Sự thật về tay nghề khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bị vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) tố cáo lợi dụng việc chữa bệnh, làm từ thiện để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, dư luận dồn sự chú ý về phía ông Võ Hoàng Yên. Trong đó, khá nhiều nghi ngờ xoay quanh tay nghề khám chữa bệnh của người tự xưng là “thần y” này.

Tỉnh Bình Thuận khẳng định ông Võ Hoàng Yên chưa đủ điều kiện mở phòng khám chữa bệnh
Liên quan đến hoạt động các phòng thuốc nam của ông Võ Hoàng Yên tại tỉnh Bình Thuận, mới đây, Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khẳng định, ông Võ Hoàng Yên chỉ là người cộng tác chữa bệnh, cơ sở Hưng An Tự (huyện Tánh Linh) và Hưng Nghĩa Tự (huyện Hàm Tân) là do người khác đứng tên.
“Ông Yên không chính thức đứng tên phòng khám nào tại tỉnh Bình Thuận. Các cơ sở trên đều do người khác đứng tên và ông Yên chỉ là người cộng tác, tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở về lĩnh vực y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt…”, ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Bình Thuận cho hay.
 Hưng An Tự (xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận), nơi ông Võ Hoàng Yên quản lý và đến hành nghề khám chữa bệnh
Cụ thể, Phước Thiện Hưng An Tự địa chỉ tại xã Gia An, huyện Tánh Linh do ông N.B đứng tên, đã hoạt động nhiều năm nay và có giấy phép hoạt động. Còn phòng thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự có địa điểm hành nghề tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân chỉ mới được cấp phép hoạt động vào đầu năm 2019 do bà L.T.T.H đứng tên.
Theo tìm hiểu của PV Báo Kinh tế và Đô thị, phòng thuốc Hưng An Tự do ông Võ Hoàng Yên lập ra năm 2013 nhưng không đủ điều kiện cấp phép nên ông N.B là người đứng tên về mặt pháp lý. Tháng 7/2017, ông Yên được Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh (tỉnh Thanh Hóa) cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp y sĩ y học cổ truyền. Đến tháng 11/2018, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận tiếp tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho ông Yên. "Chứng chỉ hành nghề của ông Yên chỉ được giúp việc chuyên môn, chưa đủ điều kiện để được tự đứng tên cấp phép hoạt động. Ông chỉ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế do người khác đủ điều kiện đứng tên" - ông Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Bình Thuận giải thích thêm.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, hằng tháng, theo quy định thì các cơ sở khám chữa bệnh phải có báo cáo hoạt động cho phòng y tế. Đồng thời, Sở này cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra từng cơ sở y tế hằng năm. Còn đánh giá về hoạt động chuyên môn hiệu quả như thế nào, như trường hợp các phòng thuốc của ông Yên thì không thể đánh giá chuyên sâu được. Tuy nhiên, từ những ồn ào của dư luận vừa qua thì sắp tới thanh tra sở sẽ có kế hoạch kiểm tra những cơ sở này.
Bình Phước chưa cấp phép khám chữa bệnh cho ông Võ Hoàng Yên
Tháng 7/2011, tại trụ sở Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội thảo cho ông Võ Hoàng Yên khám chữa bệnh để kiểm chứng tay nghề.
 Cách chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên chưa được cơ quan chức năng, nhà khoa học nào chứng kiến hay chứng nhận
Hội thảo gồm có 3 nội dung chính: Thứ nhất, ông Võ Hoàng Yên giới thiệu về quá trình học nghề của ông, giới thiệu về phương pháp xoa bóp day ấn huyệt; thứ hai, ông Võ Hoàng Yên chữa trị cho bệnh nhân; thứ ba, các nhà chuyên môn và đại biểu thảo luận về phương pháp xoa bóp, day ấn huyệt để chữa trị một số bệnh của ông Võ Hoàng Yên.
Đông đảo nhân dân đã được chính kiến ông Yên chữa trị cho 5 người bệnh ngay tại buổi hội thảo. Tuy nhiên, sau buổi hội thảo nói trên, ông Yên chỉ chữa bệnh tại Bình Phước được vài lần rồi mất hút.
Mới đây, ngày 3/3/2021, ông Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước xác nhận về việc hồ sơ của ông Võ Hoàng Yên chưa đầy đủ, nên Sở chưa cấp phép hoạt động hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn đối với ông Yên. Nếu ông Võ Hoàng Yên tổ chức khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước là không đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến dự án xây dựng Trung tâm Khám chữa bệnh và Phòng thuốc nam Phước Thiện (ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có liên quan đến ông Yên, tỉnh này cho biết đó cũng mới chỉ là dự kiến.
Thêm người tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo
Ngoài trường hợp của vợ ông Dũng "lò vôi", một người đàn ông cũng gửi đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo để chiếm đoạt mảnh đất rộng đến 19 ha ở Bình Thuận. Theo đó, ông Bùi Văn Tiếng (SN 1964, thường trú quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh nhưng hiện sống ở Bình Thuận) cho biết, mình có 1.293,8 mét vuông đất tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) do cha mẹ để lại, sử dụng ổn định nhưng chưa có số do khu đất nằm trong khu quy hoạch.
Đầu năm 2017, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn được UBND TP chấp thuận chủ trương giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây cư xá Thanh Đa nên liên hệ với ông Tiếng là người có đất trong ranh dự án để thương lượng đền bù. Sau đó, ông Tiếng ký hợp đồng đến bù nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty trên với giá hơn 31 tỷ đồng, đặt cọc trước 1.5 tỷ và sẽ thanh toán các phần còn lại khi chủ bàn giao đất và ký hợp đồng chuyển nhượng xong.
 Ông Bùi Văn Tiếng cầm trên tay lá đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo
Thời điểm này, ông Tiếng nhận ông Võ Hoàng Yên làm thầy, còn Lê Hoàng Tuyền (SN 1977, ngụ TP Hồ Chí Minh) là sư đệ đồng môn.
Sau khi biết sự việc trên, ông Yên, Tuyền họp bàn với ông Tiếng để thống nhất cách giúp đỡ chủ đất. Cuối cùng, ông Tiếng chấp nhận phương án để ông Tuyền bỏ toàn bộ chi phí lo cấp sổ đất, sau này sẽ cùng ông Yên hưởng chênh lệch giá khi mua bán khu đất trên. Ông Tuyền đã nhiều lần thay ông Tiếng đàm phán giá mua bán và sau đó ký hợp đồng với công ty địa ốc.
Lúc này, ông Yên yêu cầu ông Tiếng ký vào tờ vi bằng buộc dùng mảnh đất trên để khấu trừ nợ và cúng cho cho Chi hội Hưng Nghĩa Tự (nơi ông Yên làm thuốc) dù thực tế ông Tiếng không nợ nần gì với ông Yên.
Sau đó, 2 thầy trò Yên, Tuyền giới thiệu vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải và bà Trần Thị Phương Linh (cũng là đệ tử của ông Yên) đứng ra lo thủ tục pháp lý để cấp sổ và được ông Tiếng chấp nhận uỷ quyền. Tuy nhiên đến lúc cần tiền để làm sổ, Yên và Tuyền lại báo rằng tạm thời chưa có tiền nên mượn đỡ tạm bà Võ Thị Lộc (chị ông Tuyền, SN 1972) và thuyết phục ông Tiếng ký giấy mượn tiền bà Lộc để làm tin.
"Lúc đó tôi không biết bà Lộc là ai, giấy thỏa thuận mượn tiền không lãi họ soạn sẵn giao cho tôi ký. Tiền họ tự chuyển vào tài khoản tôi và ngay lập tức chuyển khoản cho ông Hải, bà Linh người quen của họ.
Tôi tin tưởng vào họ, nghĩ họ sẽ giúp đỡ gia đình tôi. Ai ngờ họ thông đồng nhau. Vợ chồng ông Hải, bà Linh thì bỏ trốn. Ông Tuyền, ông Yên liên tục đòi nợ tôi, ép vợ chồng tôi phải bàn giao đất trên núi tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đề cấn nợ" - ông Tiếng bức xúc chia sẻ.
Đến lúc này ông Tiếng mới nhận ra ông Yên và đệ tử bày mưu tính kế thông đồng với nhau, dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo ông ký giấy mượn tiền, và mục đích cuối cùng của họ là ép ông giao 19 ha đất núi ở Bình Thuận để khai thác đá và sang tên cho họ.