“Sứ mệnh kép” và vị thế độc nhất của Việt Nam

Tú Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ).

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần hai được tổ chức thành công tại Hà Nội góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Công Hùng
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tin tưởng, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt “sứ mệnh kép” mà cộng đồng quốc tế giao phó.
Đại sứ nhận định gì về vị thế của Việt Nam trong năm 2020 khi đồng thời đảm nhận hai trọng trách kể trên?
- Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch của ASEAN và thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Hai trách nhiệm này sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng cho Việt Nam để đóng góp đáng kể cho hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của toàn cầu và khu vực.
Trước khi nhận trách nhiệm kép này, Việt Nam đã có một quá trình lâu dài, dần trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua những đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau: Từ hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương... Ấn Độ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện đầy đủ các mục tiêu của trách nhiệm “song song” này.
Là một đối tác lớn của Việt Nam trong khu vực, Ấn Độ mong đợi gì từ Việt Nam như một cầu nối về việc mở rộng quan hệ Ấn Độ với ASEAN trong các lĩnh vực chính trị và thương mại?
- Việt Nam là một trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời là đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mối quan hệ song phương của chúng ta dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, cũng như sự hội tụ mạnh mẽ về các quan điểm trong vấn đề khu vực và quốc tế.
Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với ASEAN. Là đối tác chiến lược, Ấn Độ có các cam kết chính trị và kinh tế quan trọng với ASEAN, chia sẻ mối quan tâm chung về hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực chung. Dựa trên các kết nối văn minh sâu sắc của chúng ta với khu vực, được điều hướng bởi chính sách Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ấn Độ mong muốn xây dựng liên kết chặt chẽ hơn với ASEAN thông qua tăng cường kết nối, thương mại và trao đổi văn hóa.
Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự chủ trì của Việt Nam, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của New Delhi trong khu vực, những nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường cam kết với ASEAN sẽ còn hiệu quả hơn nữa.
Trong bối cảnh này, những ưu tiên trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mà Đại sứ đặt ra cho nhiệm kỳ của mình là gì?
- Việt Nam là một trong những người bạn đáng tin cậy và đối tác gần gũi nhất của Ấn Độ. Hiện hai bên đang là Đối tác chiến lược toàn diện, với nhiều lĩnh vực chúng ta đang cùng bắt tay phối hợp - từ cam kết chính trị đến quan hệ thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác quốc phòng - an ninh và giao lưu nhân dân.
Trong một bức tranh rộng lớn như vậy, rõ ràng có những lĩnh vực mà chúng ta có thể nâng cao tham vọng hợp tác, trong đó có thể kể đến quan hệ thương mại và đầu tư. Lượng du khách hai chiều đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng song phương.
Với nhiệm kỳ lần này, ưu tiên hàng đầu của tôi là tăng cường kết nối giữa hai nước. Thiếu kết nối, những cam kết của chúng ta sẽ khó đạt được tiềm năng đầy đủ.
Gần đây, những chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam đã gia tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng mà tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong việc thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế châu Á - cũng như giao lưu giữa Nhân dân hai nước.
Thứ hai, tôi muốn tăng cường mối quan hệ đối tác phát triển với Việt Nam - đã kéo dài gần năm thập kỷ. Ấn Độ muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và xích lại gần hơn với người dân Việt Nam một cách có ý nghĩa thông qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực.
Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác quốc phòng, vốn đã đa dạng hóa từ mối liên hệ truyền thống giữa quân đội hai nước đến các thực địa mới mẻ hơn như công nghiệp quốc phòng và hợp tác công nghệ.
Trong nhiệm kỳ của tôi, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN cũng như là thành viên của HĐBA LHQ. Điều này đem đến cho Ấn Độ một cơ hội quan trọng để tham vấn chặt chẽ hơn về các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Tôi cũng rất mong chờ Ấn Độ và Việt Nam liên kết chặt chẽ trong hợp tác khu vực thực tế dưới sự điều hướng của Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khoảng 40% kim ngạch thương mại Ấn Độ thông thương qua Biển Đông. Quan điểm của Ấn Độ về các tranh chấp gần đây trong khu vực này là gì?
- Quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Biển Đông là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng. Do đó, Ấn Độ có mối quan tâm lâu dài đối với hòa bình và ổn định của khu vực biển này.
Chúng tôi kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp, trong vùng biển quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Ấn Độ cũng tin tưởng rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng các quy trình pháp lý và biện pháp ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Việt Nam, để duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Xin cảm ơn Đại sứ!