Sự kiện tuần qua: 3 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển bắt về với gia đình

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc đã về tới Hà Nội; Hà Nội sẽ hạn chế xe cá nhân, tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng; Bộ Nội vụ thanh tra đột xuất Sở có 44 lãnh đạo... là những sự kiện được dư luận quan tâm tuần qua.

Hà Nội: Hạn chế xe cá nhân, tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28/10.
Trước ý kiến chia sẻ của phóng viên về việc có cảm giác như hiện nay Hà Nội đang ưu tiên đầu tư cho giao thông cơ giới ô tô, xe máy hơn là phi cơ giới như đi bộ, xe đạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, thực tế không phải là Thành phố ưu tiên, việc phát phát triển ô tô, xe máy vẫn theo hướng tự phát.
Nghĩa là nhu cầu người dân phải trang bị ô tô, xe máy và kết quả là tăng trưởng ô tô, xe máy 17%/năm. Việc của Thành phố là phải làm sao để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận lợi để người dân cảm thấy việc có xe riêng không thuận lợi bằng sử dụng phương tiện công cộng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin thêm, từ nay đến năm 2020, Thành phố phải tăng gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn báo chí.
Hiện nay, độ bao phủ của xe buýt công cộng đối với các khu dân cư thuộc quận nội thành mới dừng lại ở 71%. Các tuyến xe buýt đấu nối với các huyện thị vẫn thiếu.
Lượng xe hiện nay có 96 tuyến với 1.500 xe vẫn còn chưa đủ, dự kiến phát triển lên 150 tuyến, với hơn 2.000 xe. Việc kết nối giữa tuyến với các phương tiện giao thông công cộng chưa thuận tiện. Do vậy, Thành phố tính đến việc thiết kế tích hợp các phương tiện giao thông công cộng, làm sao thuận tiện cho người dân.
Trước ý kiến của báo chí từ việc phố đi bộ của Hà Nội vừa thí điểm cho thấy hiệu quả cao, cần mở rộng, Bí thư Hoàng Trung Hải bày tỏ đồng tình, từ việc phát triển không gian đi bộ của Hà Nội mới thấy nhu cầu của người dân rất lớn.
Đồng thời, khi mở rộng phố đi bộ mới thấy sức ép về giao thông cao. Vấn đề đặt ra, khi không giải quyết được những vấn đề lớn về giao thông thì không giải quyết nổi những vấn đề khác.
“Nếu ô tô, xe máy vẫn tăng mà tàu điện ngầm không có, mở tuyến ra ngoài không có, giãn dân không nổi thì không có cách gì giải quyết. Chúng ta nói chuyện không gian cho người đi bộ, đi xe đạp cũng khó khả thi”, Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, thời gian tới, Thành phố phải giải quyết đồng bộ các giải pháp, trong đó, việc khó khăn nhất là vốn, còn về phương tiện, vừa qua Thành phố xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng vận tải, dân số cao hơn rất nhiều sơ với tốc độ tăng về đầu tư hạ tầng. Như vậy, đến một thời điểm nào đó sẽ phải hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng.
Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ: “Cũng sẽ đến lúc xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ. Sẽ đến lúc phải cấm, không dùng phương tiện xe máy nữa. Rất nhiều quốc gia làm phương án này.
Như tôi đã nói, 8 tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội rất khó khăn thu hút vốn, các nhà đầu tư chưa mặn mà. Giả sử nếu phát triển được các tuyến tàu điện ngầm, theo kế hoạch 2030 chẳng hạn, thì có thể công bố cho người dân Thành phố thấy, đến 2030 các quận nội đô không lưu thông xe máy nữa. Nếu được như vậy thì người dân có thời gian chuẩn bị, hoặc chuyển sang ô tô hoặc đi xe buýt, không mua xe. Xe máy hiện tại vẫn sử dụng đến thời điểm 2030.
Thành phố cũng có thời gian chuẩn bị để nâng vận tải hành khách công cộng, đồng thời không đăng ký xe máy ở các quận nội thành, đỡ phí phạm tài sản chung của xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án này, xin ý kiến HĐND và các bộ ngành”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin thêm, trong dự thảo trước đây, nhiều ý kiến muốn lộ trình hạn chế xe cá nhân đến năm 2025 nhưng hiện nay, do một số tuyến giao thông chính như tàu điện ngầm đến 2025 chưa có khả năng hoàn thành 8 tuyến. Như vậy, khả năng đáp ứng phương tiện công cộng chưa được nên có thể lộ trình giãn đến 2030. Như vậy, người dân có 14 năm để chuẩn bị.
Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu về giao thông cũng đang tính toán, làm thế nào để đến thời điểm năm 2030, Hà Nội phải có những lực lượng vận tải hành khách công cộng chủ công đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khi không sử dụng xe cá nhân.
3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc đã về tới Hà Nội
Chiều 25/10, sau hơn 4 năm 8 tháng, ba thuyền viên người VN trên tàu FV Naham 3 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt cóc, đòi tiền chuộc đã về đến Hà Nội trong vòng tay xúc động nghẹn ngào của người thân, bạn bè.
Ba thuyền viên đã trở về gồm: Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi, ngụ xã Kỳ Khang), Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi, ngụ xã Kỳ Trinh, cùng ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ngụ xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Thuyền viên trở về trong vòng tay xúc động nghẹn ngào của người thân
Ba người cho biết họ phải sống trong cuộc sống vô cùng khắc nghiệt vì nơi giam giữ chủ yếu ở giữa sa mạc, thiếu nước sạch, thiếu lương thực. Trên tàu FV Naham 3 có 29 người nhưng thuyền trưởng đã bị bắn chết ngay sau khi tàu bị cướp, còn hai thuyền viên bị chết do bệnh tật. Đến ngày cướp biển Somalia trao trả chỉ còn 26 thuyền viên, có 3 người VN, còn lại phần lớn là người Đài Loan.
Trước đó, ngày 22/10, các quan chức chính phủ Somalia thông báo cướp biển Somalia đã thả 26 thuyền viên trong vụ cướp tàu FV Naham 3 tại một vùng biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương) hồi tháng 3/2012. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam. Trao đổi với báo chí, Tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP) cho biết đã bố trí khách sạn và nơi ăn ở cho các thuyền viên. Ngày 24/10, tất cả thuyền viên sẽ được đưa đi kiểm tra y tế. Theo đại diện Chương trình hỗ trợ con tin, mọi thuyền viên đều trong tình trạng "chấp nhận được, về cơ bản là ổn".
Bộ Nội vụ thanh tra đột xuất Sở có 44 lãnh đạo
Chiều 29/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 vị trí công chức là lãnh đạo, chỉ có 2 chuyên viên.
“Vậy việc này có phải là bổ nhiệm tràn lan không? Bộ Nội vụ có trách nhiệm gì trong việc bổ nhiệm cán bộ ở Hải Dương cũng như một số địa phương trong thời gian qua. Trước tình hình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ có kế hoạch mở rộng thanh tra công vụ không?”.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh tình trạng một số địa phương có bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo hoặc tiếp nhận công chức tràn lan, bổ nhiệm vượt số lượng quy định, gây bức xúc trong dư luận.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Nội vụ tiến hành các hoạt động thanh tra công vụ để xác minh các thông tin mà báo chí và dư luận đã phản ánh. Trên cơ sở đó đánh giá những việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý xem có đúng các quy định của pháp luật không. Và trên cơ sở đó, căn cứ vào từng vụ việc một, mức độ, tính chất vi phạm đến đâu thì sẽ kiến nghị với các cơ quan xem xét xử lý đến đó.
Liên quan đến vụ việc mà báo chí nêu về Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương đối với 44/46 trường hợp được bổ nhiệm lãnh đạo, Bộ Nội vụ cũng đã khẩn trương chỉ đạo và ban hành Quyết định số 672 ngày 24/10/2016 về việc tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương.
Việc thanh tra đột xuất này sẽ tiến hành trong thời kỳ từ ngày 1/1/2014 đến 15/10/2016 và thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: “Hiện trước mắt Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra đối với các vụ việc mà báo chí đã nêu, không chỉ riêng với Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương mà còn ở một số bộ, ngành và địa phương khác”.
Bên cạnh đó, để khắc phục những vấn đề mà báo chí và dư luận nêu liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát lại các nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trên cơ sở đó có những sửa đổi, bổ sung để bảo đảm quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng bổ nhiệm, tránh được những vấn đề mà dư luận và báo chí đã phản ánh.
Có “sai sót nhất định” trong vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, Phóng viên đặt câu hỏi đến đại diện Bộ Công thương về việc Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ khiến huyện Hương Khê bị ngập lụt nghiêm trọng.
Trả lời phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, từ ngày 13-15/10, các tỉnh bắc miền Trung có đợt mưa lớn, theo số liệu của các trạm thủy văn tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…, trong khoảng 2 ngày có lượng mưa lớn nhất dao động lên tới trên 1.000mm. Với địa hình dốc, sông ngắn nên mưa lớn đã gây ra ngập lụt trên diện tích rất rộng.
Trong diện tích ấy có huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, nằm ngay sau thuỷ điện Hố Hô. Ngay sau trận lũ lụt xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tra liên ngành của Bộ Công Thương, Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra việc xả lũ của thủy điện Hố Hô có ảnh hưởng đến huyện Hương Khê hay không.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.
Về phía Bộ Công thương đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra, qua kết quả ban đầu tại thực địa, kiểm tra nhà máy và làm việc với chính quyền địa phương đã xác định, “Công ty thuỷ điện Hố Hô có sai sót nhất định trong việc chấp hành Luật về tài nguyên nước, về quy trình vận hành hồ chứa”, Thứ trưởng cho biết.
"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự kiến vào thứ Hai tuần tới (tức ngày 31/10), sau khi đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Hương Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo chính thức và đầy đủ lên Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ sự việc trên", ông Vượng cho biết.
Trong đó, Bộ sẽ trình bày về đánh giá tác động của Thủy điện Hố Hô đối với tình hình ngập lụt xảy ra ở khu vực như thế nào, trách nhiệm các bên liên quan cũng như giải pháp trong thời gian tới ra sao. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh lại quy trình vận hành hồ chứa để phù hợp với địa hình tại địa phương.
Đề nghị cảnh cáo cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Ngày 24/10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương thông cáo báo chí về kết quả kỳ họp thứ VII diễn ra từ ngày 17 đến 21/10. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung. Trong đó có nội dung về “kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 và một số cá nhân”.
1 - Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã có các vi phạm, khuyết điểm sau:
- Không kịp thời sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của BCSĐ theo quy định của Bộ Chính trị; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của BCSĐ.
- Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, cụ thể:
+ Tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện.
+ Vi phạm Quyết định số 83/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ và Quyết định số 81-QĐ/BCS của BCSĐ Bộ Công Thương trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng, Chánh Văn phòng BCSĐ, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
+ Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bí thư BCSĐ tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác.
+ Vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
- Thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
2- Đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương
Đồng chí Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Cá nhân đồng chí Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm sau:
- Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những Điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
- Thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng BCSĐ, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
 Ông Vũ Huy Hoàng
- Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.
- Chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.
Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của BCSĐ Bộ Công thương và đồng chí Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công thương và cá nhân đồng chí Vũ Huy Hoàng, gây bức xúc trong xã hội.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với BCSĐ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016; cảnh cáo đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Yêu cầu BCSĐ Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo kiểm điểm, thi hành kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định; thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ của Bộ Công Thương.
3- Đồng chí Đào Văn Hải, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng Bộ Công Thương có các vi phạm, khuyết điểm sau:
- Đồng chí Đào Văn Hải chịu trách nhiệm liên đới về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Cá nhân đồng chí Đào Văn Hải có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu, đề xuất với BCSĐ, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp nhận, bổ nhiệm, quy hoạch, đánh giá, điều động nhiều cán bộ không đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Đồng chí Hồ Thị Kim Thoa có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Cá nhân đồng chí Hồ Thị Kim Thoa có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa; cảnh cáo đối với đồng chí Đào Văn Hải.