Sửa luật để thu hút nhân tài kiến quốc

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi hai Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức (VC) và được Bộ Nội vụ đưa ra với nhiều đề xuất đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới chuyên gia cho đến CBCCVC - đối tượng trực tiếp nằm trong diện điều chỉnh, áp dụng.

Công chức bộ phận một cửa quận Long Biên giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Hải
Thu hút người tài: Quan trọng là môi trường làm việc tốt
Một nội dung gây nhiều chú ý từ Dự thảo sửa đổi Luật CBCC lần này là sửa đổi quy định tại Điều 6 về chính sách với người có tài năng theo hướng Chính phủ chỉ quy định khung cơ chế, chính sách trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành địa phương căn cứ điều kiện cụ thể để quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người tài. Theo nhiều ý kiến, như vậy giúp mở rộng chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, thu nhập cao hay thấp chỉ là một yếu tố, mà quan trọng nhất phải là môi trường làm việc. “Có tiền lương, CBCC mới tái sản xuất sức lao động; nhưng tiền lương không phải tất cả. Nếu không tạo điều kiện phát triển, môi trường làm việc bình đẳng, họ không được tôn trọng thì đơn vị đó cũng không giữ được người tài, sẽ chảy máu chất xám” - nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An phân tích.
Luật phải rõ khái niệm, tiêu chí thế nào là “người có tài năng”? Công chức hay viên chức đều phải tinh hoa. Nhưng nếu không được chọn đúng thì viên chức cũng hỏng, công chức cũng hỏng.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Đồng quan điểm sửa đổi chính sách thu hút người có tài như vậy sẽ tạo chủ động cho địa phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh còn cho rằng, có một thực tế hiện nay đó là thường người giỏi không thích vào khu vực Nhà nước mà thích nơi thu nhập cao, môi trường làm việc tốt hơn. Trong khi có nhiều người muốn “làm Nhà nước” vì có tính ổn định, dù lương thấp hơn. Đó là hai mặt của vấn đề, nên vừa phải cải cách hành chính để tinh giản, loại khỏi bộ máy Nhà nước những người không làm được việc, vừa để thu hút thêm người giỏi” - ông Dĩnh nói. Đồng thời cho rằng: Ở Hà Nội năm nào cũng tôn vinh, trải “thảm đỏ” với thủ khoa nhưng thực tế chỉ hút được khoảng 10% thủ khoa vào khu vực công. Nên khi sửa đổi quy định thu hút người tài, cần đặc biệt lưu ý có chính sách tạo môi trường lao động tốt để họ có điều kiện cống hiến…

Bên cạnh đó, một nội dung cũng thu hút nhiều sự quan tâm là đề xuất bổ sung vào quy định kỷ luật với CBCC đã nghỉ việc/nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, đồng bộ với kỷ luật đảng, nhằm xử lý nghiêm người có sai phạm. Với hai phương án đưa ra và thời hiệu xử lý, nhiều ý kiến đề nghị không chỉ từ Thứ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP và tương đương, mà phải xử lý tất cả để tạo công bằng. Theo ông Dĩnh, việc xử lý vi phạm phải vừa từ góc độ công dân vừa từ góc độ CCVC, và không chỉ Thứ trưởng/Phó Chủ tịch mới có quyền quyết định nhiều việc mà nhiều Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở, thậm chí Phó trưởng phòng, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư, tổ chức cán bộ, đất đai… thì nhiều chuyên viên cũng có quyền nhất định. Hơn nữa, “nếu bỏ yếu tố “vị trí” thì vẫn có người dám/muốn tham nhũng; song nếu quy định dù đã về hưu vẫn bị xử lý, họ sẽ không dám vi phạm. Về thời hiệu xử lý, dự thảo đề xuất nâng từ 24 tháng lên 60 tháng nhưng tôi quan điểm kể cả vô hạn, cứ phát hiện vi phạm là phải xử lý”- ông Dĩnh khẳng định.
Công chức UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) tiếp nhận giải quyết TTHC cho công dân. Ảnh: Linh Chi 
Không nên quy định riêng với công chức cấp xã

Theo nhiều cán bộ cơ sở, sửa đổi Luật CBCC là rất cần thiết bởi sẽ góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ. Dù vậy, các ý kiến đề xuất khi xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC cần quan tâm hoàn thiện quy định về vị trí việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm. Đồng thời, có quy định nội dung đánh giá, phân loại CBCC theo hướng định lượng cụ thể; quy định về thẩm quyền đánh giá CBCC trong Luật, để đảm bảo thống nhất trong đánh giá.

Từ thực tiễn cơ sở, Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lưu Xuân Trịch cho rằng: Rất cần quy định thống nhất một loại công chức trong hệ thống chính trị chứ không nên có quy định riêng với công chức cấp xã. Bởi đội ngũ công chức cấp xã là những người hàng ngày phải trực tiếp giải quyết công việc của người dân. Hơn nữa, ngày càng có xu hướng phân cấp mạnh mẽ giữa T.Ư và địa phương, nhất là với những công việc giải quyết hàng ngày cho người dân. Do đó, “công chức cấp xã phải được quy định bình đẳng, thống nhất với đội ngũ công chức khác trong hệ thống chính trị” - ông Trịch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến CBCC cơ sở đề nghị đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập song song với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các đơn vị này. Ngoài ra, cần thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn với những viên chức được tuyển dụng mới (trừ đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn), cũng như quy định thống nhất chế độ với viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc và liên thông trong chuyển đổi giữa viên chức với CBCC, giữa CBCC với viên chức.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội): Cần tính đến vấn đề đạo đức công vụ

Với Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật CBCC, xung quanh đề xuất bổ sung vào quy định kỷ luật với CBCC đã nghỉ việc/nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, đồng bộ với kỷ luật Đảng, tôi cho rằng rất cần thiết, song chúng ta cũng cần học tập nhiều nước khác trên thế giới để kèm theo quy định về xử lý vi phạm thì phải quy định rõ về “đạo đức nghề nghiệp” và “đạo đức công vụ”.

Theo tôi, những người đã tham gia bộ máy Nhà nước, “ăn lương” Nhà nước thì không chỉ phải chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước mà còn cần chấp hành nghiêm đạo đức công vụ. Còn với những người làm ở các tổ chức đoàn thể, xã hội (Hội Luật sư, Hội Nhà báo…) cần tuân thủ “đạo đức nghề nghiệp”. Hai khái niệm này cần được phân biệt rõ: Một CBCC có “đạo đức công vụ” là chỉ được làm những gì mà luật cho phép, còn CBCC có “đạo đức nghề nghiệp” là người phải có chuyên môn, tâm huyết với nghề. Hai điều này phải được quy định rõ ngay từ trong luật để mọi người dân trong xã hội trước khi xác định công tác trong mỗi cơ quan Nhà nước đều nhận thức rõ phải chịu trách nhiệm về những việc mình đang làm, mà muốn làm việc được tốt thì trước hết phải tuân thủ đúng luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần