Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015: Nhiều quy định quá khắt khe?

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ luật Hình sự 2015 đang trong quá trình sửa đổi, lấy ý kiến các cấp, ngành liên quan.

Nhiều quy định mới của dự thảo được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên cũng có một số quy định được cho là còn cứng nhắc, quá khắt khe và làm khó cho cơ quan tiến hành tố tụng. 

Luật sư tư vấn pháp luật cho người dân quận Hai Bà Trưng.

Trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự có tình tiết người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Quy định về tình tiết giảm nhẹ nói chung và tình tiết nói trên được đánh giá là thể hiện tính nhân đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên, theo Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên thì quy định người phạm tội là người có công mới được giảm nhẹ là không hợp lý. “Bây giờ người có công còn rất ít và ngày càng ít đi, chỉ có con cháu của họ thì nhiều. Vậy có nên quy định người phạm tội là con cháu của người có công sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” - ông Phạm Minh Tuyên đặt vấn đề.
Tương tự, quy định tha tù trước hạn cũng là quy định có nhiều điểm nhân đạo. Tuy nhiên, theo Chánh án Phạm Minh Tuyên, quy định về điều kiện quá khắt khe. Đơn cử, quy định phải đã chấp hành xong phạt tiền, án phí, bồi thường dân sự mới được xem xét. Ông Tuyên dẫn chứng có những vụ trách nhiệm bồi thường dân sự rất lớn. Ở Bắc Ninh, có bị cáo đi làm thuê gây hỏa hoạn, phải bồi thường đến 10 tỷ đồng. Nếu áp vào quy định nói trên, thì nếu bị án là một người nghèo, không có tài sản, không thể thi hành phần bồi thường dân sự thì dù họ có cải tạo tốt đến mấy cũng không được tha tù trước hạn, do đó ông Tuyên đề nghị bỏ quy định này.
Tương tự là quy định về xóa án tích. Theo quy định, người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn: 3 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 5 năm; 5 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm; 7 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án... Nhiều ý kiến cho rằng quy định này dẫn đến có người “đến chết cũng không được xóa án tích” vì có nhiều vụ trách nhiệm bồi thường quá lớn. Mà theo quy định nếu họ chưa thực hiện xong thì đương nhiên chưa được xóa án tích. Do đó, ý kiến này đề nghị chỉ cần chấp hành xong quyết định về phần hình sự của bản án thì được xóa án tích để tạo điều kiện cho công dân hòa nhập cộng đồng.
Liên quan đến tình tiết định tội “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” được quy định trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu của BLHS năm 2015, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, Tòa án đã đề nghị bỏ quy định “phương tiện kiếm sống”. Ông Nguyễn Sơn dẫn chứng có gia đình có cái xe đạp chỉ giá trị 50.000 đồng để đi nhặt rác kiếm sống mà căn cứ vào đó đem truy tố là không hợp lý. Cũng trong tình tiết nói trên, theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, để chứng minh “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” thì cơ quan tiến hành tố tụng bị phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chủ quan của người bị hại, dẫn đến khó khách quan khi chứng minh tội phạm. Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành ý kiến ĐBQH về việc không quy định “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” tại các điều 172, 173, 174 và 178. Trường hợp tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng bị xâm phạm “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” thì vẫn có thể bị xử lý theo quy định.