Sửa luật để quản lý xe trá hình

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/4, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã tổ chức thông tin báo chí về công tác xử lý xe khách trong quý I/2018.

Tại buổi thông tin báo chí, lãnh đạo Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội kiến nghị các đơn vị có thẩm quyền, xem xét sửa đổi các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả xử lý xe khách trá hình.
Xe khách núp bóng xe… đám ma
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong quý I/2018, các đơn vị thuộc Phòng đã kiểm tra, xử lý 2.321 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 6 phương tiện, 2.278 bộ giấy tờ. Trong đó, vi phạm tập trung vào các lỗi như; Dừng, đỗ sai quy định, 1.628 trường hợp; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy, 347 trường hợp; chở quá số người quy định, 49 trường hợp; đón, trả khách không đúng nơi quy định, 68 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông 80 trường hợp; sai làn đường, 12 trường hợp; chạy quá tốc độ quy định, 17 trường hợp…
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cũng theo lãnh đạo Phòng CSGT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý xe khách trá hình hiện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, lãnh đạo Đội Tham mưu - Phòng CSGT cho biết, hiện các DN vận tải hành khách “lách luật” bằng cách thay vì bán vé cho hành khách, các nhà xe cấp cho hành khách phiếu thu hoặc phiếu theo dạng Voucher du lịch. Thậm chí, nhiều nhà xe còn hướng dẫn hành khách cách trả lời khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Chưa hết, nhiều trường hợp xe hợp đồng núp bóng để chạy theo hình thức tuyến cố định, nhưng ngụy trang thành xe phục vụ đám tang, đám cưới không có hợp đồng vận tải và danh sách theo quy định.
Bên cạnh đó, các văn phòng đại diện của các nhà xe đều có Giấy phép hoạt động do Sở KH&ĐT cấp, Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT cấp. Một số văn phòng đại diện tại các vị trí không có biển cấp dừng, đỗ hoặc trong các ngõ nhà, khu đô thị. Xe khách của các văn phòng “lấy cớ” đến lấy tài liệu, lịch trình, hợp đồng… để đón trả khách. Ngoài ra, hiện một số DN vận tải, lái xe khách thường thông tin, móc nối với các lái xe ôm, đối tượng cò mồi… theo dõi, tìm hiểu vị trí, tuyến TTKS của CSGT để thông báo cho các xe khách khác để thay đổi lộ trình, trốn tránh phát hiện, kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định 86
Liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý xe khách trá hình, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, việc đầu tiên là Công an các quận, huyện, thị xã cần phải tổ chức điều tra cơ bản, thống kê các điểm “xe dù, bến cóc” đặc biệt là các văn phòng đại diện của các DN vận tải có trụ sở trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật. Đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP quản lý chặt chẽ việc cấp phù hiêu hợp đồng và giấy phép kinh doanh vận tải đối với các DN, không để các phương tiện, DN hợp thức hóa hợp đồng để “trá hình”, chở khách như chạy tuyến cố đình. Tước Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu hợp đồng khi các phương tiện và DN cố tình vi phạm.
Cùng với đó, lãnh đạo Phòng CSGT - Công an TP đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở GTVT làm nghiêm công tác quản lý thông tin xe hợp động vận chuyển theo đúng quy định. Kịp thời cung cấp danh sách hành khách, thông tin của xe hợp đồng cho lực lượng CSGT, các lực lượng chức năng khi có yêu cầu. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tạo căn cứ pháp lý để lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nghiên cứu phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, TP kiến nghị Bộ GTVT thành lập trang web tra cứu thông tin hợp đồng vận chuyển. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống biển báo cấm dừng đỗ, biển hạn chế tốc độ tối thiểu tại các tuyến đường xung quanh các bến xe, các tuyến đường thường xuyên xuất hiện tình trạng xe "rùa bò". Cùng với đó, tăng cường giám sát, xử lý thông qua hệ thống camera.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần