Sức lan tỏa của không gian dân ca Ví, Giặm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau Lễ vinh danh và đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vinh, Nghệ An) vào cuối tháng 1/2015, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã bắt tay triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển và mở rộng không gian loại hình văn hóa độc đáo này.

Bảo tồn và phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc xác định: Việc bảo tồn và phát triển cũng như mở rộng không gian dân ca Ví, Giặm hiện đang được 2 tỉnh thực hiện bằng việc làm cho nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhiều không gian, thời gian. Đó là việc thành lập các CLB dân ca ở khắp các địa phương trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để tập hợp các nghệ nhân hát dân ca, trên cơ sở đó, đưa dân ca ví, giặm trở về với cộng đồng, với cuộc sống thường ngày của người dân.

Ngành văn hóa cũng tăng cường đưa dân ca vào trong trường học; đẩy mạnh phong trào toàn dân hát dân ca, duy trì thi liên hoan dân ca hằng năm ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và tổ chức thi hát liên tỉnh hai năm một lần. Đồng thời, tiếp tục công tác sưu tầm, chưa thống kê, bảo tồn vốn di sản dân ca ví, giặm...

Địa phương cũng kêu gọi các cá nhân, tập thể, tổ chức bằng các khả năng vốn có hãy chung tay cũng tỉnh nhà mở rộng không gian Ví, Giặm ra khỏi địa bàn để cộng đồng bạn bè trong nước và quốc tế được dịp thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này.
 
Lễ vinh danh và đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Lễ vinh danh và đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Từ những ngôn ngữ  đời thường “mô, tê, răng, rứa” tưởng chừng như chẳng thể nào sáng tạo nên những giai điệu đằm thắm của thể loại nhạc đồng quê nhưng người dân địa phương đã cho ra đời nhiều thể loại như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên.

Trải qua bao thăng trầm của mảnh đất miền Trung Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã tồn tại và gắn bó với người dân xứ Nghệ hơn 400 năm. Lời ca, tiếng hát và giai điệu ấy giờ đã như máu thịt, ăn sâu vào tính cách của người lao động.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc đều phải thừa nhận: Không phải nơi đâu, đất thốt ra những giai điệu mềm mại, sâu lắng và ngân xa để rồi vượt ra khỏi ranh giới Nghệ An, Hà Tĩnh. Để rồi không cần hiểu lời, người dân các vùng miền khác trên Tổ quốc và  bạn bè quốc tế vẫn thấm được cái tình, cái nghĩa của điệu hò, điệu ví, cái ân tình sâu lắng của đất và người nơi đây.

Điều khá đặc biệt là làn điệu, âm hưởng và lời ca của nó đã được các nghệ nhân truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đến với xứ Nghệ, bất cứ khung giờ nào, làng xã nào bạn cũng có thể lắng nghe giai điệu đồng quê được vút lên từ một em bé, người già, đôi khi lại là các thanh nam nữ tú.

Hiện nay, đã có hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, dặm; có hơn 800 nghệ nhân ở hai tỉnh; các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm.

Các  nghệ nhân, nghệ sỹ như Đức Duy, Song Thao, Xuân Năm, Thanh Bảng, Tiến Dũng, Hồng Lựu…và nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân khác đã dành cả cuộc đời mình đem lời ca tiếng hát đưa Ví, giặm lan tỏa khắp các vùng miền trên Tổ quốc.

Các nhà quản lý văn hóa, các nhạc sĩ Nguyễn Trung Phong, Lê Hàm, Vi Phong, Thanh Lưu, An Thuyên, Hồ Hữu Thới, Thanh Tùng…đã đổ nhiều thời gian công sức sáng tác nhiều tác phẩm mới dựa trên nền Ví, Giặm. Hàng loạt nghiên cứu, sưu tầm đã được đúc kết và in thành sách: Hát Giặm Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi), Hát phường vải (Ninh Viết Giao), Nguyễn Chung Anh – Hát ví Nghệ Tĩnh, Dân ca Nghệ Tĩnh (Vi Phong) để Ví, giặm có điều kiện vượt ra khỏi lũy tre làng, xuất hiện ở các thành phố lớn và vươn ra khỏi biên giới.

Đưa làn Ví, Giặm đến với đất Thăng Long

Ngay những đầu Xuân Ất Mùi, giai điệu mềm mại, sâu lắng của những làn Ví, Giặm lại được ngân lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long. Hội cựu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu tại Hà Nội, đã lên kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu “ Ân tình Ví, Giặm” tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) vào đêm 7/3/2015.

Đến với không gian này, người dân Thủ đô có dịp được thưởng thức các tiết mục do các nghệ nhân, nghệ sĩ của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca  xứ Nghệ do NSND Hồng Lựu phụ trách. Dưới bàn tay tài hoa của tổng đạo diễn chương trình nhạc sĩ An Thuyên các tiết mục được dàn dựng công phu, ấn tượng. Người xem sẽ có dịp được thưởng thức các giọng ca đã thành danh: NSND Hồng Lựu, Thành Lê, Vành Khuyên, Bùi Lê Mận, Đăng Thuật, các nghệ nhân: Khánh Cẩm, Hồng Vân,…Các cựu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An) đã vận động quyên góp hàng trăm triệu đồng để thực hiện chương trình và ủng hộ các CLB Ví, Giặm đang hoạt động tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.

Được biết, trước đó trong khuôn viên trường chuyên Phan Bội Châu (thành phố Vinh, Nghệ An) các nghệ sĩ, các em học sinh yêu Ví, giặm đã tổ chức thành công đêm công diễn “ Ân tình Ví, Giặm” được người xem đánh giá cao. Sắp tới, Hội đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh tại Hà Nội còn dự định tổ chức đêm Ví, Giặm tại Thiên đường Bảo Sơn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bà con Thủ đô.

Một điều chắc chắn, một khi đã được cộng đồng quan tâm, không gian của dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh sẽ còn được rộng mở và lan tỏa.
Ngày 27/11/2014, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể (UNESCO) diễn ra tại Paris (Pháp) đã công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần