50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Sức mạnh cộng hưởng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca Mậu Thân 1968 vẫn vang mãi giai điệu tự hào trong lòng các thế hệ. Dưới góc nhìn khoa học lịch sử và các nhân chứng, kết quả của cuộc Tổng tiến công là sự hòa quyện của thế và lực, của điều kiện vật chất, tinh thần và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nước và quốc tế.

Quyết định sáng suốt

Khẳng định chủ trương đúng đắn và quyết tâm của Đảng, quá trình chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công, qua nghiên cứu, PGS.TS Vũ Quang Hiển (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nhận định: Trên cơ sở nắm chắc diễn biến, đồng thời nhận định chính xác khả năng phát triển của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, cũng như cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của miền Bắc; Nhận rõ sự lúng túng, tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Mỹ và tình hình chiến sự, Bộ Chính trị đã quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm đập tan ý chí xâm lược và buộc Mỹ phải thất thủ ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc.
 Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 (ảnh tư liệu)
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị cũng cho rằng, điểm nổi bật trong chỉ đạo chiến lược của Đảng là xác định phương pháp tiến công táo bạo với cách đánh hoàn toàn mới: Tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Đồng thời lựa chọn thời cơ đúng để đạt hiệu quả cao; lựa chọn đúng hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đô thị, nơi tập trung cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn; tổ chức lực lượng gây bất ngờ cho đối phương… “Đây là quyết định sáng suốt, được thể hiện ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã tạo ra một sự thay đổi đột biến về cục diện chiến tranh trên cả 3 mặt: Chiến lược, lực lượng và chính trị, mở ra giai đoạn mới “vừa đánh, vừa đàm”" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo nhận định.
Sức mạnh tổng hợp
Các nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra, kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sức mạnh cộng hưởng của thế và lực. Sức mạnh chính trị, tinh thần đã góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy; là sự kết tinh, hội tụ ý chí quật cường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; là sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và sự kiên trung, anh dũng, kiên cường chống kẻ thù xâm lược của toàn dân tộc.
Nhiều nhân chứng đã đi cùng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng khẳng định ý chí, sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta làm nên bước ngoặt lịch sử này. Chia sẻ tại hội thảo cấp quốc gia vừa qua về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa - nguyên chiến sĩ Đặc công biệt động kể: “Ngay trong ngày đầu tiên đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi đảm nhiệm tiến công Dinh Độc lập, một trong năm mục tiêu trọng yếu, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Dù chỉ còn lại 7 người, nhưng chúng tôi kiên cường bám trụ, bắn đến viên đạn cuối cùng. Tuy chưa giành thắng lợi, nhưng đã khiến quân địch hoang mang lo sợ, bởi “Phủ Đầu rồng” không còn là nơi bất khả xâm phạm. Đó là nhờ ý chí quyết tâm, tinh thần bất khuất được hun đúc từ truyền thống anh hùng của dân tộc anh hùng”.
Những kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục khẳng định vấn đề dựa vào dân, lấy dân làm gốc, gắn bó máu thịt với Nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận tạo sức mạnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, “thế trận lòng dân” luôn là nền tảng cho mọi thắng lợi. Như Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói, vai trò, giá trị của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm thay đổi cục diện chiến trường với nhiều bài học quý về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân còn nguyên giá trị. Cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, tiếp tục tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý giá để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần