mức 900 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít/kg).
Đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95 200 đồng/lít, các loại khác không chi (kỳ trước chi 200-500 đồng/lít/kg, tùy loại).
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 16/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.
Cụ thể: 68,784 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 3,40 USD/thùng, tương đương -4,71% so với kỳ trước); 75,605 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,97 USD/thùng, tương đương -3,77% so với kỳ trước)...
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất hôm 1/10, mỗi lít xăng E5RON92 được nhà điều hành yêu cầu tăng thêm 666 đồng; xăng RON95 tăng 923 đồng/lít; Dầu diesel tăng 438 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 424 đồng/lít; Dầu mazut tăng 829 đồng/kg.
Ngân hàng dồn dập báo lãi lớn
Báo cáo tài chính của các ngân hàng đã lộ diện những cái tên lãi lớn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ngân hàng Vietcombank ghi nhận mức cao kỷ lục 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 86% kế hoạch của cả năm.
Trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận 17.250 tỷ đồng. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung ngành tài chính ngân hàng.
Với những bước tăng trưởng vượt bậc, kế hoạch lợi nhuận năm nay của Vietcombank hoàn toàn nằm trong tầm tay. Trước đó, Vietcombank đề ra kế hoạch lợi nhuận tới hơn 20.000 tỷ đồng, hướng tới top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực.
Ngân hàng thứ 2 thông báo lợi nhuận tăng ấn tượng là MB. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt 7.086 tỷ đồng; thu nhập lãi thuần tăng lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng thông tin sớm nhất về kết quả kinh doanh. Sau hơn 2 năm tái cơ cấu và nỗ lực xử lý nợ xấu (từ 2017 tới nay), kết quả kinh doanh của Sacombank 9 tháng vừa qua đã ghi nhận lạc quan ngoài dự báo. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 450.200 tỷ đồng; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 408.882 tỷ đồng; cho vay đạt 290.934 tỷ đồng.
TPBank cũng là một trong 5 ngân hàng có kết quả kinh doanh sớm nhất. Trong 9 tháng qua ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.404 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành trên 75% kế hoạch của cả năm.
Nhiều chỉ số tài chính khác của ngân hàng đã gần đạt kế hoạch năm chỉ sau 3 quý. Chẳng hạn tổng tài sản ngân hàng đã vượt 154.000 tỷ đồng, hoàn thành tới 98,76% kế hoạch; Tổng huy động đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 97,3% kế hoạch.
Một ngân hàng khác vừa thông báo kết quả kinh doanh trong ngày 16/10 là LienVietPostBank. Báo cáo cho thấy trong 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Trong đó lợi nhuận riêng quý 3 đạt 519 tỷ đồng, tăng 49% so với quý 3/2018.
Saigonbank cũng ghi nhận kết quả đột biến trong quý 3 năm nay, qua đó giúp lợi nhuận cả 9 tháng được cải thiện đáng kể. Cụ thể trong quý 3 lợi nhuận trước thuế đạt 132 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cùng kỳ năm 2018. Trước đó trong nửa đầu năm Saigonbank chỉ đạt lợi nhuận hơn 88 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý 3 tích cực đã giúp lợi nhuận 9 tháng vượt 220 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 22.077 tỷ đồng, tăng 8,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 6,1%.Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,02%.
Cũng trong 9 tháng qua, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đạt lợi nhuận sau thuế 2.332 tỷ đồng. Doanh thu của ngân hàng đạt 5.870 tỷ đồng. Doanh thu phí đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Thu nhập khác từ hoạt động thu hồi nợ xấu cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với mức lợi nhuận ấn tượng, thị trường ngân hàng thời gian qua cũng đã chứng kiến cuộc đua về tài sản giữa các ngân hàng trong nhóm 1 và nhóm và đặc biệt, nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm mạnh. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Doanh nghiệp Nhà nước lỗ nặng khi đầu tư ra nước ngoài
Chính phủ tuần qua đã có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.
Theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2018 có 19 DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 114 dự án.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 11.964 triệu USD, trong đó 3 Tập đoàn đầu tư lớn nhất, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đứng thứ nhất là 6.677 triệu USD (chiếm 56%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1.429 triệu USD (chiếm 12%).
Trong đó, năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần nhưng dự án đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện đầu tư từ giai đoạn doanh nghiệp nhà nước nên vẫn tập hợp trong báo cáo này.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài 194 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là 5.817 triệu USD (đạt 48,62%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).
Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PVN với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3.032 triệu USD (chiếm 49%).
Số tiền còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài so với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các dự án trên là 6.148 triệu USD (51,39%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).
Đáng chú ý, trong năm 2018, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi được 559 triệu USD, trong đó chiếm tỷ trọng 60% là thu hồi vốn đầu tư (333 triệu USD), 38% là lợi nhuận chuyển về nước (212 triệu USD), 02% là thu tiền lãi từ việc cho các dự án tại nước ngoài vay vốn (14 triệu USD).
Lũy kế đến ngày 31/12/2018, 6/19 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2.594 triệu USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.
Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ cho biết, năm 2018, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có 84/114 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm là 4.158 triệu USD, giảm 4% so với năm 2017, tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD giảm 24% so với năm 2017.
Tổng số lỗ phát sinh trong năm của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD tăng 265% so với năm 2017.
Chính phủ đánh giá, so với năm 2017 tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của hầu hết các lĩnh vực đều giảm. Trong đó, doanh thu giảm nhiều nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (giảm 27%) và kinh doanh xăng dầu (giảm 23%) chủ yếu ảnh hưởng do sự biến động của giá dầu thế giới.
Lợi nhuận giảm nhiều nhất trong lĩnh vực viễn thông với số lỗ tăng là 349 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước Châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su (giảm trên 40%).
Chính phủ nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế.
Cảnh báo nguy cơ “sập bẫy” khi tham gia đa cấp Greenleaf
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết gần đây, Cục này đã nhận được phản ánh về việc một số tổ chức cá nhân thường xuyên tổ chức các hội thảo để giới thiệu về nhiều loại sản phẩm từ hóa, mỹ phẩm và quần áo, phụ kiện… từ Trung Quốc mang tên Greenleaf (Lá xanh).
|
Mô hình phân phối tiền thưởng của Greenleaf. Ảnh: Cục CT và BVNTD. |
Ngoài ra, các tổ chức cá nhân này còn mời chào người dân mua hàng và mở một tài khoản (ID) trên trang web: greenleafgroup.cn (có máy chủ đặt tại nước ngoài) để cùng tham gia xây dựng mạng lưới kinh doanh theo chương trình trả thưởng rất hấp dẫn.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, qua đánh giá nhận thấy hoạt động kinh doanh và xây dựng mạng lưới trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, đến nay Cục chưa cấp giấy chứng nhận đang ký hoạt động bán hàng đa cấp cho tổ chức, đơn vị nào có tên Greenleaf hay greenleafgroup như trên.
Để tránh rủi ro, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia giới thiệu, phát triển mạng lưới kinh doanh của các tổ chức cá nhân liên quan Greenleaf hay greenleafgroup nêu trên.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, tổ chức, cá nhân nào tham gia hoặc tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.