Sức sống mới nơi miền quê cách mạng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven sông Cà Lồ, xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) từng được T.Ư Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng. Đây cũng là nơi Chi bộ Xuân Kỳ - Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Sóc Sơn ngày nay, được thành lập.

Cái nôi cách mạng
Về xã Đông Xuân hôm nay, nhiều người vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những dấu tích của phong trào cách mạng sôi nổi tại miền quê ven sông Cà Lồ. Gốc đa Xóm Cả từng là nơi liên lạc, hội họp của cán bộ cách mạng. Đền Cả, đền Trôi, xóm Bến… là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa.
 Bà con nông dân xã Đông Xuân thu hoạch hoa nhài. Ảnh: Trọng Tùng
Bà Lê Thị Múi – năm nay đã ngoài 90 tuổi, một trong những gia đình có nuôi giấu cán bộ cách mạng giai đoạn 1939 – 1942 nhớ lại: Trong những năm tháng địch lùng sục gắt gao, xã Đông Xuân vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn để các chiến sĩ cách mạng đến lưu trú, xây dựng phong trào cách mạng.
“Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây không quản ngại, bất chấp hiểm nguy để nuôi giấu, chở che cho các cán bộ của T.Ư, Xứ uỷ về nơi đây hoạt động cách mạng, điển hình như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh…” – bà Múi nói.
Giai đoạn cách mạng tiền khởi nghĩa (1941 – 1945), địch tăng cường khủng bố, thậm chí hai lần đốt làng Xuân Kỳ (xã Đông Xuân). Nhưng Xuân Kỳ vẫn đứng vững và trở thành cái nôi của phong trào cách mạng huyện Kim Anh ngày đó, huyện Sóc Sơn hôm nay.
Trên mảnh đất lịch sử này, ngày 8/12/1942, tại miếu Gia Thờ, Chi bộ Xuân Kỳ - chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn) đã được ra đời. Từ đây, phong trào cách mạng lan rộng ra nhiều địa phương. Các tầng lớp Nhân dân tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tháng 8/1945.
Đổi thay ở xã nông thôn mới 
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, xã Đông Xuân hôm nay đã vươn mình đổi thay tích cực. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ xã Đông Xuân, các tầng lớp Nhân dân tập trung dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành những vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả… cho giá trị kinh tế cao.
Trong 5 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của xã Đông Xuân đạt bình quân 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với sự phát triển đa dạng các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt trên 45 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
Nhờ sự quan tâm lớn của TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của miền quê cách mạng nằm ven sông Cà Lồ được đầu tư ngày một đồng bộ. Đông Xuân trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Sóc Sơn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân Lê Xuân Quảng cho rằng, chăm lo xây dựng, củng cố, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những bài học kinh nghiệm quý giá giúp địa phương có được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế những năm qua.
Việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Nhận thức những khó khăn trong tiến trình phát triển vẫn rất lớn, ông Lê Xuân Quảng cho biết, cùng với thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chính trị mà TP và huyện giao, Đảng bộ xã Đông Xuân sẽ tiếp tục quán triệt, kiên định thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện để Nhân dân phát huy tinh thần trách nhiệm, tự lực tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Ngày 25/1/1942 tại nhà ông Nguyễn Văn Hưu ở thôn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân), số báo đầu tiên của báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại đoàn kết hôm nay) – Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh đã được bí mật ra đời. Tờ báo là công cụ, vũ khí sắc bén để truyền bá tư tưởng yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng, kêu gọi quần chúng Nhân dân đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc…