Sức hút kỳ lạ!

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả cuộc “Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15 - 29 tuổi” do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được đưa ra.

Trong đó, một con số khiến nhiều người chú ý là gần 2/3 sinh viên trong năm 2015 được hỏi cho biết thích làm việc trong khu vực Nhà nước, với lý do chủ yếu là do sự hấp dẫn của công việc ổn định trong khu vực này.
Dù chỉ mang tính tham khảo, nhưng con số và lý do lựa chọn một lần nữa vấn đề lại được đặt ra với “sức nặng” bộ máy của khu vực Nhà nước.
 Ảnh minh họa
Thực tế hiện nay, trong khi không ít người không muốn lựa chọn cơ quan Nhà nước, họ sẽ chọn công việc năng động, phù hợp với năng lực bản thân, nhưng một bộ phận lớn vẫn nhìn vào khu vực Nhà nước như một đích đến trong tương lai sau quá trình học hành. Bởi thế, mỗi lần bàn đến câu chuyện tiền lương hay việc làm của khu vực này, nhiều ý kiến lại băn khoăn, tại sao luôn nói lương Nhà nước thấp, chỉ đủ cho 40% nhu cầu cuộc sống, mà ai ai cũng muốn “chen chân” vào. Và rồi, có tới 30% công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", thế nhưng, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng "chạy" bằng mọi cách để được vào làm tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Điều gì đã đem lại sự "hấp dẫn" và "sức hút" kỳ lạ đến vậy?
Vấn đề này đã từng được phân tích mổ xẻ. Đúng như lý do khiến 2/3 sinh viên lựa chọn ở trên. Bởi khi được vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, cán bộ, công chức sẽ được hưởng lương hết cả cuộc đời. Việc này khiến họ yên tâm vì biết tương lai của mình, và sẽ càng ổn định hơn nếu được vào biên chế. Và một lý do có lẽ ít khi được nói đến, nhưng vẫn tồn tại là dù hiện nay không ít người yếu kém về chuyên môn, không có đủ trình độ, năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không mấy người bị… đuổi việc
Rồi tình trạng làm Nhà nước ổn định giờ giấc, không quá bận rộn, nên có thể “chân trong chân ngoài”. Rồi tình trạng mượn giờ công, tài sản công làm việc tư diễn ra khá phổ biến trong giới công chức, viên chức không phải là cá biệt. Hoặc lợi dụng công việc có liên quan với lĩnh vực mình đang phụ trách, vì vị trí công tác có điều kiện nắm chắc thông tin để “kiếm ngoài” cũng là lý do được kể đến… Nên dù lương thấp, nhưng từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau, không phải ai vào làm Nhà nước cũng “nghèo”.
Để triệt tiêu tư tưởng vào Nhà nước để ổn định, để “ấm chỗ” không phải dễ, nếu không giải quyết được những vấn đề hiện nay, không triệt tiêu được một bộ phận không nhỏ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Hiện cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Nhiều người hy vọng rằng, sẽ góp phần sàng lọc bộ máy. Nhưng thực tế cũng không dễ, bởi do nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác” nên việc tinh giản cũng chưa thực sự được như mong muốn. Cùng với đó, phải xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy, phù hợp năng lực và có hiệu quả. Để khi nhìn vào khu vực Nhà nước, không còn chỉ thấy sức hấp dẫn ở sự ổn định hay những lý do không liên quan đến năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc nữa.