Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cấu trúc nền kinh tế đảm bảo phát triển bền vững; Nhiều nước đang điều tra việc giả mạo hàng Việt để hưởng thuế ưu đãi; Bộ đôi cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo... là nội dung chú ý tuần qua.

Tái cấu trúc nền kinh tế đảm bảo phát triển bền vững
Với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, ngày 12.9 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đồng thời cam kết thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Qua đó, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
“Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, kiến nghị về mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững; xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của các quốc gia.
Theo đó Việt Nam luôn nhất quán trong các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ theo hướng bền vững. Phát triển nhanh để không tụt hậu so với thế giới, nhưng phải bền vững nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, các chỉ tiêu quan trọng như, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, năng lượng sạch… đều có bước phát triển.
Thủ tướng cho rằng những thành tích này chưa tương xứng tiềm năng lợi thế, cần nỗ lực hơn nữa.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tiếp tục đưa các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cần tăng tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng sử dụng tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ, đảm bảo phát triển bền vững.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục hành động cùng cộng đồng quốc tế, lồng ghép đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, sau hội nghị này sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững.
Nhiều nước đang điều tra việc giả mạo hàng Việt để hưởng thuế ưu đãi

Ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Giám sát quản lý về Hải quan. Ảnh: Báo Hải quan.

Sáng 10/9, buổi giải đáp trực tuyến với chủ đề “Hải quan làm gì để chống gian lận xuất xứ hàng hóa?” đã diễn ra tại trụ sở của Tổng cục Hải quan.
Khi được đặt câu hỏi về tình trạng hàng Trung Quốc và một số nước mượn xuất xứ Việt Nam để xuất đi các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại (FTA), ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Giám sát quản lý về Hải quan cho rằng, không loại trừ khả năng này.
“Việt Nam đã thực hiện 12/15 hiệp định FTA ký kết, do vậy không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất sang các đối tác FTA, hoặc các quốc gia dành cho Việt Nam ưu đãi về thuế quan thấp hơn”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông cho biết hiện tại, thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp dụng mức thuế hơn 400%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như pin năng lượng mặt trời, xe đạp, tôm, xe tay nâng…
Các nước điều tra chủ yếu là Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc. Mới đây, Bộ Công Thương cũng công bố danh sách 13 mặt hàng xuất sang Mỹ, EU và Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Trong đó, gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng được cảnh báo ở mức cao nhất.
Thông tin về việc điều tra một số doanh nghiệp gỗ nghi gian lận xuất xứ, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, cho biết bước đầu, có những kết quả phản ánh vi phạm của các doanh nghiệp trong việc sử dụng giấy tờ không hợp pháp và có dấu hiệu làm giả.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O. Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu chưa có kết luận cuối cùng.
Bộ đôi cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) hôm 11/9 thông báo tiếp tục duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia LaiHAG-1.88% (HAG) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).
 Ảnh Zing
Lợi nhuận sau thuế kỳ báo cáo bán niên của cổ đông công ty mẹ là số âm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 30/6 là số âm, đồng thời công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ chưa khắc phục được nguyên nhân là lý do khiến cổ phiếu HAG và HNG tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo.
HoSE sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu HNG sau khi có báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Công ty.
Cả HAG và HNG đều báo lỗ ròng sau 6 tháng đầu năm. Trong đó, mức lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ HAG là 517 tỷ đồng và lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 là 728 tỷ. Tại HNG, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 744 tỷ và mức lỗ nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 là 641 tỷ.
Đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng lư ý khả năng thu hồi một số khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của HAG; việc hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu của cả HAG lẫn HNG.
Theo kiểm toán viên, nếu HAG ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên 2019, lỗ trước thuế của HAG sẽ tăng thêm 335 tỷ còn lỗ sau thuế tăng thêm 491 tỷ. Lỗ trước và sau thuế của HNG cũng có thể tăng thêm tương ứng 192 tỷ và 252 tỷ với lý do tương tự.
Giải trình về vấn đề này, ban lãnh đạo của HAG và HNG đánh giá khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất chống chuyển giá của Nghị định.
Hai công ty của ông Đoàn Nguyên Đức cho hay đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét điều chỉnh hay thay đổi Nghị định này.
Về vấn đề vi phạm điều khoản trong các hợp đồng vay và trái phiếu, HAG và HNG cho biết đang làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh các điều khoản bị vi phạm của các hợp đồng vay.
Jack Ma thôi làm CEO của Alibaba
Tỷ phú Jack Ma - người sáng lập và đồng thời là ông chủ của "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba tuyên bố sẽ chính thức chuyển giao chức danh chủ tịch cho CEO Daniel Zhang kể từ ngày 10/9.
Jack Ma không còn là CEO Alibaba
Niêm yết ở New York, Alibaba hiện có vốn hóa thị trường hơn 460 tỷ USD. Tập đoàn này cho biết sẽ không có sự kiện nào để đánh dấu sự ra đi của người sáng lập huyền thoại. Thay vào đó, Alibaba sẽ tổ chức một bữa tiệc nội bộ để kỷ niệm 20 năm thành lập, cùng với ngày nghỉ hưu của Jack Ma.
Có rất nhiều điều được mong đợi trong thời kỳ hậu Jack Ma. Tại lễ kỷ niệm 19 năm của Alibaba năm ngoái, Jack Ma đã đưa ra thông báo nghỉ hưu khiến nhiều người ngạc nhiên.
Tuyên bố chuyển giao "quyền lực" diễn ra đúng thời điểm "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và cũng chính vào dịp sinh nhật lần thứ 54 của Jack Ma - người đồng sáng lập tập đoàn này.
Dù trao chức Chủ tịch Alibaba cho ông Daniel Zhang - người đang đảm nhận vị trí CEO của tập đoàn nhưng Jack Ma vẫn sẽ nằm trong hội đồng quản trị cho tới cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Alibaba vào năm 2020.
Jack Ma dự định tiếp tục vai trò của mình với tư cách là nhà sáng lập và có quyền bổ nhiệm hầu hết các vị trí nhân sự quan trọng của Alibaba mặc dù ông không nắm giữ đa số cổ phần.
Người kế nhiệm Jack Ma, ông Daniel Zhang là cái tên không xa lạ đối với các nhà đầu tư. Ông sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo của Alibaba - hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc chuyên về thương mại điện tử, điện toán đám mây và giải trí. Tập đoàn này kiểm soát một mạng lưới thanh toán di động lớn và đang tập trung vào lĩnh vực mới là trí thông minh nhân tạo.