Sự kiện tuần qua: Thông tin nước mắm nhiễm thạch tín là không chính xác

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đình chỉ công tác cán bộ hành hung nhân viên hàng không; Không phát hiện nước mắm có Asen vô cơ vượt ngưỡng cho phép; Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo, 2 nhân viên... là những thông tin gây chú ý dư luận trong nước tuần qua.

Không phát hiện nước mắm có Asen vô cơ vượt ngưỡng cho phép

Suốt tuần qua, dư luận trái chiều trước thông tin “nước mắm nhiễm asen” tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự việc bắt nguồn từ kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố cho thấy, có khoảng 67% mẫu nước mắm trên toàn quốc không đạt chỉ tiêu thạch tín (asen) theo quy định.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin này gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Trong đó, các chuyên gia đều khẳng định nước mắm an toàn. Ngày 22/10, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) gỡ bỏ thông tin khảo sát nước mắm trên website của mình.

Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng công bố thông tin liên quan đến chất lượng nước mắm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Bộ Y tế cũng lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm tra cho thấy, không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau.

Với kết quả kiểm nghiệm Asen: 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép của Bộ Y tế.

Như vậy, các thông tin nước mắm nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho Asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác.

Đình chỉ công tác cán bộ hành hung nhân viên hàng không

Theo Trung tâm An ninh Hàng không Nội Bài, khoảng 14h ngày 18/10, Đội An ninh cơ động nhận được thông tin từ trực ban an ninh thông báo tại phía trước điểm kiểm tra an ninh soi chiếu khu C, tầng 2 - nhà ga T1 xảy ra xô xát giữa bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh, Phó đội trưởng Đội dịch vụ hàng không chuyến bay đi với 2 hành khách.

Đội an ninh xác định hai người này là Trần Dương Tùng (32 tuổi, Hà Nội) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, Hà Nội), đều là hành khách đi trên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội - TP.HCM.

Biên bản sự việc cho biết hành khách Đào Vịnh Thuấn đã túm vai áo bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh, sau đó hành khách Trần Dương Tùng dùng tay đánh mạnh vào đầu bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh làm bà choáng váng.

 Hình ảnh vụ xô xát được camera sân bay ghi lại. 

Sau đó, Đội An ninh cơ động kịp thời có mặt yêu cầu 2 hành khách trên cùng những người liên quan về phòng trực của đội để làm việc. Sau khi bị đánh, bà Quỳnh Anh có biểu hiện choáng váng, buồn nôn. Nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn kiểm tra sức khỏe.

Tối 22/10, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết đơn vị này đã tạm đình chỉ công tác đối với thanh tra viên Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, Hà Nội), cán bộ Đội thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Nguyên nhân tạm đình chỉ là để điều tra, xác minh những thông tin liên quan đến vụ xô xát với nữ nhân viên hàng không ở sân bay Quốc tế Nội Bài hôm 18/10.

Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo, 2 nhân viên

Thông tin Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người mang chức danh trưởng phòng, phó phòng gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Cụ thể, Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có 9 phòng, ban chuyên môn; trong đó có một giám đốc, 3 phó giám đốc sở và ở mỗi phòng, ban thì có một trưởng phòng cùng 3-5 cấp phó phòng.

Đáng chú ý, có một số vị trí được bổ nhiệm trong thời gian ngắn, như trường hợp bà Vũ Thị Thu Hà được tuyển dụng công chức vào tháng 8/2015. Chỉ 3 tháng sau (1/12/2015), bà Hà đã được bổ nhiệm Phó chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.

Theo văn bản giải trình của Sở này gửi UBND tỉnh Hải Dương, số lượng trưởng phòng, phó phòng nhiều như vậy "tồn tại từ thời lãnh đạo trước".

Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo chí phản ánh việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan.

Công văn nêu rõ: Ngày 17/10/2016, báo chí có bài viết “Chuyện như đùa ở Hải Dương” phản ánh việc tuyển dụng lao động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức diễn ra một cách tràn lan thời gian vừa qua tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo nêu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/11/2016.

Máy bay quân sự rơi ở Vũng Tàu

 Hình ảnh một chiếc máy bay EC-130

7h40 sáng 18/10, một máy bay trực thăng của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632 EC-130T2 thực hiện bay huấn luyện. Đến 8h03 máy bay bị mất liên lạc tại khu vực Tây Bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25km.

Tổ lái trên máy bay gồm: Đại uý Dương Lê Minh (32 tuổi, giáo viên bay), Trung uý Đặng Đình Duy và Trung uý Nguyễn Văn Tùng (cùng 25 tuổi, học viên bay).

Công tác cứu hộ sau đó được diễn ra khẩn trương, đến chiều 19/10, thi thể 3 phi công được đưa từ hiện trường vụ rơi máy bay trên đỉnh núi Bao Quan xuống dưới chân núi rồi chuyển về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam.

Trong ngày 19/10, Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho anh Dương Lê Minh; truy thăng quân hàm từ Trung úy lên Thượng úy cho anh Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng.