Tác động dịch Covid-19 lên doanh nghiệp ngày càng rõ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), khu vực DN hiện đóng góp trên 60% vào GDP, nhưng Sách trắng DN Việt Nam năm 2020 cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của khu vực này.

 Nhiều DN gặp khó khăn sau dịch Covid-19. Ảnh: Hải Linh
Gần 50% doanh nghiệp kinh doanh lỗ
Năm 2019, số DN thành lập mới đạt kỷ lục là hơn 138.000 DN, tăng 5,2% so với năm 2018, đưa tổng số DN đang hoạt động của cả nước là 758.610 DN. Nếu tính cả số DN quay trở lại hoạt động là 39.421 DN, tăng 15,9%, thì tổng số DN năm 2019 là gần 800.000 DN. Tuy vậy, có tới 28.731 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 5,9%. Số DN chờ giải thể là 43.711 DN, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 16.840 DN. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng lên của các DN chờ giải thể là do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm.
Về hiệu quả kinh doanh, cập nhật tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 9,0% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%, có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5% và có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%. Đáng chú ý, khu vực DN Nhà nước có chỉ số nợ là 3,4 lần, đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực DNNN “dẫn đầu” về chỉ số nợ so với vốn tự có bình quân của DN.
Số liệu mới nhất của TCTK 4 tháng đầu năm, số DN thành lập mới giảm chỉ bằng 86,8% so với cùng kỳ năm trước, còn số vốn đăng ký chỉ bằng 82,1%. Theo Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho dù năm nay có đạt số DN thành lập mới kỷ lục như năm trước thì tính tổng cộng số DN cũng chỉ đạt khoảng 900.000 DN vào cuối năm 2020.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khá rõ
Năm 2020, khi vừa bước qua đại dịch Covid-19, việc thành lập DN mới sẽ trở nên vô cùng khó khăn cả về số lượng và chất lượng sức khỏe DN. Trong khi đó, 4 tháng qua số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22.700 DN tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Số lượng DN chờ giải thể lớn nhất như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 36,6%); xây dựng (chiếm 13,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%). Đây đều là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của DN, TCTK đề xuất tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí, đặc biệt chi phí không chính thức cho DN và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thủ tục về đầu tư, đất đai... Đồng thời, việc xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới đòi hỏi những cách thức quản lý khác phù hợp hơn thì các bộ, ngành cũng phải cắt giảm những điều kiện quản lý cũ.
Cũng theo ông Lâm, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các DN cần tập trung cần khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường số hóa trong DN. Bên cạnh đó, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu và cơ cấu khu vực DN để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trên cả nước, mật độ DN hiện ở mức 7,9/1.000 dân nhưng chỉ 8 địa phương có mật độ cao là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh. Điều này cho thấy, ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển DN chung của cả nước, các địa phương cũng cần chú ý hơn nữa đến các chính sách cụ thể để phát triển DN tại địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần