Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tác động của biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn cho công tác dự báo

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) luôn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên, làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến mưa, nước.

Nhân Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã cuộc trò chuyện với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) TS. Hoàng Đức Cường xung quanh vấn đề này.
TS. Hoàng Đức Cường
Thưa ông, trong những năm gần đây, ngành KTTV đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thông tin dự báo đã sát với thực tế hơn so với trước. Tuy nhiên, trong dự báo vẫn còn tồn tại sai số. Theo ông, nguyên nhân là gì?
- Công tác dự báo KTTV luôn là công việc hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách hiện hữu với tính chất “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ. Dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai là rất khó và không bao giờ đạt được độ chính xác tuyệt đối. Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn mang tính bất định, bất quy luật, lại thêm tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người và hạn chế về khoa học công nghệ nên thách thức đặt ra cho công tác dự báo, cảnh báo vẫn còn rất lớn.
Việc dự báo, cảnh báo thiên tai đã khó, việc đánh giá mức độ tác động, tính rủi ro, mức độ nguy hiểm của thiên tai khó khăn hơn vì còn phụ thuộc vào hiện trạng, năng lực ứng phó của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của thiên tai.
Ông có thể cho biết những khó khăn mà ngành KTTV đang gặp phải, ảnh hưởng đến chất lượng dự báo?
- Khó khăn lớn nhất đó là mạng lưới quan trắc KTTV còn thưa, việc đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV còn thiếu nguồn lực, chưa đa dạng được nguồn vốn đầu tư.  Theo đánh giá mới nhất, mạng lưới trạm KTTV hiện có 1458 trạm/điểm so với Quy hoạch 90 của Chính phủ là 5.515 trạm, mới đáp ứng được khoảng 27%.
Như vậy, hệ thống trạm quan trắc KTTV hiện còn rất thưa, một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra xung quanh bầu trời bán kính 10 - 20km trong khi ở nhiều nơi, các trạm này cách nhau từ 50 - 100km. Dọc theo bờ biển nước ta dài hơn 3.000km mới chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt, ngoài biển khơi mật độ trạm cũng quá thưa, cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên các đảo. Thiết bị đo phục vụ cho quan trắc chủ yếu vẫn là thủ công, thiết bị quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác hơn.
Cùng đó là khó khăn về công nghệ dự báo KTTV còn nhiều hạn chế; các mô hình dự báo của nước ngoài chưa được tối ưu hóa các thômg số phù hợp với các khu vực khác nhau của Việt Nam. Nguồn nhân lực trình độ cao về dự báo KTTV chưa nhiều và chủ yếu tập trung ở Trung ương, rất thiếu ở địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, quy trình kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn về quan trắc KTTV, dự báo, cảnh báo KTTV còn thiếu cần được bổ sung kiện toàn…
Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến tài nguyên nước như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Vậy ông có thể cho biết, vai trò của ngành KTTV trong vấn này như thế nào?
- Chúng tôi phải bám sát, theo dõi 24/24 tình hình KTTV và có những phân tích sâu, đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo chi tiết kịp thời, nhất là nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm và sát với thực tế xảy ra… giúp các cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống và giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, BĐKH đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam. Do thay đổi chế độ mưa theo hướng tập trung hơn vào mùa mưa và thời gian ít mưa kéo dài hơn nên dẫn đến gia tăng ngy cơ hạn hán, thiếu nước trong mùa khô; lũ lụt thường xuyên xảy ra hơn trong mùa mưa, lũ.
Cụ thể: Số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy lượng dòng chảy tại các trạm thủy văn trên những lưu vực sông chính nước ta như sông Hồng, Đồng Nai - Sài Gòn, Ba, Vu Gia - Thu Bồn... phổ biến có xu thế giảm.
Trong khi đó, đỉnh lũ cao nhất năm có xu hướng liên tục gia tăng ở hầu hết các lưu vực sông, trừ một số vùng như hạ lưu sông Hồng - Thái Bình và sông Ba do có sự điều tiết của các hồ, đập. Ở khu vực ven biển miền Trung và Nam Bộ, lũ lớn và đặc biệt lớn xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Ở ven biển miền Trung, và ở ĐBSCL lũ lớn, lũ đặc biệt lớn… chủ yếu xảy ra trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Lũ quét và trượt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Do tác động của BĐKH nên hiện tượng mưa cực đoan thường xuất hiện hơn dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét ngày càng cao.
Hạn hán và do thiếu hụt dòng chảy nên hiện tượng xâm nhập mặn ở ĐBSCL và ven biển Trung Bộ ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong khoảng 5 năm chúng ta đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn ở mức khốc liệt ảnh hưởng lớn đến KT-XH và đời sống nhân dân.
Vậy, để công tác dự báo có thể ứng phó tốt với những diễn biến phức tạp của BĐKH trong thời gian tới, ngành KTTV mà cụ thể là Tổng cục đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Quản lý và khai thác tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Vì vậy việc hợp tác quốc tế, để có sự trợ giúp về kĩ thuật, về công nghệ dự báo của các nước tiên tiến, cùng nhau dự báo thời tiết, khí hậu là mục tiêu chung của tất cả các nước thuộc WMO mà Việt Nam luôn nêu cao tinh thần của một thành viên tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao.
Để ứng phó tốt với những diễn biến phức tạp của BĐKH, Tổng cục KTTV đã có định hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa với quan điểm “Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại hoá; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có”.
Song hành với việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, cần đào tạo phát triển nguồn nguồn nhân lực của Ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới, nhất là năng lực phân tích, xử lý cơ sở dữ liệu từ các mô hình, công nghệ hiện có của Ngành và các mô hình, công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm như bão, lũ…
Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, đặc biệt là các loại thiên tai liên quan đến nước như lũ lụt, hạn hán,... Nâng cao chất lượng dự báo thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tính toán và mô hình hóa, tăng độ tin cậy và chú trọng cảnh báo sớm về rủi ro thiên tai.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai KTTV, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo từ các nguồn tin chính thống, chủ động lên phương án phòng tránh khi có nguy cơ xảy ra thiên tai tại khu vực mình sinh sống.
Xin cảm ơn ông!

Các bản tin dự báo, cảnh báo của ngành KTTV đã ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, góp phần giảm thiểu thiệt hại, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của quốc gia.

Cụ thể: Các bản tin dự báo bão đã kéo dài thời hạn dự báo đến 3 ngày và cảnh báo đến 5 ngày, dự báo ATNĐ kéo dài tới 2 ngày, cảnh báo đến 3 ngày; Các bản tin dự báo, cảnh báo lũ lụt ở Bắc Bộ thường sớm trước 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ trước 1 - 2 ngày, ở Nam Bộ trước 5 - 10 ngày; Các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng, nắng nóng, không khí lạnh cũng đã cảnh báo trước 2 - 3 ngày và dự báo trước 1 - 2 ngày;…