Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế: VN-Index lần đầu chốt phiên trên 1.000 điểm sau 5 tháng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tìm “thuốc” đẩy lùi tín dụng đen, giới chuyên gia hiến kế; Chưa nới khung thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng; VN-Index lần đầu chốt phiên trên 1.000 điểm sau 5 tháng... là nội dung chú ý tuần qua.

Tìm “thuốc” đẩy lùi tín dụng đen, giới chuyên gia hiến kế

Tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” ngày 15/3, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cung cấp số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.

Sự kiện kinh tế: VN-Index lần đầu chốt phiên trên 1.000 điểm sau 5 tháng - Ảnh 1
Toàn cảnh tọa đàm. 

Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc.

Phó Tổng Giám đốc Công ty FE Credit Nguyễn Thanh Phúc cũng dẫn số liệu để khẳng định, gần nửa dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ này rơi vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình - thấp, không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập và dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.

Lý giải dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tú Anh cho rằng, gần đây, tín dụng đen đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều này cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.

Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư Trần Kim Anh cho rằng, để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Phía các công ty tài chính tiêu dùng, theo Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, công ty tài chính Home Credit Việt Nam Trịnh Bá Việt Xô, bản thân các công ty tài chính cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến “tín dụng đen”.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển

Ngày 15/3, diễn đàn "Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019", do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất.

Sự kiện kinh tế: VN-Index lần đầu chốt phiên trên 1.000 điểm sau 5 tháng - Ảnh 2
Toàn cảnh diễn đàn.

Dù đóng góp 40% GDP cho nền kinh tế, tuy nhiên sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là "động lực quan trọng của nền kinh tế. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ rõ nguyên nhân, thách thức cũng như đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Từ thực tế phát triển trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế "xin - cho", bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết, trong khi kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại thì kinh tế trong nước đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; mức ổn định của môi trường kinh doanh được quốc tế đánh giá cao; khu vực FDI khởi sắc...

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết. "Nguyên nhân chính của tình hình đó là môi trường kinh doanh còn hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 hạng, xếp thứ 69/190 nước, khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (31% GDP), trong khi DN tư nhân đóng góp rất hạn chế, chỉ 8% GDP" - ông Bùi Quang Tuấn nói.

Bàn thêm về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rõ, kinh tế tư nhân là lực lượng cứu chúng ta thoát khỏi khủng hoảng ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng sau đó lại chưa được tập trung phát triển. "Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển DN Việt đúng nghĩa. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc thành lập nhiều chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng DN Việt" - ông Thiên bày tỏ.

Theo ông Thiên, nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi; không định hướng phát triển các thị trường và lực lượng thị trường đúng nghĩa. Bên cạnh đó, việc kéo dài ưu đãi "phi thị trường" quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống.

Do đó cần xây dựng chiến lược phát triển DN Việt cho giai đoạn mới, nền tảng là DN tư nhân và trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế; thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực kinh tế trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử. Thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, thay đổi quan niệm "cổ phần hóa DN nhà nước", chuyển nó thành quan niệm "tư nhân hóa" và xúc tiến đẩy nhanh quá trình này.

Tại diễn đàn các chuyên gia đều cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần có các chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khắc phục những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân tạo đà cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.

Hàng tỷ USD của PVN đầu tư ra nước ngoài chưa hiệu quả, sai phạm
Báo cáo phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Bộ Công thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho thấy trong số 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) thì hầu hết không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại dự án cho đối tác nước ngoài.
 Ảnh minh họa.
Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. Trong số 13 dự án, chỉ có 2 dự án lô Nhenhexky góp vốn đầu tư 533,22 triệu USD (Nga), lô 433a&416b (Algeria) góp vốn 1,26 tỷ USD có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, 11 dự án còn lại gồm: Dự án Junin 2 (Venezuela), góp vốn 1,82 tỷ USD cho giai đoạn 1, đang tạm dừng triển khai. Dự án lô 67, lô 39 (Peru) đang chuyển nhượng cho đối tác; lô PM 304 (Malaysia) đang kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp. Thăm dò lô 39 (Peru) đang xem xét chuyển nhượng vốn góp; thăm dò lô Marine XI (Conggo) đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp.
Thăm dò lô Danan (Iran), góp vốn 82,07 triệu USD xin tạm dừng; lô M2 (Myanmar) dừng vì rủi ro; lô XV (Campuchia) góp vốn 72,46 triệu USD đang chuyển nhượng vốn góp; lô MD2, lô MD4 (Myanmar) chưa rõ hiệu quả...
Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu khí tỉ USD tại Venezuela.
Cụ thể, C03 đang điều tra, xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela, của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.
Để phục vụ điều tra xác minh, C03 đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án lô Junin2 của PVEP.
Dự án đầu tư không hiệu quả thì khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela được xem là điển hình về lãng phí trong đầu tư. Đây cũng là dự án khủng nhất mà PVEP đại diện cho PVN đầu tư ra nước ngoài với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo giấy chứng nhận đầu tư số 398 do Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp vào năm 2012, trong giai đoạn 1 (2010 - 2015) PVEP sẽ rót khoảng 1,82 tỷ USD vào dự án.
Tính toán ban đầu cho thấy công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu/ngày. Lô Junin 2 có tổng diện tích khai thác 522,84km2 trên đất liền thuộc các huyện Leonardo Infante, El Socorr, Santa Maria, bang Guarico, Venezuela.
Và để thực hiện dự án này, PVEP đã góp 40% vốn cùng với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela lập ra Công ty liên doanh PetroMacareo. Tuy nhiên, do dự án không có tiến triển, tháng 12/2013, Thủ tướng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư vào dự án.
Được biết, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có đơn xin từ chức. Hội đồng thành viên PVN đã họp để xem xét đơn xin từ chức của ông Sơn, cũng như chấp thuận đơn xin từ chức của ông này, trình cấp thẩm quyền quyết định. Việc ông Sơn có đơn xin từ chức gửi đến PVN diễn ra trong thời gian trước đó, nhưng chưa được xem xét. Đến nay, lý do của việc ông Sơn từ chức chưa được chính thức tiết lộ.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn sinh năm 1962, có trình độ Thạc sỹ công nghệ hệ thống. Ông Sơn làm việc trong ngành dầu khí suốt 30 năm, từng trải qua nhiều vị trí khác nhau ở Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) như Phó Tổng giám đốc, Phó bí thư Đảng ủy Xí nghiệp khai thác dầu khí thuộc Vietsovpetro.
Ông Sơn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò khai thác đầu khí (PVEP) năm 2009. Trong giai đoạn này, PVEP đầu tư nhiều dự án ra nước ngoài, trong đó có những dự án không hiệu quả như khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela.
Dự án này PVEP góp 40% vốn cùng Công ty dầu khí Quốc gia Venezuela thành lập liên doanh PetroMacareo. Nhưng do không có triển vọng, tháng 12/2013 Thủ tướng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư dự án.
Đến năm 2012 ông Sơn làm Phó Tổng giám đốc PVN trong 4 năm sau đó đảm nhiệm chức Tổng giám đốc PVN từ năm 2016.
Năm 2017 ông kiêm nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng thành viên PVN khi ông Nguyễn Quốc Khánh mất chức. Sau khi ghế nóng PVN chính thức do ông Trần Sỹ Thanh đảm nhiệm, ông Sơn thôi việc kiêm nhiệm.
Theo quy định, hiện PVN đã được Bộ Công thương chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước, nên việc có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN sẽ do cơ quan chủ quản là Ủy ban vốn và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chưa nới khung thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng
Chính phủ xin rút Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
  Ảnh minh họa.
Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Điều này đồng nghĩa đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 4.000 đồng lên tối đa 8.000 đồng một lít cũng được rút lại.
Lý do xin rút dự luật này được Chính phủ giải thích là cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng chịu thuế có tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2019, một số mặt hàng xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut... đã được điều chỉnh lên mức trần trong khung thuế suất hiện hành. Dầu hoả, than đá, thuốc diệt cỏ... chưa điều chỉnh đến mức kịch khung thuế suất.
Do vậy, Chính phủ cho rằng cần có thời gian để các quy định mới "đi vào cuộc sống". Trên cơ sở này, cấp có thẩm quyền sẽ đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước đó, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính soạn thảo, đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng một lít.
Từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần từ 3.000 lên 4.000 đồng một lít. Thuế môi trường với các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng, như dầu hoả tăng lên 1.000 đồng một lít; dầu diesel lên 2.000 đồng một lít... Với mức tăng thuế này, mỗi lít xăng cũng "gánh" thêm 1.000 đồng do tăng thuế môi trường.
Giá mỗi lít xăng bán lẻ đã tăng thêm 940 đồng từ đầu tháng 3 do tác động tăng mạnh từ thị trường thế giới. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 ở mức 17.210 đồng, xăng RON 95 18.540 đồng.
VN-Index lần đầu chốt phiên trên 1.000 điểm sau 5 tháng
Chốt phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index tăng 16,72 điểm (tương đương 1,7%) lên 1.001,32 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, tăng 13,62 điểm (1,49%) lên gần 930 điểm. Trên sàn Hà Nội, sắc xanh cũng là màu chủ đạo khi HNX-Index và UPCOM-Index tăng lần lượt 1,14% và 0,95%.
 VN-Index vọt lên trên 1000 điểm 
Vượt qua mốc 1.000 điểm đã diễn ra hai lần trong hai tuần gần đây nhưng đây là lần đầu VN-Index chốt phiên trên mốc này kể từ tháng 10/2018. Tuy vậy, vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh luôn cần thời gian để kiểm chứng và xác suất của việc điều chỉnh vẫn còn.
Thị trường mở cửa trong sắc xanh nhưng duy trì trạng thái giao dịch thận trọng. Dòng tiền có sự phân hóa khi hướng vào một số mã chủ chốt như nhóm bluechip và dầu khí, trong khi phần đông giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Đà tăng chỉ thực sự bứt phá vào cuối phiên chiều, sau một đợt điều chỉnh nhẹ của chỉ số. Chỉ trong 20 phút trước khi đóng cửa, VN-Index đã nới rộng đà tăng lên hơn gấp đôi với sắc xanh lan tỏa toàn thị trường.
Thanh khoản toàn thị trường đến cuối phiên đạt gần 6.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu YEG của Yeah1 tiếp tục rơi vào trạng thái giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp. Đến cuối phiên, dư bán sàn YEG vẫn còn gần 150.000 đơn vị. Vốn hóa cổ phiếu này đã giảm chỉ còn một nửa sau chuỗi phiên "lau sàn" liên tiếp.
Vinamilk chào mua 47% cổ phần công ty sở hữu Sữa Mộc Châu
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) vừa công bố việc chào mua cổ phần của Công ty GTNFoods (mã CK: GTN). Theo đó, Vinamilk dự kiến chào mua tối đa 116,7 triệu cổ phiếu, tương đương 46,68% cổ phần của GTNFoods với giá 13.000 đồng cho mỗi đơn vị.
 Ảnh minh họa.
Với mức giá Vinamilk chào mua là 13.000 đồng mỗi cổ phiếu, tổng giá trị của đợt chào mua khoảng 1.517 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Trên thị trường, cổ phiếu GTN đang giao dịch ở mức trên 16.000 đồng. Cổ phiếu này đã tăng khoảng 50% trong khoảng 3 tuần giao dịch gần đây khi một số thông tin về đợt chào mua này xuất hiện trên thị trường.
GTNFoods là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 104 tỷ đồng. Công ty hiện sở hữu 73,7% cổ phần tại Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico), đơn vị sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Sữa Mộc Châu.
Sau quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, Sữa Mộc Châu giờ là đơn vị chủ lực của GTNFoods với khoảng trên 80% nguồn thu. Sữa Mộc Châu hiện nắm khoảng 30% thị trường sữa nước ở các vùng nông thôn phía Bắc và khoảng 2,7% toàn thị trường sữa Việt Nam.
Ngoài Sữa Mộc Châu, GTNFoods còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…
Năm 2018, GTNfoods đạt doanh thu năm 2018 khoảng 3.008 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng giảm đáng kể so với con số 152 tỷ của năm 2017 do quý cuối năm công ty rơi vào tình trạng lỗ.
Động thái mua cổ phần GTNFoods sẽ giúp Vinamilk mở rộng thị phần sữa trong nước, trong bối cảnh động lực tăng trưởng ngành giảm sút. Vinamilk hiện là DN sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%.
Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng.

