Sửa đổi Luật Du lịch: Tạo khung pháp lý hoàn thiện cho phát triển

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến đó là thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Kết cấu khoa học hơn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, Dự luật đã kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 85 điều. Đồng thời, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản có liên quan. Về phạm vi điều chỉnh, trước một số ý kiến cho rằng còn chung chung, quá ngắn gọn, Dự luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong kinh doanh du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch. 

Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Liên quan đến xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, trước 2 phương án được đưa ra là: Theo nguyên tắc tự nguyện; hoặc nguyên tắc bắt buộc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Nên quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, để tránh tình trạng DN tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, phức tạp trong quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch, Ban soạn thảo cần bổ sung bộ tiêu chí chuẩn về xếp hạng cơ sở lưu trú vào trong Dự luật, để DN có căn cứ chính xác. Đồng thời, quy định cụ thể các chế tài cụ thể để xử lý các cơ sở lưu trú xếp hạng sai.
Nhiều ý kiến về Quỹ hỗ trợ  phát triển du lịch
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, UBTV Quốc hội cho rằng, việc thành lập Quỹ đã được quy định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Quỹ ra đời sẽ góp phần tích cực để giải quyết khó khăn hiện nay của ngành du lịch. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, Quỹ sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và cùng với một phần ngân sách để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, quy định cụ thể về mục đích, nguyên tắc hoạt động, nguồn hình thành; về tổ chức và hoạt động của Quỹ, cũng như Hội đồng quản lý Quỹ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Tuy nhiên, lo ngại về việc lập Quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phân tích, theo Dự luật thì Quỹ được hình thành từ các nguồn như: Vốn điều lệ do ngân sách Nhà nước cấp, khoản thu trích từ phí thị thực nhập cảnh của khách du lịch, khoản thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú... sẽ không phù hợp với nhiều luật khác. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thận trọng, bảo đảm phù hợp với các luật.
Đồng tình về việc thành lập Quỹ, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Phải quy định rõ, cụ thể là thuế hay phí, nếu trích thì trích bao nhiêu. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nên có đánh giá tác động, dự kiến thu bao nhiêu, chi thế nào, sự phát triển của Quỹ ra sao…: Hiện có khoảng 80 quỹ, trong đó chỉ có 50 quỹ hoạt động. Vừa qua, hoạt động của quỹ cũng phải chấn chỉnh lại, sợ quy định lỏng lẻo quá sẽ gây khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá, việc thiết kế hình thành, sử dụng Quỹ là chưa rõ, chưa đủ. Bên cạnh đó, để đảm bảo du dịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước trong những năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Du lịch (sửa đổi) phải là khung pháp lý hoàn thiện để làm cơ sở cho ngành du lịch phát triển. Nhưng Dự luật có vẻ mới quan tâm đến du lịch đô thị chứ chưa gắn với du lịch miền núi, nông thôn, bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung các chính sách đặc thù để khuyến khích du lịch phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần