Sửa Luật Quản lý thuế: Rõ quyền, rõ trách nhiệm

Hà Lâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Trần Quang Chiều - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, sau thời gian lấy ý kiến, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã khắc phục nhiều hạn chế so với Luật hiện hành, trong đó, sửa đổi, bổ sung về quyền của người nộp thuế và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế.

Ông Trần Quang Chiều - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi mới nhất đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu, cơ quan ban ngành liên quan. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của Dự thảo?
- Có thể nói, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có nhiều nội dung được tiếp thu chỉnh lý để bảo đảm phù hợp với yêu cầu mới về quản lý thuế. Trong đó, có quy định sửa đổi, bổ sung về quyền của người nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, các bộ, ngành liên quan trong quản lý thuế; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế; bổ sung các quy định về chống chuyển giá...
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật đó là cho phép người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp, tự quyết toán và phải tự chịu trách nhiệm về số thuế phải nộp. Đồng thời cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra để xác định số thuế phải nộp theo quy định, không phân biệt quy mô DN. Trong trường hợp giải thể, phá sản DN, người nộp thuế phải có trách nhiệm quyết toán, gửi cơ quan thuế xác nhận. Việc thực hiện cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người nộp thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý thuế và tăng cường công tác hậu kiểm. Đây là xu hướng chung của nhiều nước trong quản lý thuế hiện nay.
 Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng 
Thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử là câu chuyện đang được nói đến thời gian qua. Vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này có thêm những giải pháp nào để quản lý thuế khu vực thương mại điện tử, thưa ông?
- Theo tôi, việc luật hóa quản lý các giao dịch thương mại điện tử là điểm mới, tiến bộ và phù hợp với xu thế hội nhập. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Thực tế ngành thuế và hải quan đã và đang thực hiện việc khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… Giao dịch điện tử bước đầu đã đạt được hiệu quả rất tích cực.
Các quy định về thương mại điện tử trong dự thảo Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể, các quy định trong Dự thảo về quy chế phối hợp với ngân hàng thu thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử... đã giúp hạn chế tình trạng thất thu thuế lĩnh vực này. Quy định này cũng giúp cơ quan quản lý thuế quản lý hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực thực hiện tại Việt Nam chưa đồng bộ, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, việc triển khai các giao dịch thuế điện tử, trong đó có hóa đơn điện tử đã phù hợp hay chưa?
- Đúng là tại nhiều vùng, cơ sở hạ tầng, kết nối công nghệ còn nhiều hạn chế và chưa có thể triển khai ngay giao dịch điện tử trên diện rộng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chưa đặt ra vấn đề này. Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Đồng thời, qua tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định thời điểm hiệu lực đối với hóa đơn điện tử trong lĩnh vực thuế chậm nhất là 2 năm sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Việc kéo dài thời điểm có hiệu lực của quy định này nhằm bảo đảm cho việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân sự phục vụ công tác triển khai quy định này hiệu quả hơn, tránh lúng túng khi bắt tay thực hiện trên thực tế. 
Xin cảm ơn ông!

"Việt Nam đã ký 77 hiệp định tránh đánh thuế trùng với các quốc gia trên thế giới (trong khi Thái Lan ký 61 hiệp định, Singapore ký 100 hiệp định và Malaysia ký 74 hiệp định), điều này chứng tỏ Việt Nam rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta nên đẩy mạnh “thu tại nguồn” để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này." - Giám đốc điều hành của ICHAM (Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam)Phạm Hoàng Hải


"Hiện cả nước có 105 DN cung cấp dịch vụ kế toán, nhưng chỉ có 39 DN có đủ điều kiện kinh doanh cung cấp dịch vụ kế toán và đang phục vụ gần 5.000 khách hàng. Trong khi đó, DN nhỏ và siêu nhỏ lên đến 520.000 đơn vị. Vì vậy, việc cho phép các đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán cho các DN nhỏ và siêu nhỏ là cần thiết. Tuy nhiên, để đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán đề nghị sửa đổi cả Luật Kế toán, thay vì Luật Quản lý thuế, có như thế mới tránh xung đột và trái luật…" - Đại diện Hội Kế toán hành nghề Việt Nam Mai Thanh Tòng