Phụ huynh hoàn toàn được giám sát chất lượng sữa học đường

Thủy Trúc - Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, tại buổi làm việc với báo chí về Chương trình Sữa học đường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, thành phần các vi chất dinh dưỡng sẽ được in trên các vỏ hộp sữa. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu xảy ra vấn đề trong quá trình các em học sinh uống sữa.

Ông Tiến cho biết, thành phần sữa sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về việc giám sát thành phần Sữa học đường sẽ có các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, ví dụ như Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Viện Dinh dưỡng. Sở GD&ĐT cũng khuyến cáo, phụ huynh có điều kiện thì test, giám sát thành phần sữa. Thời hạn sử dụng sữa sẽ in trên vỏ hộp, không có chuyện sữa hết hạn sử dụng, không có chuyện sữa đóng chai thủy tinh, không tem mác.

Ông Phạm Xuân Tiến trả lời báo chí về Chương trình Sữa học đường.
Trả lời báo chí về việc tổ chức đầu thầu, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội giải trình: TP giao cho Sở GD&ĐT là cơ quan tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp sữa và xây dựng hợp đồng cung. Từ hợp đồng cung, các quận, huyện, thị xã sẽ ký hợp đồng với nhà thầu. Về giá hộp sữa, trong đề án tạm tính 6.875 đồng.
“Về sản phẩm cũng như các chất trong sữa, quy định tiêu chuẩn, chúng tôi dựa vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, đồng thời xin ý kiến của Viện Dinh dưỡng và Cục ATTP. Căn cứ vào các tiêu chuẩn đã được cơ quan chuyên môn có ý kiến và thẩm định, chúng tôi tiến hành thẩm giá, mới ra quy mô gói thầu và quy định về mặt chất lượng sữa. Dù nhà thầu nào trúng vẫn phải đảm bảo tiêu chí chất lượng sữa trong hồ sơ mời thầu” - ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Cẩn cũng cho biết, tinh thần hồ sơ mời thầu công khai, minh bạch, theo đúng Luật Đấu thầu. Tiêu chí hồ sơ mời thầu đưa ra là phải lựa chọn đơn vị cung cấp sữa chất lượng, khả năng đáp ứng được quy mô của TP. Như vậy, nhà thầu phải có năng lực về tài chính, chuyên môn và giá.
Về mức giá sữa, Sở GD&ĐT quan tâm đến 2 nội dung, thứ nhất là mức hỗ trợ. Trong đề án của TP nêu mức hỗ trợ tối thiểu của đơn vị trúng thầu là 20%, ai hỗ trợ nhiều hơn thì sẽ được ưu tiên. Thứ hai là giá gói thầu (giá hộp sữa), đơn vị nào bỏ thấp nhất thì được ưu tiên. Giá này quy định trong hồ sơ mời thầu bao gồm tất cả chi phí đến tay học sinh sử dụng, từ vận chuyên, gom vỏ hộp, tập huấn cho giáo viên xử lý vỏ hộp sữa sau khi các em uống xong để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay đã có 11 nhà thầu tham gia đấu thầu. Theo quy định, đến ngày 1/10 sẽ hết thời hạn nhận hồ sơ mời thầu, nhưng UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Y tế về tiêu chuẩn giá sữa và ngày 21/9 nhận được trả lời. Vì thế, thời hạn nhận hồ sơ đấu thấu sẽ kéo dài đến ngày 10/10.
Trước câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về việc trẻ mầm non và học sinh tiểu học có nhu cầu sữa có vi chất khác nhau, nên rất cần uống sữa phù hợp, ông Cẩn phản hồi: "Về lứa tuổi, nguyên tắc bài thầu là phải theo các cơ quan pháp lý về chuyên môn. Hiện nay, các tiêu chuẩn trong sữa, chúng tôi dựa vào văn bản của Viện Dinh dưỡng. Tôi tin, Viện Dinh dưỡng đã tính toán đến các lứa tuổi".
Về lo ngại nếu xảy ra sự cố khi học sinh uống sữa, ông Cẩn cho biết: Đầu tiên nhà thầu phải chịu trách nhiệm; sau đó, các cơ quan nghiên cứu kết luận mới phân xử rõ. Còn việc đăng ký uống sữa là do tự nguyện. Những cháu không uống được sữa thì không thể bắt ép tham gia. Về quy mô gói thầu, các nhà thầu nghiên cứu và liên doanh liên kết với nhau để đảm bảo cung cấp sữa cho số học sinh tham gia chương trình.
Trước câu hỏi phụ huynh có thể tham gia giám sát con uống sữa, ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay: “Quy định Sữa học đường thì phải uống ở trường, phụ huynh có thể đến trường vào giờ các cháu uống để kiểm soát xem con mình uống thế nào có uống hết hay không. Phụ huynh hoàn toàn có thể lấy nguyên cả hộp sữa đi test các thành phần trên vỏ hộp. Nhà cung cấp thì phải đảm bảo các thành phần quy định và cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát việc đó”.