Sức mạnh nguồn cội

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” - câu ca dao cho thấy ý nghĩa thiêng liêng và gần gũi của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng chục nghìn người lại nhịp bước tiến về mảnh đất Việt Trì (Phú Thọ) để thành kính tri ân các bậc tổ tiên. Những người con ở phương xa không có điều kiện về với đất Tổ lại đốt nén hương thơm, dâng lên các khu di tích, tượng đài Hùng Vương.

Khách thập phương về dự lễ hội đền Hùng ngày 20/4. Ảnh: Ngọc Tú
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết từ giá trị nguồn cội.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như ở California (Mỹ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự, đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ như ở Nga, Séc, Lào…

Theo thống kê, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp. Những không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển trong cộng đồng người Việt.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được gìn giữ, trao truyền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ khắp các vùng miền, trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho nước Việt trường tồn, ngày càng phát triển hùng cường... Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Trải qua gần 10 năm được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng minh chứng rõ nét hơn về tinh thần của lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại. Gìn giữ, phát huy giá trị vô giá của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo đúng những chuẩn mực truyền thống, những tinh hoa mà cha ông đã đúc kết, cũng là góp phần gìn giữ di sản tinh thần cho nhân loại nói chung là vấn đề luôn luôn cần được quan tâm một cách cẩn trọng và sâu sắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần