Sứ mệnh của buýt BRT

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/12, tuyến buýt nhanh BRT 01 Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã đã chính thức được đưa vào vận hành.

Chuyến xe buýt BRT 01 đầu tiên khởi hành từ số 1 Kim Mã đã đón nhiều hành khách, đặc biệt trong đó có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.
Hãy nhường đường cho xe buýt
Theo Quyết định số 2885/QĐ - SGTVT của Sở GTVT Hà Nội, ngày 1/1/2017, tuyến buýt BRT đầu tiên với số hiệu 01, lộ trình: Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa chính thức đi vào vận hành, khởi đầu cho việc phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn của Hà Nội. Tuyến buýt BRT 01 không chỉ là tuyến đầu tiên của Hà Nội mà còn của cả nước; đánh dấu cho sự xuất hiện loại hình VTHKCC khối lượng lớn, góp phần cải thiện đáng kể năng lực của mạng lưới VTHKCC tại các đô thị nói chung và Thủ đô nói riêng. Có thể nói, xe buýt BRT đang mang trên mình một sứ mệnh vô cùng đặc biệt, đó là thay đổi thói quen đi lại người dân. Sự thay đổi nào cũng vấp phải nhiều trở lực, khó khăn, đặc biệt lại là sự thay đổi đối với thói quen sử dụng phương tiện cá nhân đã ăn sâu vào ý thức đại bộ phận người dân Thủ đô từ nhiều thập kỷ qua.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu cắt băng khai trương tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa sáng ngày 31/12. Ảnh: Ngọc Hải

Không ngoài dự liệu, xe buýt BRT đã phải chịu đựng một áp lực vô cùng lớn, từ dư luận trái chiều cho đến cách ứng xử, đón nhận chưa đúng mực của chính người dân Thủ đô. Nhiều người cho rằng xe buýt BRT không phù hợp với Hà Nội, rằng xe thì quá to, lưu thông trên một trục đường có mật độ giao thông cao bậc nhất Hà Nội sẽ chỉ gây thêm ùn tắc. Khi ra thực địa, làn đường riêng - điều kiện tối quan trọng cho xe buýt BRT vận hành - cũng bị nào là ô tô, nào là xe máy chiếm dụng, hạn chế đáng kể tốc độ di chuyển. Đi chậm, xe buýt BRT lại bị một số dư luận quy kết là không hiệu quả, không xứng đáng với số tiền bỏ ra đầu tư hay chỉ gây thêm ùn tắc giao thông. Nhưng, như Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Xe buýt là để phục vụ Nhân dân trong giờ cao điểm, trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Ùn tắc giao thông không phải do xe buýt mà do phương tiện cá nhân của người dân. Nếu chúng ta chịu từ bỏ xe riêng để đi xe buýt sẽ không còn cảnh ùn tắc trên bất cứ con đường nào nữa”. Hà Nội đã có xe buýt hiện đại từ lâu, nhưng đại bộ phận người Hà Nội thì chưa bao giờ có quan niệm phải nhường đường cho xe buýt. Sứ mệnh của xe buýt BRT chính là mang đến một loại phương tiện VTHKCC khối lượng lớn, đủ sức đáp ứng nhu cầu của nhiều hành khách hơn. Đặc biệt, xe buýt BRT đã khởi đầu cho việc hình thành thói quen nhường đường cho phương tiện công cộng. Chỉ khi biết ưu tiên cho xe buýt, ưu tiên cho lợi ích cộng đồng, người dân Hà Nội mới có thể tự kiến tạo cho mình một TP hiện đại, văn minh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “TP kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu đề ra ban đầu của dự án là ưu tiên tối đa cho phát triển VTHKCC, đặc biệt là VTHKCC khối lượng lớn như xe buýt BRT. Chúng tôi mong người dân sẽ hiểu, ủng hộ và đón nhận xe buýt BRT”.
Cho hiện tại và cho cả tương lai
Ngay sau Lễ khai trương tuyến buýt BRT 01 sáng 31/12/2016, lãnh đạo UBND TP, Sở GTVT, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã lên chuyến xe đầu tiên khởi hành từ số 1 Kim Mã. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: “Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân từ 15 - 20%/năm như hiện nay, nếu không thay đổi thói quen sử dụng xe riêng, tạo điều kiện cho phương tiện công cộng phát triển, chúng ta sẽ phải đối diện với tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng”. Thực tế này đã được nhắc đến rất nhiều thời gian qua, mà một trong những biện pháp tối cần thiết để giải quyết khó khăn ấy là Hà Nội phải xây dựng được một mạng lưới VTHKCC đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Một hành khách trên chuyến xe buýt BRT sáng 31/12 - chị Lê Huyền Thu (Hà Đông) chia sẻ: “Thực ra tôi cũng như nhiều người dân rất mong mỏi có xe buýt nhanh để đi, bởi đi xe riêng vừa tốn kém vừa mệt mỏi. Nhiều người cứ phản đối xe buýt BRT, nhưng tôi nghĩ, thiếu xe buýt thì họ lấy cớ để dùng xe riêng, đến khi có xe buýt lại cho rằng không đáp ứng được”.

Người dân đi xe buýt BRT tuyến Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Giang Huy

Mỗi chiếc xe buýt BRT có thể chở đến 90 người, gấp rưỡi xe buýt thường (60 người). Mỗi giờ xe buýt BRT có thể vận chuyển từ 1.400 - 1.800 lượt hành khách; xe còn có sàn đồng mức để người khuyết tật lên xuống dễ dàng. Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi giờ có 1.400 người sử dụng xe buýt nhanh BRT, mỗi ngày Hà Nội sẽ giảm được từ 10.000 - 20.000 lượt phương tiện cá nhân đi lại trên đường phố; tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí nhiên liệu; giảm hàng trăm mét khối khí thải độc hại và quan trọng nhất là đẩy lui ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian, công sức cho hàng vạn người dân Thủ đô. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng “Đường dài mới biết ngựa hay”, hãy cho xe buýt BRT những điều kiện cần thiết, nó sẽ phát huy được tối đa hiệu quả trong giao thông, góp phần hình thành nét văn minh, hiện đại cho đô thị của chúng ta. Đúng như Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải nhận định: “Chúng ta đưa phương tiện VTHKCC vào thay thế xe cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng không chỉ vì chúng ta, vì hiện tại mà còn là vì con cháu chúng ta; để thế hệ tương lai được kế thừa di sản là một TP văn minh, hiện đại, đáng sống”.
Trong các ngày 1 và 2/1, tuyến buýt BRT 01 đã vận hành được 528 lượt, đạt 100% kế hoạch. Lượng khách sử dụng dịch vụ khá đông, đạt gần 16.000 vé; bình quân 31,5 khách/lượt xe, 361,6 hành khách/nhà chờ. Phần lớn là hành khách tại Hà Nội đi để tìm hiểu về xe buýt nhanh; cho đến hiện tại chưa có phàn nàn nào từ phía hành khách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần