Sức lay động của tuyên truyền viên nhí

Nguyễn Văn Trọng
Chia sẻ Zalo

Có một thói quen xấu mà tôi đã từ bỏ lâu nay, đó là vượt đèn đỏ. Điều thú vị là người tác động tích cực và hiệu quả nhất khiến tôi tuân thủ tốt hơn Luật Giao thông đường bộ lại chính là cô con gái 5 tuổi mà tôi vẫn thường gọi là tuyên truyền viên giao thông nhí của gia đình.

Bố ơi đèn đỏ kìa!
Cô bé Khánh Nhi đang học tại trường Mầm non Vạn Phúc (quận Hà Đông). Từ khi lên 4, Khánh Nhi đã được tham gia các tiết học về ATGT, chấp hành các quy định của luật khi tham gia giao thông. Kể từ khi biết một số quy định cơ bản nhất trong Luật, Khánh Nhi thường xuyên nhắc nhở bố, mẹ, ông, bà: “Thấy đèn vàng phải dừng lại; nhường đường cho người đi bộ; giúp đỡ người già qua đường…”. Trước đây, những khi bận bịu, vội vàng hoặc lúc vắng bóng CSGT tại các ngã ba, ngã tư, nhiều lúc tôi cũng “nhắm mắt lao bừa” để vượt đèn đỏ. Trong một lần đưa Khánh Nhi đi học buổi sáng sớm, thấy đèn chuyển màu đỏ, cháu nhắc tôi: “Bố ơi đèn đỏ kìa”. Phần vì đang vội, phần vì nghĩ cháu còn nhỏ, chưa hiểu nhiều nên tôi chỉ cười và “lướt nhanh” qua ngã tư. Không ngờ Khánh Nhi giận dỗi nói: “Bố vượt đèn đỏ rồi. Cô giáo con bảo vượt đèn đỏ là xấu, là không ngoan. Hôm nay con sẽ mách cô giáo là bố vượt đèn đỏ”. Tôi sững sờ cảm thấy như mình vừa làm một điều gì có lỗi với con, khiến cháu thấy xấu hổ và giận dỗi.

Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông khi đưa con đi học. Ảnh: Quỳnh Linh

Kể từ hôm đó, mỗi khi đưa cháu đi đâu tôi đều rất chú ý đèn tín hiệu giao thông. Mỗi khi thấy đèn chuyển vàng, Khánh Nhi lại nhắc: “Đèn sắp đỏ rồi đấy bố nhá”. Lâu dần, không chỉ chấm dứt hẳn hành vi vượt đèn đỏ mà ngay cả cách tham gia giao thông của tôi cũng trở nên từ tốn và ý thức hơn. Tôi cảm nhận một cách thực tế, không hề lý thuyết câu nói: “Người lớn là tấm gương của trẻ nhỏ”, mỗi hành động, lời nói của mình sẽ góp phần tự nhiên tạo nên tính cách và phẩm chất đạo đức của trẻ. Hơn nữa, khi các cháu được giáo dục giao thông từ rất sớm trong nhà trường, nắm được một số quy định cơ bản, các cháu sẽ là tấm gương soi hành vi của chính người lớn. Có ông bố, bà mẹ nào lại muốn con mình phải xấu hổ vì hành vi vi phạm giao thông của mình? Hay bị con dọa sẽ “mách cô” vì vượt đèn đỏ? Cũng từ khi đó, gia đình tôi phong cho Khánh Nhi là “Cán bộ tuyên truyền giao thông nhí”. Đem câu chuyện này chia sẻ với hàng xóm, tôi mới biết, hầu như mỗi gia đình đều có cán bộ nhí riêng của mình. Những thói quen xấu khi tham giao thông đang dần bị lực lượng cán bộ tuyên truyền đặc biệt này đẩy lui khỏi đời sống thường ngày.
Lắng nghe và động viên
Một người bạn thân nói với tôi: “100 năm nữa, khi các thế hệ người Việt được giáo dục tốt về ý thức giao thông thì mới hết ùn tắc và hạn chế được tai nạn”. Câu nói này khiến tôi băn khoăn. Hiện nay chương trình giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông đã được đưa vào hầu hết các trường học từ mầm non đến các cấp học cao hơn. Những đứa trẻ 4, 5 tuổi cũng đã biết phải dừng khi đèn đỏ, nhường đường cho người đi bộ…, biết nhắc nhở bố, mẹ mình tham gia giao thông một cách có ý thức. Liệu có cần phải đến 100 năm nữa để xóa bỏ những thói quen xấu đang tồn tại nhức nhối trong văn hóa giao thông của người Việt ta?
Những bài học trong nhà trường đã góp phần tích cực hình thành nền tảng ý thức chấp hành luật giao thông từ sớm cho lớp công dân tương lai. Không chỉ thế, đó còn là một trong những biện pháp tuyên truyền tốt nhất, hiệu quả nhất đối với xã hội hiện nay. Nếu như các trường học có thêm nhiều hoạt động giáo dục kết hợp giữa phụ huynh và học sinh hơn, chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Ví như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông cho cả gia đình học sinh, hay tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa tuyên truyền ý thức giao thông có sự tham gia của cả phụ huynh… Bên cạnh đó, mỗi gia đình, mỗi phụ huynh cần khuyến khích, động viên con em mình tìm hiểu luật giao thông, tham gia giao thông một cách chuẩn mực và an toàn. Việc làm đó chính là bảo vệ con em mình trước những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào khi đi lại trên đường. Mặt khác, nó còn có tác động tích cực tới việc hình thành nhân cách, ý thức cộng đồng cho trẻ nhỏ. Ngược lại, những lời nhắc nhở, cảnh báo của trẻ nhỏ lại chính là nguồn động viên, khích lệ đối với người lớn để dần từ bỏ những thói quen xấu khi tham gia giao thông hàng ngày.
Những người làm công tác quản lý, điều hành giao thông đã tìm ra một lực lượng tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông rất hiệu quả là trẻ nhỏ. Vấn đề chỉ là người lớn có chịu lắng nghe, có chịu từ bỏ những thói xấu để trở thành tấm gương cho con cái mình noi theo và tự hào hay không mà thôi.