Hà Nội hào hoa, sự tinh tế vẫn đằm trong từng nết ăn, nếp ở

Hương Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đừng vội nhìn vào một số biểu hiện bề ngoài. Dù guồng quay cuộc sống có hối hả, vội vã, xô bồ hơn, thì sự tinh tế vẫn đằm sâu từng nết ăn, nếp ở của người Hà Nội. Điều đó thể hiện qua những ứng xử hàng ngày, tưởng nhỏ bé mà lắng đọng như phù sa để trở thành trầm tích văn hóa của đất Thăng Long.

 
Còn nhớ hồi bé, chưa được đến Hà Nội, nhưng qua những áng văn chương như “Gánh hàng hoa” (Khái Hưng, Nhất Linh), “Lá ngọc cành vàng” (Nguyễn Công Hoan), “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng)… tôi đã hình dung ra một Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Dù là món ăn hay thú chơi, dù là tiếng chào hay nếp sinh hoạt hàng ngày, đều toát lên chất thơ, chất nhạc. Tết đến, tôi đặc biệt thích đọc “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng. Cũng vẫn là những công đoạn chuẩn bị cỗ bàn, ăn cơm Tất niên, đón Giao thừa… nhưng qua ngòi bút ấy, hiện lên thật lung linh. 
Trong rất nhiều chuyện Ma Văn Kháng nói đến, những đổi thay về thời cuộc, về lòng người, cách ứng xử của con người với nhau và cả những xô bồ không tránh khỏi cũng được dự cảm. Nó đã xảy ra thật, để đến bây giờ nhiều người lên tiếng, thậm chí lên án những phôi phai trong ứng xử của người Hà Nội. Đâu rồi những ý tứ, khép nép dịu dàng? Đâu rồi sự kín đáo, bặt thiệp, chỉn chu giữ gìn hình ảnh của người Tràng An?...
Có nhiều điều khiến người ta phiền lòng như người Hà Nội quá dễ dãi, trang phục ở nhà cũng như đi làm, đi chơi. Vừa ăn uống vừa nói cười hê ha… Còn rất nhiều thứ khiến người ta đánh giá văn hóa ứng xử của người Hà Nội chẳng những tụt dốc mà còn tạp nham, chẳng còn “chất” Hà Nội.

Xin thưa rằng tất cả chỉ là hiện tượng chứ chưa phải bản chất. Hiện tượng đó chỉ bột phát thời gian gần đây, khi kinh tế thị trường bung tỏa, sự mở cửa mang đến nhiều thuận lợi, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Đó cũng là mặt trái của phát triển đô thị, mà nhiều nước trên thế giới đã gặp phải chứ không riêng gì Hà Nội.

Nhưng so với lịch sử hình thành phát triển cả nghìn năm, mấy chục năm hỗn độn chỉ là một lát cắt ngoại vi. Hà Nội đang trôi về tương lai theo dòng chảy của dòng sông Hồng, sông Mẹ. Tất cả những bọt bèo rong rêu bề nổi sẽ nhanh chóng bị cuốn đi, chỉ phù sa là đọng nên những bãi bồi. Những biểu hiện về lệch chuẩn văn hóa đang được điều chỉnh và dư luận hưởng ứng mạnh mẽ sẽ góp phần để quá trình thanh lọc ấy diễn ra một cách bền bỉ và quyết liệt.

Ngoài những ồn ào đáng bị phê phán thì còn những giá trị mới được xác lập. Trong mỗi ngôi nhà, bố mẹ con cái dù đã có khái niệm bình đẳng, nhưng không vì thế mà thiếu đi phép tắc và tình yêu thương. Ở những khu dân cư, đặc biệt là chung cư, người Hà Nội không biệt lập, mà vẫn giữ nếp “tối lửa tắt đèn” có nhau. Tại nhiều cơ quan, công sở không tồn tại “hành là chính” mà tận tình, chu đáo với người dân. Đây đó khắp phố phường Hà Nội hàng ngày những hành động đẹp vẫn diễn ra như lẽ tự nhiên của cuộc sống...

Nếu ai còn nghi ngờ, hãy bước ra ngoài kia, nơi người Hà Nội đang cầu kỳ chọn cho mình những cành đào, chậu quất, tỉ mỉ gọt bình thủy tiên cho nở đúng đêm Giao thừa. Hội chữ Xuân của các ông Đồ tấp nập người xin chữ nâng niu từng chữ thánh hiền.
Suốt chiều dài lịch sử, dù có những giai đoạn rất nhiều người châu Âu, Trung Hoa định cư ở đây, nhưng người Hà Nội luôn thích những gì tinh tế, thanh thoát và chọn lọc trong bữa ăn hàng ngày. Như tấm bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang ăn thanh ngọt vị đất trời, cái đậu Mơ nhỏ nhắn thanh tao ăn vào mát ruột... Đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay có biết bao nhiêu người về nhập cư mà vẫn giữ được giọng nói riêng của mình, lôi cuốn, truyền cảm có dư vị riêng của vùng Bắc Bộ.

Hà Nội ngày nay chắc chắn phải khác Hà Nội xưa và càng phải khác Hà Nội mai sau. Khi chúng ta giữ gìn những cái cũ và sống đúng, sống đẹp với Hà Nội nay, chính là góp phần tạo nên một Hà Nội đẹp hơn trong mắt con cháu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần