Sữa học đường cần thiết cho phát triển tầm vóc của trẻ

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/10, tại buổi tọa đàm “Sữa học đường có cần thiết hay không?” do báo Nông thôn ngày nay tổ chức, TS Bùi Thị Nhung – Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sữa học được sẽ được bổ sung 3 vi chất chính là sắt, canxi và vitamin D.

 Quang cảnh hội thảo
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đầy đủ các bước xây dựng Đề án theo quy định: Bám sát cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học; tham khảo kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia trên thế giới, các tỉnh, TP đã triển khai Chương trình Sữa học đường...

Ông Tuấn cũng cho biết, đến nay đã có 11 nhà thầu đăng ký đấu thầu đưa sữa vào trường học. "Sau khi công bố kết quả trúng thầu, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát các đơn vị trúng thầu. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tổ chức tập huấn cho các trường trên địa bàn, với những người trực tiếp tham gia như nhân viên y tế, những người phụ trách bán trú... Có thể nói đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, hướng tới nâng cao tầm vóc trẻ em”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để cải thiện dinh dưỡng cho cả vòng đời: Chất lượng, sức khỏe, tầm vóc, giai đoạn cực kỳ quan trọng là 1.000 ngày đầu đời, thường gọi là 1.000 ngày vàng, quan trọng nhất giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Giai đoạn 2 là giai đoạn dậy thì, với bé gái tuổi dậy thì từ 12 - 16 tuổi, bé trai từ 14 - 18 tuổi. Trước tuổi dậy thì 1 - 2 năm, trẻ có sự tăng vọt trên dưới 10cm/năm. Để có sự tăng vọt này, phải chuẩn bị tốt nhất từ giai đoạn trẻ ở mẫu giáo và tiểu học. Bữa ăn học đường là quan trọng, sữa là một phần của bữa ăn. Vì vậy, việc bổ sung sữa học đường là điều cần thiết đối với chiến lược nâng cao tầm vóc người Việt.

TS Bùi Thị Nhung – Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nghiên cứu mới nhất của Viện cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 20 - 25 %. Ngoài ra lượng trẻ em thiếu vitamin D cũng khá lớn. Từ những nghiên cứu này, việc bổ sung vi chất trong đó có 3 vi chất là sắt, canxi và viamin D vào sữa học đường sẽ hỗ trợ trẻ chuyển hóa canxi tốt hơn. “Từ khi có quyết định của Thủ tướng là cải thiện khẩu phần 30% sắt và vitamin D, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu về tiêu chuẩn bổ sung vi chất và thực phẩm. Qua nghiên cứu và tổng hợp cho thấy, hàm lượng vitamin D, sắt và canxi cần phải bổ sung vào sữa học đường” – TS.BS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.

Trước những lo ngại của phụ huynh về chất lượng sữa học đường, TS Nhung khẳng định, so với các sữa khác thì sữa học đường sẽ được bổ sung thêm vi chất có tiêu chuẩn. Ngoài ra, mục tiêu của của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng không chỉ nguyên sữa học đường, muốn trẻ phát triển đầy đủ tầm vóc cần phải tiếp tục chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Bên cạnh đó vẫn phải triển khai chương trình phòng chống thấp còi, suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và thừa cân béo phì cho trẻ em tiểu học.

Hiện nay, sữa và các chế phẩm sữa là 1 trong 8 nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày, là một nhóm thực phẩm có mặt ở tháp dinh dưỡng của tất cả các nước trên thế giới.