Cơ quan quản lý tạm dừng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm

Chiều 12/3, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã tạm dừng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo.

 Sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Ảnh Trần Dũng.

Thời gian qua, hai bộ cũng nhận được những ý kiến khác nhau về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm", cũng như chưa nhận được sự đồng thuận và chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích các bên liên quan.

Lãnh đạo hai bộ đã thống nhất giao Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cùng với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tạm dừng và tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn này.

Trước đó, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các hiệp hội cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Nội dung khiến nhiều người phân vân nhất là việc dự thảo chỉ chia thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (còn gọi là nước chấm). Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Việc đưa các tiêu chuẩn này bị xem là gây khó khăn cho ngành nước mắm làm theo cách truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay.

Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.

Thị trường nước mắm Việt Nam đang được định giá khoảng 501 triệu USD, với hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất trong năm 2015. Giá trị một chai nước mắm công nghiệp vào khoảng 1-2 USD/chai, trong khi nước mắm truyền thống độ đạm cao và thuần chất có thể lên tới 9 USD/chai.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mỗi năm, người Việt tiêu thụ hơn 300 triệu lít nước mắm, 75% trong số đó là nước mắm công nghiệp, số còn lại là nước mắm truyền thống.

Với sản lượng thấp, giá nhỉnh hơn, nước mắm truyền thống đang chọn lọc người dùng và đi vào phân khúc ngách, dẫn tới sự thu hẹp về thị phần. Nước mắm truyền thống đang gặp phải rất nhiều trở ngại trong việc tồn tại và tái chiếm thị phần, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cá cơm đang thu hẹp nhanh chóng.