Suy ngẫm về một thú chơi

Phương Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Tết Kỷ Hợi, Hà Nội có những ngày mưa Xuân giăng mắc, cây cối đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Cảnh tượng đó tưởng như chỉ mang lại niềm vui, sự hào hứng cho mọi người. Vậy mà một chiều, đi qua quãng phố Kim Ngưu, ven con sông Tô Lịch, quãng gần ra đến đường Mai Động chợt thấy nhói lòng. Lẫn trong đám “xác đào” bị bỏ lại trên hè phố, một cành đào như vẫn không cam phận, đang trổ những mầm lộc xanh lấm tấm.

 Ảnh minh họa
Một cảm giác đau lòng đến nhức nhối. Từ nhiều năm nay, tôi cũng như nhiều người Hà Nội, cứ độ sau Rằm tháng Giêng thường phải chứng kiến cảnh những cành đào rừng, được chở về từ mạn Sơn La, Mộc Châu, Lào Cai, Lạng Sơn… giờ đã hóa thành những cành khô xác, nhiều cành còn bó nguyên bởi dây ni lông xanh đỏ, rải rác đó đây trong TP.

Đó là hệ quả của thú chơi đào rừng ngày Xuân và cái dịch vụ cho thú chơi này. Những người yêu hoa ở Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể không ngờ rằng họ đã vô tình tiếp tay cho một hành vi tàn phá tự nhiên. Phải chứng kiến cảnh những ngày cuối năm âm lịch, những đoàn xe nối nhau kìn kìn chở những cành đào rừng về xuôi mới thấy sự tàn phá ấy trầm trọng đến mức nào.

Quả tình, một nhánh đào rừng được mang về từ Mộc Châu hay Sa Pa có nét đẹp độc đáo, khác lạ so với những cành đào phai, đào bích truyền thống của những vườn đào Nhật Tân, một vẻ đẹp tự nhiên, đầy sức sống pha chút hoang dã. Ban đầu, thú chơi chỉ giới hạn ở số ít người những ngày áp Tết, nhân một chuyến đi, mang về một cành như muốn mang theo vẻ đẹp của núi rừng. Dần dà, chơi đào rừng trở thành cái mốt, với cả một đội quân chuyên phục vụ cho thú chơi này. Và năm này qua năm khác, những rừng đào mạn Tây Bắc, Việt Bắc dần bị xâm hại và đứng trước nguy cơ mai một. Thật đau lòng khi nghĩ rằng, liệu đến một lúc nào đó những cảnh đẹp mùa Xuân của núi rừng với hoa đào nở thắm chỉ còn trong kỉ niệm?

Ở một góc độ khác, như trên đã nói, cứ sau Tết, tại những điểm từng là chợ hoa như Nghi Tàm, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Kim Ngưu, Mai Động… lại rải rác những đám “xác đào”, thậm chí lưu cữu năm này qua năm khác, làm xấu cảnh quan môi trường TP.

Như trên đã nói, những cành đào rừng mang một vẻ tự nhiên, đẹp riêng có, cuốn hút. Cũng bởi thế nên những năm gần đây người làng đào Nhật Tân Hà Nội đã quan tâm tạo tác những cành đào tự nhiên, đẹp không kém đào rừng để cung cấp cho người yêu hoa đất kinh kì. Xa hơn một chút, tại Tam Điệp, Ninh Bình đã hình thành làng đào Đông Sơn, thu hút người yêu hoa Hà Nội và các tỉnh lân cận với những cành đào mang vẻ đẹp tự nhiên đầy hấp dẫn. Đây rõ ràng là một hướng đi cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu người yêu hoa mà còn góp phần gìn giữ những rừng đào Tây Bắc, Việt Bắc, một vẻ đẹp thiên nhiên quý giá…

Và để việc đó thành công, xem ra cũng cần sự hưởng ứng của những người yêu hoa Hà Nội.