Sự kiện tuần qua: Công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại Đồng Tâm

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm; Thủ tướng đau buồn và phẫn nộ việc 2 người Việt bị Abu Sayyaf sát hại; VTV và SCIC xin rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới... là những sự kiện được dư luận quan tâm tuần qua.

Một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi
Ngày 7/7, tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã tổ chức công bố dự thảo kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Theo dự thảo kết luận được công bố, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn có các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9 ha, tăng 28,9 ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ.
 Ông Nguyễn An Huy - Trưởng đoàn Thanh tra (Phó Chánh thanh tra TP Hà Nội) người đọc công bố dự thảo kết luận.
Diện tích 28,9 ha tăng này chính là diện tích 31,9 ha bị ảnh hưởng của thi công thuộc địa giới hành chính huyện Chương Mỹ, không sản xuất nông nghiệp được và nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn mà Nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh Công binh (sau khi trừ đường giao thông 2,5 ha và sai số do đo đạc 0,5 ha).
Trong diện tích 236,9 ha có 64,11 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (giảm 0,55 ha so với diện tích đất 03 đơn vị đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh Công binh trước đây do sai số đo đạc).
Từ sau khi nhận đất đến trước ngày 01/7/2004 (thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực), các đơn vị quốc phòng chưa báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định diện tích 31,9 ha đất bị ảnh hưởng của thi công Nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao, là thiếu sót.
Trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng giao khoán hàng năm với UBND xã Đồng Tâm để UBND xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ năm 2012 không giao khoán nữa nhưng đến nay các hộ dân vẫn đang sản xuất nông nghiệp tại đây. Mặt khác các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân đã ăn ở trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép, là buông lỏng quản lý đất quốc phòng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, những "khúc mắc" của người dân Đồng Tâm về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu vực sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm đã được dự thảo kết luận thanh tra giải đáp đầy đủ bằng những bằng chứng, chứng cứ pháp lý cụ thể, chính xác, cho thấy đây là đất quốc phòng.

Việc UBND TP cấp sổ đỏ cho quân đội với diện tích đất 236,8 ha là hoàn toàn đúng thẩm quyền và văn bản đó là đúng luật. Các văn bản cũng như kết quả đo đạc lại thực địa có sự chứng kiến, tham gia của các cơ quan, đơn vị và đại diện người dân Đồng Tâm đều cho thấy, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm từ trước đến nay thu hồi chỉ có 64,66 ha, không phải là con số 96 ha hay 106 ha.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, việc một số người dân tự ý vào lấn chiếm đất quốc phòng là do có một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi và đưa ra các thông tin không đúng sự thật để kích động người dân. Chủ tịch UBND TP kêu gọi và mong muốn các đảng viên, nhân dân đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng.

Chủ tịch cho biết, trước năm 2012, Lữ đoàn 28 quản lý sử dụng và UBND xã cùng với một số người dân có thuê khoán, việc thuê khoán có chứng từ.

Đến năm 2012, chỉ khi đến quân đội giao Viettel mới có xuất hiện việc nhân dân đi vào đây lấn chiếm.

Chủ tịch cũng lưu ý, chỉ khi đến quân đội giao đất cho Viettel gần đây mới xuất hiện việc người dân vào lấn chiếm. Căn cứ trên tài liệu điều tra của công an TP Hà Nội và chính cụ Lê Đình Kình nói, ở đây có một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi. Chủ tịch cho biết các quá trình vận động, trao đổi trực tiếp của ông với người dân Đồng Tâm đều có ghi âm, ghi hình đầy đủ và cụ Kình đều thừa nhận điều đó và việc nhân dân vào lấn chiếm.

Thủ tướng đau buồn và phẫn nộ việc 2 người Việt bị Abu Sayyaf sát hại

Trước việc hai công dân Việt Nam bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf sát hại tại Philippines, ngày 6/7/2017, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rất đau buồn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng phát biểu: "Tôi rất đau buồn và phẫn nộ khi được tin 2 công dân Việt Nam đã bị những kẻ khủng bố bắt cóc và sát hại một cách man rợ, không mang tính người".

"Những kẻ khủng bố gây ra cái chết của công dân Việt Nam phải bị trừng trị đích đáng. Tôi xin chia buồn với gia đình, người thân các nạn nhân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết, chung tay chống lại chủ nghĩa khủng bố vì sự bình yên của nhân loại, vì một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Vi phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng

Từ ngày 27 - 30/6, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp kỳ thứ 15. Ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì kỳ họp.

Theo đó, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét, thi hành kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh.

Cụ thể, trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có các vi phạm, khuyết điểm sau:

+ Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.

+ Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh.

+ Ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

- Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
 Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: Internet.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy những vi phạm nêu trên của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.

Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa - Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004-5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm:

- Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.

- Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản.

- Mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

VTV và SCIC xin rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

Bộ Tài chính có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.

Đối với dự án Tháp truyền hình, tháng 2/2015, Thủ tướng đã đồng ý cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) lập công ty cổ phần để tham dự án này.

Tuy nhiên, tại công văn ngày 22/5/2017 của VTV có nêu: “Hiện nay, VTV cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình” và đề nghị “thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty”.

Đồng thời, tại công văn nêu trên, VTV cũng nêu “SCIC chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án… không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC”.

Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
 Tháp truyền hình Việt Nam còn cao hơn cả tòa tháp huyền hình Tokyo Skytree cao nhất thế giới hiện nay (634m) là 2m.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu thực hiện dự án và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.

Về Công ty Cổ phần Tháp truyền hình, công ty này được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 3/12/2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Theo báo cáo của VTV, đến nay 3 đơn vị góp vốn mới góp được 150 tỷ đồng. Do đó, theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ.

Đối với đề nghị của VTV về việc thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Trường hợp VTV và SCIC thoái vốn theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, việc thoái vốn thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp.

Theo những thông tin đã được đưa trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập Công ty cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD dành riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.

Theo dự kiến, khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14,1ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới với chiều cao 636m.

Trước đó đại diện của VTV cho biết, tháp truyền hình sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021. Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.