Syria - Chiến trường của các "ông lớn"

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở những điểm nóng của thế giới như Syria hay bán đảo Triều Tiên, cường quốc nào đặt được tầm ảnh hưởng sẽ có tiếng nói quan trọng trên chính trường thế giới.

Trên mặt trận ngoại giao, một lần nữa, Nga và Mỹ cuốn vào cuộc tranh cãi xung quanh nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, khiến cuộc họp của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Syria không đem lại kết quả.

Cả Moscow và Washington đều đã "vô hiệu hóa" các nỗ lực của nhau trong cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ nhằm thành lập nhóm điều tra quốc tế về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria, quốc gia vốn đang chật vật trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, Nga bác bỏ văn bản do Mỹ dự thảo trong khi 2 dự thảo nghị quyết được Moscow soạn thảo đã không đạt được số phiếu bầu tối thiểu. 

 

Chính phủ của Tổng thống Assad và Moscow tuyên bố, cuộc tấn công bằng khí độc là không có thật. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh phương Tây đang thảo luận về khả năng sử dụng biện pháp quân sự để trừng phạt chính quyền Tổng thống Assad. Diễn biến căng thẳng ở Syria đã khiến cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol cảnh báo các hãng hàng không nên thận trọng ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải do khả năng diễn ra cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria. 

Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Mỹ không tìm được tiếng nói chung về vấn đề Syria. Moscow đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria 12 lần kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu. 

Kết quả về cuộc tấn công hóa học sớm muộn cũng được đưa ra ánh sáng, nhưng điều quan trọng là cuộc nội chiến Syria vì nghi vấn chưa rõ thực hư này lại càng khó tìm thấy lối thoát. Con số 70 người thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương chỉ là một phần nhỏ trong những thương vong mà người dân Syria đã hứng chịu trong 7 năm chìm trong nội chiến.

Nghi vấn tấn công vũ khí hóa học xuất hiện trong bối cảnh phe của Tổng thống Assad giành quyền kiểm soát ở Aleppo và gần đây nhất là tại Đông Ghouta. Về lý thuyết chiến thắng trong cuộc chiến tại Syria đã có thể nằm trong tay ông al-Assad. Tuy nhiên, ở những điểm nóng của thế giới như Syria hay bán đảo Triều Tiên, cường quốc nào đặt được tầm ảnh hưởng sẽ có tiếng nói quan trọng trên chính trường thế giới. Đây là nguyên nhân vì sao tại Syria, thế giằng co giữa một bên là Nga, ủng hộ chính phủ của Tổng thống al Assad và Mỹ, hậu thuẫn phe đối lập mãi vẫn chưa ngã ngũ. Và dù cho ông lớn nào chiếm ưu thế hơn, bên thiệt hại vẫn là Syria.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần